Đêm nằm lều nghe cá quẫy mà vui
Đường xuống xã Phúc Sạn bây giờ được trải nhựa phẳng lỳ. Con đường lổn nhổn đá hộc năm nào đã dần lùi vào dĩ vãng. Tết vừa rồi, bà con xóm Gò Lào, xã Phúc Sạn đón niềm vui “kép” vì các chủ lồng cá được mùa. Một năm mưa thuận gió hòa, thuận lợi với người nuôi cá.
Nuôi cá đã mang lại cuộc sống ấm no cho bà con xã Phúc Sạn. Ảnh: X.T
Người dân ở khu Bãi Sang, xã Phúc Sạn hầu như không có ruộng, không có nương. Do vậy, cuộc sống của họ trông cả vào nguồn thủy sản đánh bắt trên lòng hồ và việc nuôi cá lồng. Họ phải sống chết với nghề nuôi cá lồng mới kiếm được cái ăn hàng ngày. Dù trải qua nhiều bận bị khánh kiệt do cá chết hàng loạt, nhưng họ vẫn quyết tâm bám trụ và dựng lại cơ nghiệp. Việc nuôi cá đặc sản gắn với họ như là một định mệnh. |
Đứng từ trên bến Phúc Sạn nhìn xuống, những bè cá của bà con dập dềnh trên sóng nước. Mỗi bè đều cắm cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió. Trên bè tiếng máy, tiếng nói chuyện oang oang của ngư dân xua tan cái tĩnh mịch nơi miền sơn cước.
Như đã hẹn, anh Mai Văn Hàn – ông chủ của hơn chục lồng cá - đánh thuyền máy vào đón chúng tôi. Vốn quen sông nước, anh lái chiếc thuyền máy chạy băng băng trên lòng hồ. Sau vài phút ngồi thuyền, chúng tôi đã ra đến bè cá của anh Hàn.
Hơn chục lồng cá được cột chặt lại với nhau bằng hệ thống tre, luồng rất vững chãi. Trên mỗi bè đều phủ lớp lưới phòng cá trong lồng nhảy ra ngoài hồ. Trên bè, nồi ngô bung đang tỏa khói nghi ngút. Hóa ra anh Hàn đang bung ngô cho đám cá bỗng (giống cá thần ở Thanh Hóa) ăn. Anh nhanh tay vứt từng nắm ngô xuống bè cho cá ăn. Đám cá với vây đỏ, vây xanh, vây tím… nhảy ào ào trong bè đua nhau giành mồi.
Nhìn đám cá ăn ngon lành, anh Hàn không giấu được niềm vui: “Nhà tôi năm nay nuôi được 1.000 con. Hiện trọng lượng mỗi con đã đạt từ 1,5 - 3kg. Giá bán lẻ tại bè là 120.000 đồng/kg. So với việc nuôi các loài cá khác, cá bỗng dễ nuôi hơn”.
Chưa nói dứt câu, anh Hàn lại luôn tay tung ngô cho đám cá ăn. Theo anh Hàn, cá bỗng rất khỏe lại ham ăn. Nuôi chúng dễ hơn nuôi lợn, chúng chỉ ăn ngô và cỏ. Cả năm chúng chẳng bao giờ bị bệnh, duy chỉ có điều lớn chậm. Mỗi năm chỉ lên được hơn 1kg/con.
Cá bỗng – loài cá mà anh Hàn cho rằng nuôi dễ hơn nuôi lợn. Ảnh: T.V
"Ngày cho chúng ăn. Đêm nằm ngoài lều nghe chúng quẫy ầm ầm là thấy vui rồi. Cá có khỏe chúng mới quẫy mạnh, sợ nhất là những đêm ngủ lều mà không nghe thấy tiếng cá quẫy là y rằng có chuyện”. Anh Mai Văn Hàn |
Sau gần chục năm nuôi cá, anh Hàn cũng kịp tích góp cho mình rất nhiều kinh nghiệm. Không chỉ nuôi cá bỗng, anh còn nuôi cá trắm đen. Cá trắm đen được bà con nơi đây gọi là “tàu ngầm” vì chúng rất to và sống chủ yếu ở tầng đáy.
Trọng lượng cá trắm đen luôn đạt trên dưới 10kg. “Ngày cho chúng ăn. Đêm nằm ngoài lều nghe chúng quẫy ầm ầm là thấy vui rồi. Cá có khỏe chúng mới quẫy mạnh, sợ nhất là những đêm ngủ lều mà không nghe thấy tiếng cá quẫy là y rằng có chuyện”- anh Hàn chia sẻ.
Ngồi bên chiếc bè đã gắn bó với gia đình anh Hàn suốt mấy chục năm, nghe anh nói về cá cả ngày không chán. Trước đây, sông Đà nhiều cá. Bà con đánh bắt cá lăng, cá chiên, cá bỗng mang ra chợ bán, chẳng ai hỏi mua. Họ cho rằng các loại cá đó quá “lạ” họ không dám ăn. Giờ đây, chúng lại trở thành đặc sản và luôn bán được giá. Hiện ở xã Phúc Sạn có cả trăm hộ nuôi cá đặc sản. Nó là một nghề gắn liền với đời sống của bà con nơi đây.
