Sau quý 1 khởi đầu thuận lợi, lực cản cho tăng trưởng kinh tế Việt nam đã xuất hiện nhiều hơn khiến tăng trưởng của quý 2 giảm tốc và có thể xuống dưới 7%, Chứng khoán SSI nhận định. Bối cảnh quốc tế thay đổi nhanh trong khi sự dịch chuyển cơ cấu kinh tế và đầu tư trong nước chưa theo kịp có thể làm nhỡ nhịp tăng trưởng trong một vài quý. Điều này càng cho thấy nhu cầu cấp bách phải phát triển nhanh "đàn sếu lớn", những doanh nghiệp nội địa mạnh, sức cạnh tranh cao để làm hạt nhân, từ đó tạo được thế tăng trưởng cao và bền vững hơn cho kinh tế Việt nam trong dài hạn.
Trong một phát biểu mới đây, ông Mark Billington - Giám đốc khu vực Đông Nam Á của ICAEW cũng cho rằng: "Trong giai đoạn 2019-2020, Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 6,3%, giảm 0,3% so với mức dự báo cho năm 2018 (6,6%), do giảm nới lỏng chính sách tiền tệ và chu kỳ thương mại toàn cầu bão hòa".
Rộng hơn, báo cáo "Tiêu điểm kinh tế: Khu vực Đông Nam Á" cũng đưa ra dự báo, năm 2018, tăng trưởng GDP của các nền kinh tế trong khu vực Đông Nam Á sẽ đạt 4,9%, giảm 0,3% so với năm 2017, do tăng trưởng xuất khẩu khu vực chỉ ở mức vừa phải.
Riêng tại Việt Nam, tăng trưởng GDP quý 1/2018 đạt 7,38% - mức tăng cao nhất của quý đầu năm trong 10 năm qua, nhờ duy trì tiềm lực của lĩnh vực sản xuất công nghiệp, ngành dịch vụ hoạt động tốt và sản lượng nông nghiệp tăng.
Nông nghiệp, thủy sản khởi sắc, vẫn còn rủi ro cạnh tranh tại tôm
Điểm qua về thời gian từ đầu năm đến nay, hưởng lợi từ diễn biến thời tiết và thị trường xuất khẩu thuận lợi, ngành nông nghiệp tiếp tục có tăng trưởng khả quan trong tháng 5. Năng suất lúa đông xuân vùng Đồng bằng sông Cửu Long ước tính đạt 68,9 tạ/ha, tăng 6,3 tạ/ha so với vụ đông xuân 2017. Xuất khẩu gạo tháng 5 đạt 600 nghìn tấn và 460 triệu USD, đưa tổng xuất khẩu gạo 5 tháng lên 2,8 triệu tấn và 1,56 tỷ USD, tăng 20% về lượng và 51% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cuối tháng 5 với loại 5% tấm đã tăng lên 460-465 USD/tấn, mức cao nhất 4 năm một phần nhờ nhu cầu nhập khẩu tăng và một phần nhờ chất lượng gạo xuất khẩu đã cải thiện sau một thời gian chuyển đổi giống lúa.
Tương tự như lúa gạo, thị trường xuất khẩu ổn định đã giúp thúc đẩy ngành thủy sản, cụ thể là nuôi trồng, chế biến tôm và cá. Giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 5 năm 2018 ước đạt 700 triệu USD, đưa tổng xuất khẩu thủy sản 5 tháng đầu năm 2018 lên 3,1 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2017. Giá cá tra duy trì ở mức cao (giữa tháng 5 đạt mức kỷ lục 32.000-33.000 đồng/kg) đã kích thích nguồn cung. Sản lượng cá tra tháng 5 ước tính 104 nghìn tấn, tăng 11,6%, cao nhất nhiều năm (cùng kỳ 2017 chỉ tăng 3,8%).
