Phiên giao dịch ngày 19/4 - "ngày thứ ba đen tối", giới đầu tư chưa thể hết sốc khi thị trường đột ngột lao dốc sau 14h chiều. Loạt cổ phiếu bị bán mạnh, nhiều cổ phiếu từ mức xanh xuống giảm sàn chỉ trong 45 phút cuối phiên. Bộ phim "lật mặt" được chiếu trên quy mô lớn với sự tham gia của đông đảo cổ phiếu.
"Mọi thứ đều bị bán không thương tiếc, cổ phiếu tốt cũng bị bán như "hàng rác". Mọi thứ diễn ra quá chóng vánh khiến cho các nhà đầu tư choáng váng", một nhà đầu tư kỳ cựu đang quản lý tài khoản hàng ngàn tỷ thốt lên.
Các nhóm cổ phiếu bank, chứng khoán, bất động sản…dẫn dắt thị trường đều tụt sâu khiến cho VN-Index rớt thảm. Đây là 3 nhóm cổ phiếu có tính chi phối vốn hoá thị trường lớn nhất nên một khi đồng thuận giảm điểm sẽ gây tác động lớn đến VN-Index.
Loạt cổ phiếu chuyển từ xanh sang đỏ, sàn
Chốt phiên, VN-Index đánh mất 26 điểm, VN-30 rớt 27,6 điểm chỉ trong 45 phút cuối phiên, thổi bay 103.000 tỷ đồng vốn hoá. Nếu tính từ đỉnh 1.524 điểm thì VN-Index đã rớt 118 điểm, vốn hoá bốc hơi 443.000 tỷ, tương ứng 19,2 tỷ USD.
HOSE 469 cổ phiếu giảm, trong đó 98 cổ phiếu giảm sàn. Tính tổng 3 sàn có tổng cộng 164 cổ phiếu giảm sàn. Phiên 18/4 cũng có tới 149 cổ phiếu giảm sàn, phiên 12/4 có tới gần 100 cổ phiếu "nằm sàn". Cổ phiếu giảm sàn la liệt, mức độ và quy mô lớn hơn.
Lực bán tăng đột biến vào 45 phút cuối phiên
Có nhiều nguyên nhân dẫn đà bán tháo mạnh mẽ vào cuối phiên hôm nay, tuy nhiên, lý do lớn nhất đó là áp lực bán giải chấp cổ phiếu. Áp lực call margin trên diện rộng khiến đà bán tháo dồn dập sau 14h chiều khiến loạt cổ phiếu bị "đánh gục". Chỉ trong hơn một tuần qua, nhiều cổ phiếu rơi thẳng đứng nhóm chứng khoán, bất động sản, đầu cơ,…với biên độ giảm lên tới 20-30%/cổ phiếu. Do đó, áp lực bán giải chấp margin ở các công ty chứng khoán, các kho hàng bên ngoài rất lớn.
"Đợt giảm điểm trước mình có hai khách hàng bị bán giải chấp nhưng đợt giảm điểm này có tới 6 khách hàng bị bán giải chấp phiên hôm nay. Đà giảm quá nhanh và sốc của đợt này khiến cho nhiều nhà đầu tư không thể xử lý kịp, cũng không thể xoay được số tiền lớn nộp bù vào", một môi giới chứng khoán Công ty Chứng khoán VNDirect nói với chúng tôi.
Bên cạnh bão tin đồn khiến tâm lý nhà đầu tư rất nặng nề, áp lực lạm phát tăng lãi suất được cho là nguyên nhân lớn nhất khiến các cổ phiếu từ xanh sang giảm sàn chớp nhoáng đến từ áp lực bán giải chấp. Nhiều ý kiến còn cho rằng có tình trạng call margin chéo. Nhiều cổ phiếu đầu cơ bị call margin nhưng vì thanh khoản hạn chế, nên các bên cho vay phải đem những cổ phiếu cơ bản ra bán cuối phiên để thu hồi vốn.
Dù là nguyên nhân nào thì phiên giao dịch 19/4 cũng là "ngày đen tối" với số đông nhà đầu, đẩy thêm mức thua lỗ của họ nặng thêm.
Nhiều chuyên gia cho rằng bán thời điểm này đã là quá muộn vì đây là thời điểm để mua vào.
Xét về điểm số, VN-Index đã mất 120 điểm từ đỉnh mà chưa có cú hồi nào đáng kể. Do đó, khi VN-Index đã rơi về gần 1.400 điểm này được cho là một mốc hỗ trợ tốt. Thanh khoản phiên 19/4 ở HOSE là 22.656 tỷ đồng, tổng 3 sàn đạt 27.500 tỷ đồng, thấp hơn mức 30.000 tỷ phiên 18/4. Như vậy, dù áp lực bán giải chấp trên diện rộng nhưng lượng cầu vẫn ở mức đáng kể.
"Khi mà những cổ phiếu tốt với thông tin tốt nhất cũng không đủ để vực dậy thị trường thì báo hiệu mùa đông đang đến trên thị trường chứng khoán. Trong mùa đông thì tất cả cổ phiếu đều thực sự khó khăn. Mọi thứ sẽ bị chèn ép đến cùng cực. Sẽ vẫn có những ngôi sao nhưng sẽ là số rất hiếm. Đa phần nhà đầu tư sẽ thua lỗ hoảng sợ và chán nản trong mùa đông. Mùa đông là thời điểm tuyệt vời nhất để gia tăng tích lũy tài sản. Nhưng với phần lớn nhà đầu tư F0, cần học cách sống sót qua mùa đông. Thường mùa đông ngắn là vài tuần còn dài có thể là vài tháng", một nhà đầu tư kỳ cựu được chúng tôi phỏng vấn chia sẻ.