60 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ được vinh danh tại Liên hoan các doanh nghiệp Rồng Vàng và Thương hiệu mạnh 2019 do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức vào ngày 5 và 6/4/2019. Đó là sự ghi nhận cho những đóng góp của các doanh nghiệp FDI đối với nền kinh tế Việt Nam.
Đây đều là những doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh, có tốc độ tăng trưởng cao, có vốn đầu tư lớn, hay có nhiều đóng góp cho nền kinh tế Việt Nam như đóng góp nhiều cho ngân sách nhà nước, có nhiều chế độ chính sách chăm sóc tốt đời sống tinh thần vật chất cho người lao động...
Đề cao giá trị sáng tạo
Năm nay, Ban tổ chức bình chọn danh hiệu đã đề cao các tiêu chí về những giá trị sáng tạo, sáng kiến, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh và đem lại thành công cho doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng mạnh mẽ và áp lực đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp ngày càng gay gắt.
Qua 18 năm triển khai, Liên hoan Doanh nghiệp Rồng Vàng và Thương hiệu mạnh đã bình chọn, tôn vinh hàng trăm doanh nghiệp FDI xuất sắc nhất. Các doanh nghiệp FDI được trao danh hiệu đều là những điển hình tiên tiến trong việc đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam với hàng loạt tiêu chí cụ thể từ doanh thu, lợi nhuận, nộp thuế, lao động tới những sáng kiến, sáng tạo mới trong kinh doanh, mô hình quản trị...
Trải qua 3 vòng bình chọn, Ban Tổ chức đã lựa chọn ra 60 doanh nghiệp FDI tiêu biểu 2018 để tôn vinh và trong đó có 10 doanh nghiệp được trao tặng top 10 Rồng Vàng 2018. Đây đều là những doanh nghiệp đã tạo ra doanh thu hàng tỷ USD, tạo việc làm cho hàng trăm nghìn lao động và đặc biệt là đã góp phần làm nên diện mạo cho nền kinh tế Việt Nam trong suốt hơn 30 năm thu hút FDI.
Nhiều doanh nghiệp FDI đã xây dựng thành công những thương hiệu được nhắc đến trong nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Điển hình phải kể đến Samsung, Siemens trong lĩnh vực điện, điện tử, điện lạnh, công nghệ thông tin; Toyota trong lĩnh vực ôtô, xe máy; Citi Bank, KPMG và Prudential trong lĩnh vực tài chính - bảo hiểm – ngân hàng; RMIT trong lĩnh vực giáo dục; liên doanh DHL – VNPT trong chuyển phát; Gamuda Land và Alpha King trong lĩnh vực bất động sản...
Nếu tính kể từ khi đồng vốn FDI đầu tiên chảy vào Việt Nam cách đây 32 năm, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam của những dự án đầu tư còn hiệu lực là khoảng 346,5 tỷ USD và vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 195,6 tỷ USD, bằng 56,4% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực.
Dòng chảy của FDI
Nhưng sau 18 năm, cùng với dòng chảy hội nhập của Việt Nam, khu vực doanh nghiệp FDI đã có rất nhiều thay đổi trong bảng xếp hạng Rồng Vàng hàng năm. Không chỉ là sự xuất hiện của những cái tên mới, những ngành nghề mới còn là những loại hình doanh nghiệp mới. Thay vì là những văn phòng đại diện nước ngoài, những công ty liên doanh, công ty li-xăng... đến giờ đã có những doanh nghiệp FDI 100% vốn đầu tư của nước ngoài với những điều kiện hoạt động ít ràng buộc hơn.
GS.TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, cho rằng, sự thay đổi này không chỉ phản ánh về cách thức kinh doanh, tư duy kinh doanh, quan điểm kinh doanh của nhà đầu tư nước ngoài mà còn phản chiếu quá trình từng bước cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam.
Cũng chính dòng chảy của khu vực FDI, dòng chảy của nền kinh tế Việt Nam nói chung và dòng chảy của khu vực doanh nghiệp tư nhân nói riêng đã có sự bứt phá và lớn mạnh.
Theo ông Mại, cho dù kinh nghiệm kinh doanh của các doanh nghiệp FDI của giai đoạn trước chỉ còn lại những trải nghiệm, nhưng đối với doanh nghiệp Việt Nam, vẫn còn rất nhiều giá trị chia sẻ. "Bởi họ đã đi trước ta hàng chục thậm chí là hàng trăm năm. Kinh nghiệm của họ đối với ta vẫn rất có ý nghĩa", ông nói.
