Chính phủ Việt Nam đã đầu tư rất nhiều vào việc nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin quốc gia. Đồng thời, nhà nước tạo điều kiện thuận lợi và phát triển các chương trình ưu đãi thuế, để thu hút các công ty đa quốc gia xây dựng nhà máy của họ tại Việt Nam.
Các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Hungary, và đặc biệt là Hàn Quốc và Nhật Bản đang đánh giá rất cao tiềm năng trong lĩnh vực phần mềm của Việt Nam, chỉ đứng sau Trung Quốc và Ấn Độ. Cuối năm 2017, hãng tư vấn AT Kearny đã công bố một bản báo cáo Chỉ số Điểm đến về dịch vụ toàn cầu: Tác động rộng lớn của tự động hóa (Global Services Location Index: The Widening Impact of Automation). Báo cáo xếp hạng Việt Nam hiện đang đứng vị trí thứ 6, tăng 5 bậc so với năm trước. Việt Nam xếp hơn Philipines 1 bậc và hơn Thái Lan 2 bậc trong lĩnh vực gia công phần mềm thế giới.
Báo cáo cũng chỉ ra Việt Nam hấp dẫn các nhà đầu tư chủ yếu nhờ thu hút tài chính, kỹ năng và mức độ dồi dào nhân lực đứng thứ 2 với trình độ ngoại ngữ tốt và giá nhân công chỉ bằng một nửa Ấn Độ hay Trung Quốc. Môi trường kinh doanh là yếu tố đứng thứ 3, nếu so với Thái Lan thì điểm số về môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn còn kém hơn và cần phải cải thiện.
Một báo cáo khác của Tập đoàn nghiên cứu và tư vấn Gartner: "Đánh giá các quốc gia về dịch vụ gia công công nghệ thông tin tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương" Việt Nam cũng nằm trong top 6 điểm đến hàng đầu về chuyển giao công nghệ toàn cầu tại khu vực này. Các công ty như Intel, IBM, Samsung Display, Nokia và Microsoft đã lựa chọn Việt Nam để đầu tư lâu dài. Trong tương lai, Việt Nam sẽ còn đón thêm những gã khổng lồ công nghệ mới như Foxconn và Lenovo, và tiếp tục duy trì hợp tác với các tập đoàn đa quốc gia trên toàn thế giới.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc phân ngành của Hệ thống thông tin FPT nhận định: "Thị trường gia công phần mềm ở Việt Nam đang tăng trưởng rất tốt".
Hơn nữa, Việt Nam giờ đây không chỉ đơn thuần là gia công phần mềm. Các doanh nghiệp trong nước hiện này đều đang chuyển hướng bằng cách gia tăng giá trị. Thay vì gia công ở tầng thấp của chuỗi giá trị, thì Việt Nam đang chuyển lên tầng cao hơn. Ví dụ như đề nghị các khách hàng nước ngoài để thực hiện chuyển đổi số. Ở khu vực này, công việc hình thức có vẻ như vẫn là gia công, nhưng trên thực tế giá trị gia tăng đã cao hơn rất nhiều
Theo ước tính của Liên minh Doanh nghiệp gia công công nghệ thông tin Việt Nam VNITO, hiện doanh số xuất khẩu dịch vụ công nghệ thông tin của Việt Nam đã xấp xỉ 1 tỷ USD/ năm. Việt Nam đã đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 lọt vào top 10 thế giới về cung cấp dịch vụ gia công phần mềm và chuyển đổi số với hơn 1 triệu lao động làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Forbes đã đánh giá ngành gia công phần mềm ở Việt Nam "nhỏ mà có võ": "Việt Nam đang nỗ lực phát triển lực lượng lao động có tay nghề cao để cạnh tranh với các quốc gia láng giềng trong khu vực như: Singapore, Malaysia và Philippines, và cam kết giáo dục đại học và giáo dục STEM, hướng tới công nghệ 4.0. Với việc đầu tư liên tục vào nghiên cứu khoa học ở cấp đại học, Việt Nam đang đảm bảo rằng phần lớn sinh viên tốt nghiệp đại học sẽ có bằng STEM".