Nuôi cá “lãi quan viên”
Chị Nguyễn Thị Dung (xóm Gò Lào, xã Phúc Sạn) cũng là một hộ nuôi cá có thâm niên. Chị sống ở đây từ bé, làm nghề đánh bắt thủy sản. Nhiều năm nay gia đình chị vừa nuôi, vừa đánh bắt cá. Từ ngày nuôi cá chiên, chị chưa thấy loại cá nào nuôi lãi như vậy.
"Giống cá này rất hiền, được đánh bắt từ Thanh Hóa về làm giống. Mấy năm trước cá giống khoảng 300.000 - 400.000 đồng/kg. Thức ăn của chúng chủ yếu là cá con. Tốc độ lớn khá nhanh, sau gần 1 năm cá có thể đạt trọng lượng 1kg/con. “Hiện tại, nhà tôi có 3 lồng với 200 con trưởng thành, mỗi ngày ăn 5kg cá con. Giá bán trên thị trường khá cao. Đối với cá 1kg/con có thể xuất bán 400.000 đồng/kg”- chị Dung cho biết.
Cá đặc sản dễ nuôi, nhưng không phải lúc nào nó cũng thuận buồm xuôi gió. Nuôi cá chiên hay gặp rủi ro, nhất là vào thời điểm tháng 5-6 hàng năm. Nhiều năm nay, không chỉ cá chiên mà nhiều loài cá khác cũng bị thiếu ôxy rồi chết. Với các loài cá khác nếu sử dụng sục, cá chết ít hơn, còn cá chiên thì chết hàng loạt, thậm chí chết hết cho dù dùng sục ôxy.
Nhớ lại cái ngày kinh hoàng vào tháng 6/2015, chị Dung vẫn còn chưa hết bàng hoàng. Khi ấy, nhà chị nuôi gần 700 con cá chiên, trọng lượng 8 lạng/con. Buổi chiều, chị đi kiểm tra thấy cá bình thường, nhưng sáng hôm sau thì cá có hiện tượng thiếu ôxy. Cá cứ phơi bụng nổi trắng lồng. Chị đã dùng sục tạo ôxy nhưng không hiệu quả. Cuối cùng cá chết hết, thiệt hại gần 300 triệu đồng.
Ông Bùi Văn Kế - hàng xóm của chị Dung cũng là người nuôi cá có thâm niên ở đây. Ông từng nuôi cá bỗng, cá chiên, cá lăng… Hầu như các loài cá đặc sản ở lòng hồ, ông đều đã từng nuôi qua. Suốt mấy chục năm lênh đênh với sóng nước lòng hồ, ông Kế nắm rất rõ về đặc điểm các loài cá đặc sản nơi đây.
Theo ông Kế, nếu nuôi được cá chiên thì không cá gì lãi bằng. Có thời điểm khan cá, giá lên hơn 400.000 đồng/kg. Nếu việc nuôi cá thuận buồm xuôi gió, cá không bị chết, người dân nơi đây sẽ rất giàu. Tuy nhiên, do sự khắc nghiệt của thời tiết, không phải năm nào ông trời cũng chiều theo lòng người.
“Theo tôi, cá chết vào dịp tháng 5-6 hàng năm là do thời điểm này nước lòng hồ xuống thấp. Nguồn nước bị ô nhiễm do việc xả thải của các xưởng làm đũa vào ban đêm. Tổ Bãi Sang có 40 hộ sinh sống thì có đến 30 hộ nuôi cá. Vào thời điểm đó, lồng cá của các hộ đều bị hiện tượng cá chết. Với các loài cá khác như trắm cỏ, dầm xanh, rô phi đơn tính… khỏe hơn nên chết ít hơn”-ông Kế thông tin.
Người dân ở khu Bãi Sang, xã Phúc Sạn hầu như không có ruộng, không có nương. Do vậy, cuộc sống của họ trông cả vào nguồn thủy sản đánh bắt trên lòng hồ và việc nuôi cá lồng. Họ phải sống chết với nghề nuôi cá lồng mới kiếm được cái ăn hàng ngày. Dù trải qua nhiều bận bị khánh kiệt do cá chết hàng loạt, nhưng họ vẫn quyết tâm bám trụ và dựng lại cơ nghiệp. Việc nuôi cá đặc sản gắn với họ như là một định mệnh.
Minh chứng của sự phát triển của nghề nuôi cá đặc sản là sau mỗi năm bà con đều bổ sung thêm lồng cá. Bè cá của bà con ngày một mở rộng hơn. So với việc chăn nuôi các động vật khác, nuôi cá vẫn mang lại nguồn thu siêu lợi nhuận. Ông Nguyễn Đình Chiến (tổ Bãi Sang, xã Phúc Sạn) là người gắn bó nhiều năm với nghề nuôi cá đặc sản, chia sẻ: “Năm nào môi trường thuận lợi thì thành công, lãi nhiều. Có năm cá không bị chết, gia đình tôi trừ mọi chi phí, lãi hơn 300 triệu đồng, có nhà lãi hơn 400 triệu đồng, trung bình các hộ lãi từ 200 - 300 triệu đồng”. |