CTCP Licogi 16 (LCG) vừa có số ước kết quả kinh doanh năm 2020 với doanh thu 3.580 tỷ, lợi nhuận vào khoảng 311 tỷ. Đặc biệt những tháng cuối năm, Công ty thu về hơn 1.200 tỷ đồng doanh thu từ năng lượng tái tạo. Bao gồm 2 dự án LCG hiện đang làm tổng thầu EPC là Nhà máy điện mặt trời (NM ĐMT) KN Vạn Ninh và dự án NM ĐMT Đầm Trà Ổ ước tính, với doanh thu lần lượt 1.107 và 110 tỷ đồng.
Trong đó, dự án NM ĐMT KN Vạn Ninh tại xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa công suất 100MWp do Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Điện mặt trời KN Vạn Ninh đầu tư với tổng giá trị 2.000 tỷ đồng. Dự án khởi công vào tháng 6/2020 và đã COD ngay trong tháng 12/2020.
Ngoài ra, LCG cũng liên danh cùng Tổng Công ty Xây dựng Bạch Đằng - CTCP ký hợp đồng tổng thầu EPĐMT tại NM ĐMT Đầm Trà Ổ (Bình Định) với công suất 50MWp, tổng giá trị hợp đồng 820 tỷ đồng. Dự án được triển khai trên diện tích 60,6ha trên đầm Trà Ổ, gồm 60ha mặt nước và 0,6ha mặt đất.
Nói về những khó khăn về nguồn vốn từng nhấn mạnh tại ĐHĐCĐ 2020, theo đại diện LCG so với thời điểm đầu năm thì đến nay về dòng tiền đã được cải thiện khá rõ rệt do Công ty có nguồn thu từ bất động sản và hoạt động xây lắp (NM ĐMT KN Vạn Ninh, NM ĐMT Solar Farm Nhơn Hải, NM ĐMT Mỹ Sơn 1 và Mỹ Sơn 2, Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn....).
Nhờ đó, Công ty đã cơ cấu lại khoản nợ cũng như bổ sung nguồn vốn lưu động trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Ghi nhận, tỷ lệ nợ vay so với thời điểm đầu năm đã giảm 44% dẫn đến chi phí tài chính cũng giảm được tương ứng.
Theo kế hoạch, năm 2021 LCG sẽ tích cực trong việc thu hồi công nợ tồn đọng, đồng thời tìm kiếm đối tác để cùng liên danh thực hiện các dự án có quy mô lớn. Riêng các khoản đầu tư chưa có hiệu quả thì sẽ rà soát đánh giá và tìm phương án cơ cấu phù hợp.
Đối với mảng năng lượng tái tạo trong năm 2021, Công ty dự kiến triển khai đầu tư dự án Solar Chư Ngọc giai đoạn 2 (25MW) và dự án điện gió 100MW tại Gia Lai.
Nửa cuối năm 2021 dự kiến điện mặt trời sẽ tiếp diễn một cuộc bùng nổ mới
Phân tích thêm về tiềm năng của năng lượng tái tạo, phía LCG cho biết: "Biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường ở Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng trong những năm gần đây. Tương ứng, ngày càng xuất hiện nhiều dự án năng lượng tái tạo thay thế năng lượng hóa thạch".
Bên cạnh đó, do hạn chế trong truyền tải điện và giải phóng công suất nên một số dự án năng lượng tái tạo chưa được triển khai kịp thời theo tiến độ đề xuất của các nhà đầu tư và nhu cầu tiêu thụ năng lượng của quốc gia; đồng nghĩa với việc phải nhập khẩu điện và ô nhiễm môi trường tiếp tục tăng cao từ các nhà máy nhiệt điện. Đây là bài toán đặt ra với Chính phủ nhằm tìm ra phương án hiệu quả khai thác nguồn năng lượng tái tạo.
Chưa kể, cơ chế khuyến khích phát triển điện điện mặt trời sẽ hết hạn vào ngày 31/12/2020, cơ chế điện gió cũng sẽ hết hạn vào ngày 31/10/202. Đặc biệt, khó khăn còn vấp phải trong việc giải toả công suất do các dự án truyền tải điện không kịp đầu tư đồng bộ với các dự án nguồn điện mới.
Dù vậy, xu thế phát triển các dự án năng lượng tái tạo là không thể đảo ngược dựa theo nhu cầu sử dụng điện trong các năm tới. Theo báo cáo của Bộ Công thương tại công văn số 1931/BCT-ĐL ngày 19/3/2020, cơ cấu công suất nguồn điện giai đoạn 2021-2030 theo phương án cơ sở là tổng nhu cầu nguồn điện vào năm 2030 là 90.651MW so với hiện tại là 42.080MW và tổng công suất lắp đặt vào năm 2030 là 145.568MW so với công suất các dự án nguồn điện hiện tại là gần 60.000MW.
Đối với điện mặt trời trong năm 2021 xu hướng đầu tư xây dựng các dự án điện mặt trời phụ thuộc vào cơ chế thí điểm đấu thầu giá điện mặt trời, cơ chế đấu thầu chính thức và cơ chế cho phép người sử dụng mua điện trực tiếp từ nhà đầu tư (DPPA).
Do vậy có thể các tháng đầu năm là thời gian chờ cơ chế khuyến khích nói trên nhưng ngay sau khi cơ chế được ban hành thì các dự án sẽ được triển khai một cách ồ ạt vì các nhà đầu tư Việt Nam cũng như nước ngoài đã có kinh nghiệm và sự hiểu biết về thị trường điện mặt trời tại Việt Nam. Đồng thời sau hơn 3 năm được khuyến khích thì chi phí đầu tư các dự án điện mặt trời đã giảm rất nhiều tạo điều kiện cho cơ chế đấu thầu được cạnh tranh và khả thi.
Riêng LCG, Công ty đã định hướng lĩnh vực năng lượng tái tạo là lĩnh vực cốt lõi để LCG tiếp tục phát triển trong cả 2 vai trò đầu tư và tổng thầu EPC. Đối với mảng đầu tư các dự án điện gió và điện mặt trời thì Công ty tiếp tục nỗ lực đẩy nhanh tiến độ các dự án đã và đang đề xuất bổ sung quy hoạch đồng thời tiếp tục khảo sát và nghiên cứu đầu tư các dự án năng lượng tái tạo có tiềm năng và không ảnh hưởng đến quỹ đất nông nghiệp như điện mặt trời nổi và điện gió trên biển. Đây là chương trình đầu tư dài hạn và LCG sẽ tiếp tục nâng cao năng lực để chủ động triển khai các dự án nói trên trong giai đoạn 2021-2030.