Nuôi tôm nước lợ thuận lợi về thời tiết nên sản lượng tôm sú trong kỳ cũng ước tính đạt 23 nghìn tấn, tăng 7%, sản lượng tôm thẻ chân trắng đạt 32 nghìn tấn, tăng 16,4%. Tuy nhiên, giá tôm lại đang giảm liên tục. Vào cuối tháng 5 giá tôm thẻ chân trắng đã giảm 20-30% so với đầu năm và hiện ở mức thấp nhất 2 năm. Nguyên nhân của giá tôm giảm được cho là do cung tăng và áp lực cạnh tranh từ tôm Ấn độ, Thái lan. Sang quý 3, khi lượng thả nuôi và nguồn cung của Ấn độ, Thái Lan giảm trong khi nhu cầu tôm ở các thị trường chính vẫn ổn định, giá tôm có thể tăng trở lại, tạo tăng trưởng tốt hơn cho ngành tôm.
Tăng trưởng sản xuất công nghiệp chậm lại
Ở chiều ngược lại, chỉ số công nghiệp tháng 5 tăng 7,1%, đây là mức tăng trưởng công nghiệp thấp nhất trong vòng 4 năm gần đây. Sỡ dĩ chỉ số công nghiệp tăng chậm lại là do ngành điện tử chỉ tăng 2,2%. Cùng kỳ 2017 là mùa cao điểm sản xuất Samsung Galaxy S8 trong khi năm nay Galaxy S9 đã ra mắt sớm hơn và tạo ra tăng trưởng rất cao trong quý 1. Xuất khẩu điện thoại trong tháng 5 đạt 3,4 tỷ USD, giảm 17,6% trong khi xuất khẩu điện thoại của quý 1 tăng 62,3%. Cộng gộp 2 tháng 4 và 5, tổng xuất khẩu điện thoại là 6,8 tỷ USD, giảm 19%. Do nền cao của cùng kỳ, tăng trưởng sản xuất, xuất khẩu điện thoại trong quý 2/2018 sẽ thấp, từ đó kéo giảm tăng trưởng GDP.
Theo SSI, chính sách thuế mới của Donald Trump rất có thể đã và đang ảnh hưởng đến sản xuất của các doanh nghiệp điện tử trong đó chủ lực là Samsung và LG, buộc các hãng này phải mở nhà máy tại Mỹ, đồng nghĩa giảm quy mô sản xuất tại Việt nam. Đây là rủi ro mới phát sinh cần theo dõi chặt chẽ bởi nó sẽ khiến GDP của Việt nam khó giữ được đà tăng như 4 quý vừa qua.
Bù lại cho ngành điện tử, điện thoại tăng chậm lại, một số ngành khác thuộc lĩnh vực chế biến chế tạo có tăng trưởng khả quan trong tháng 5 như dệt may, kim loại, xe có động cơ và dược liệu.
Đặc biệt trong số đó, sản lượng sắt thép thô tăng ấn tượng nhất, đạt 39,7%, cao hơn cùng kỳ là 29,7%. Tiếp đến là thép thanh, thép góc, 15,1% (cùng kỳ đạt 5,3%). Ngược lại, thép cán chỉ tăng 3,1% trong khi 5 tháng 2017 tăng tới 27,7%. Nhìn chung, với việc Trung Quốc giảm sản lượng thép vì lý do môi trường và Mỹ áp thuế cao với thép có nguồn gốc Trung Quốc, ngành thép Việt nam có cơ hội để giành thêm thị phần và duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong những tháng tới.
Khai khoáng đi ngang bất kể giá dầu tăng, mảng dịch vụ về đáy của tăng trưởng
Đặc biệt, ngành khai khoáng không có cải thiện dù giá dầu tăng lên mức cao nhất 2.5 năm. Tổng sản lượng dầu thô khai thác tháng 5 là 1,02 triệu tần, xấp xỉ bằng trung bình năm và giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng khí và than cũng giảm 9,1% và 0,5%.
Như vậy là việc tăng huy động khai thác khí đốt để sản xuất điện năng không thể kéo dài bởi chi phí cao, nhất là khi mùa mưa đã đến. Do cả 3 nguồn khai khoáng là dầu, khí và than đá cùng có xu hướng giảm, chỉ số công nghiệp khai khoáng tháng 5 giảm 7,6%, trong đó dầu thô và khí giảm 11,2%, xấp xỉ bằng mức giảm của cùng kỳ 2017. Khai khoáng sẽ là ngành kéo giảm tăng trưởng GDP trong quý 2, đảo ngược vị thế nâng đỡ GDP của ngành trong quý 1.