Với những lợi thế về quản trị, khoa học và công nghệ, nghiên cứu... doanh nghiệp FDI sẽ tiếp tục có những đóng góp với nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới, giai đoạn của thời đại kinh tế số, của nền kinh tế chia sẻ, có cơ hội tiếp cận với công nghệ, tư duy kinh doanh mới nhất.
Vì thế, Việt Nam sẽ cần có những chính sách mới để tạo ra những "vận hội mới, cơ hội mới" cho các doanh nghiệp FDI cũng như doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập mạnh mẽ, với hàng loạt các hiệp định tự do thương mại được ký kết, với sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư trên toàn thế giới.
"Hơn nữa, để tránh được bẫy thu nhập trung bình và trở thành quốc gia có thu nhập cao, một điều rõ ràng rằng Việt Nam cần xây dựng một chiến lược FDI thế hệ mới" để thúc đẩy sức lan tỏa của dòng vốn FDI và tạo thêm nhiều giá trị gia tăng nhằm tận dụng tối đa các lợi ích mà FDI mang lại", ông Kyle Kelhofer - Giám đốc quốc gia của IFC (Công ty Tài chính quốc tế) tại Việt Nam, Lào, Campuchia nói.
Chiến lược FDI thế hệ mới
Một chiến lược FDI thế hệ mới tầm nhìn 2020-2030 đang được IFC phối hợp với Chính phủ xây dựng. Chiến lược thu hút đầu tư FDI thế hệ mới có trọng tâm khuyến nghị là: chuyển từ việc tìm kiếm nhà đầu tư phù hợp với những gì Việt Nam đang có (tổng hợp các yếu tố của môi trường đầu tư có lợi cho nhà đầu tư) sang xây dựng môi trường đầu tư và phát triển các yếu tố phù hợp cho loại hình đầu tư mà Việt Nam cần thu hút hơn nữa.
Trong đó, tổng cộng có 30 lĩnh vực tiềm năng đại diện cho các ngành thuộc các khu vực khác nhau của nền kinh tế được đánh giá theo các tiêu chí thế hệ mới. Trong đó, ưu tiên ngắn hạn - cần thiết để tăng cường gia tăng giá trị nội địa và năng lực cạnh tranh bao gồm các ngành: công nghiệp chế biến, chế tạo (kim loại/khoáng sản/hóa chất/nhựa và các sản phẩm công nghệ cao; máy móc, thiết bị công nghiệp); logistics và bảo trì - sửa chữa - đại tu; nông nghiệp: nông sản mới giá trị cao; du lịch: dịch vụ du lịch đặc thù giá trị cao.
Trong đó, 8 nhóm giải pháp để thu hút FDI thế hệ mới: tăng cường cung cấp kỹ năng chính để tạo thuận lợi cho đầu tư FDI thế hệ mới; xây dựng/kiện toàn cơ quan xúc tiến đầu tư nước ngoài thế hệ mới để chủ trì thực thi chiến lược; cải cách khung chính sách ưu đãi hiện hành; hiện đại hóa xúc tiến đầu tư, xác định lĩnh vực ưu tiên xúc tiến chủ động; thực hiện môi trường kinh doanh/môi trường đầu tư 4.0; mở cửa cho FDI những ngành nghề hỗ trợ năng lực cạnh tranh và tăng trưởng; áp dụng các chính sách xúc tiến đầu tư FDI ra nước ngoài; có chính sách cụ thể để tăng cường kết nối và tác động lan tỏa của doanh nghiệp FDI.
Đặc biệt, theo IFC, Việt Nam cần cải tổ khung chính sách về ưu đãi đầu tư - tái cân bằng theo hướng ưu đãi theo hiệu quả. Theo đó, cần cải cách cơ chế hiện hành với các mục tiêu thu hút đầu tư FDI thế hệ mới với nhận thức rằng ưu đãi "theo lợi nhuận" sẽ ít phù hợp hơn trong việc khuyến khích phát triển nhà cung cấp, công nghệ xanh, gia tăng giá trị và đào tạo nguồn nhân lực, so với ưu đãi theo năng lực (hành vi).
Cơ chế ưu đãi hiện hành vừa không cho thấy rõ tác động thực sự, vừa không cho biết tiêu chí "gia tăng" (ưu đãi đem lại lợi ích cho nền kinh tế chủ nhà, mà nếu thiếu thì sẽ không có được lợi ích đó) đã đạt được đến mức nào. Cần đổi mới tư duy và thay đổi quan điểm phổ biến nhưng đã lạc hậu rằng Việt Nam chỉ có thể cạnh tranh dựa vào chi phí sang lối tư duy cạnh tranh dựa trên lợi thế so sánh và những giá trị riêng biệt...