Hay lĩnh vực dịch vụ cũng có tín hiệu giảm tốc, khi mà tổng bán lẻ hàng hóa dịch vụ 5 tháng chỉ tăng 8,3%, mức thấp nhất 12 tháng. Nguyên nhân ngành bán lẻ giảm tốc một phần đến từ hoạt động du lịch. Được biết, doanh thu mảng dịch vụ lưu trú, ăn uống tháng 5 tăng 8,9%, thấp nhất 15 tháng và mảng du lịch lữ hành tăng 23%, thấp nhất từ đầu năm.
Lượng khách quốc tế đến Việt nam trong tháng 5 đạt 1.16 triệu lượt, tăng +19.4% YoY (cùng kỳ tăng +26.8%). So với tháng 5/2017, tăng trưởng khách từ các thị trường lớn đều thấp, điển hình như Nga, giảm -12.7% trong khi cùng kỳ tăng +22.9%. Tính chung 5 tháng, lượng khách quốc tế đạt 6.7 triệu lượt khách, tăng +27.6% (cùng kỳ tăng +29.6%). Trung Quốc và Hàn Quốc là hai thị trường lớn nhất nhưng tốc độ tăng trưởng khách đến Việt nam đều có xu hướng giảm, rõ nhất là Trung Quốc.
Tổng lượng khách Trung Quốc đến Việt nam 5 tháng đầu năm là 2.1 triệu lượt khách, bằng 1/3 tổng lượng khách quốc tế đến Việt nam và tăng +37% YoY, mức tăng thấp nhất nhiều năm (ngoại trừ giai đoạn tết nguyên đán). Khách Hàn Quốc dù có tăng trưởng cao, +62% nhưng đây là mức thấp nhất kể từ đầu năm. Rất có thể khi với làn sóng FDI từ Hàn Quốc hạ nhiệt, tăng trưởng khách Hàn Quốc sẽ còn tiếp tục giảm trong những tháng tới. Điều này đặt ra sự cần thiết phải phát triển nhanh các đường bay mới gắn liền với các địa điểm và sản phẩm du lịch phù hợp để có thể duy trì tốc độ tăng trưởng cao ở các thị trường nhiều tiềm năng này.
Tựu chung lại, các số liệu kinh tế tháng 5 đang đưa ra một số tín hiệu cảnh báo về tăng trưởng trong quý 2 cũng như thời gian còn lại của năm 2018. Nổi lên rõ nhất rủi ro từ những cuộc chiến thương mại. Chính sách bảo hộ đang có tác động ngày một rõ đến các doanh nghiệp FDI, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử trong khi đây lại là nhóm tạo động lực tăng trưởng chính cho Việt nam. Hệ quả có thể nhận thấy là sự sụt giảm đầu tư và hoạt động sản xuất kinh doanh của khối FDI, kéo theo tăng trưởng việc làm và sức cầu tiêu dùng chung.
Tăng trưởng trong lĩnh vực nông nghiệp và một số ngành thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo là những điểm sáng trong quý 2, tạo ra hy vọng về những hướng đi mới giúp cân bằng các động lực tăng trưởng trong tương lai. Tuy nhiên, SSI cũng lưu ý rằng sự phát triển của một vài ngành công nghiệp trong nước là kết quả của chính sách bảo hộ hoặc may mắn hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại giữa các nước lớn. Các doanh nghiệp Việt nam vì vậy cần phải tận dụng nhanh thời cơ để chiếm thị phần trước khi luật chơi lại thay đổi.
Thịt bò BEEF | 1.402.996.272 VNĐ / tấn 339.60 BRL / kg | 1.33 % + 4.45 |
Thịt gà CHICKEN | 33.215.813 VNĐ / tấn 8.04 BRL / kg | 0.00 % - 0.00 |