Theo Bloomberg, sau kế hoạch "giải cứu" tốn kém của WeWork và một loạt những thương vụ đầu tư thất bại của tỷ phú Masayoshi Son, giám đốc điều hành cấp cao của 2 ngân hàng lớn nhất Nhật Bản đã tiết lộ rằng họ không còn thoải mái với cách quản lý khác người của Son đối với quỹ Vision.
Hồi giữa tháng 11, một vị giám đốc cho biết công ty của ông muốn thấy một kế hoạch xoay chuyển đủ thuyết phục đối với vụ việc của WeWork, trước khi cho SoftBank vay thêm tiền. Vị giám đốc kia cũng tiết lộ trong cùng khoảng thời gian ngân hàng ông đang có kế hoạch tiếp cận thận trọng với SoftBank và hoài nghi về chiến lược đầu tư của Son vào những start-up được định giá quá cao. Hai nhà cho vay này đều nằm trong số những nơi cho SoftBank vay tới 2,7 tỷ USD.
Cả 2 nhân vật này đều từ chối tiết lộ danh tính, đưa ra dấu hiệu rằng họ sẽ cắt giảm mối liên hệ với SoftBank. Ngoài ra, động thái này còn cho thấy những suy nghĩ đối với Son đang dần thay đổi, kể cả những người ủng hộ đáng tin cậy nhất của ông cũng vậy.
Các ngân hàng Nhật Bản đã hỗ trợ những khoản đầu tư mạo hiểm của Son trong gần 4 thập kỷ qua và hiện đang cho SoftBank và Quỹ Vision vay ít nhất 15 tỷ USD. Hơn nữa, họ cũng có mối quan hệ khăng khít trong mảng ngân hàng đầu tư với Son, tư vấn cho ông về nhiều thương vụ và giúp SoftBank huy động nhiều tiền hơn từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp Nhật Bản. Theo Freeman & Co., SoftBank đã trả hơn 1,9 tỷ USD tiền phí cho các ngân hàng toàn cầu kể từ năm 2015, phần nhiều trong số đó là các nhà cho vay của Nhật Bản.
Nếu họ "thắt chặt hầu bao" hay lên tiếng mạnh mẽ hơn về việc Son đã gọi vốn cho các mảng kinh doanh của mình như thế nào, thì những kế hoạch của tỷ phú "liều ăn nhiều" sẽ bị xáo trộn - đưa một đế chế chìm trong nợ nần trở thành nhà tiên phong trong mọi lĩnh vực của công nghệ. Một bài thử nghiệm quan trọng có thể sẽ diễn ra trong vài tuần tới, vì SoftBank sẽ tìm cách huy động vốn mới trị giá 2,7 tỷ USD.
Những ngân hàng cho SoftBank vay nhiều nhất.
Kazumi Tanaka, nhà phân tích của DZH Financial Research, cho hay: "Các ngân hàng Nhật Bản đã cung cấp các khoản vay một phần có được là nhờ năng lực và khả năng quản lý của Son. Vấn đề đối với WeWork đã làm mất đi một trong những yếu tố có thể thuyết phục họ tiếp tục hậu thuẫn cho ông ấy."
Vị doanh nhân 62 tuổi đã trở thành "ông trùm" ngành viễn thông tại Nhật Bản và là doanh nhân công nghệ nổi tiếng nhất nước này. Cho đến nay, SoftBank là công ty phải trả phí nhiều nhất cho các dịch vụ của ngân hàng đầu tư. Ở một quốc gia mà các nhà cho vay gặp nhiều khó khăn với lãi suất gần như bằng 0 và nhu cầu tín dụng hầu như không có, thì có rất ít công ty có tầm ảnh hưởng lớn trong ngành tài chính.
Tuy nhiên, một SoftBank mà các ngân hàng làm việc cùng trong suốt 2 thập kỷ là một tập đoàn tập trung kinh doanh mảng viễn thông và có doanh thu ổn định. Còn hiện tại, đây lại là một công ty có những thương vụ đầu tư mạo hiểm rất lớn, họ chấp nhận rủi ro chưa từng có, khiến khả năng tài chính thực sự khó dự đoán.
Những "cú vấp ngã" diễn ra liên tiếp trong thời gian gần đây đã khiến quan điểm của các ngân hàng đối với mô hình mới của Son bị lung lay. Mức định giá sụt giảm mạnh đối với những công ty mà SoftBank đầu tư lớn, như WeWork, Uber, đã khiến khoản lỗ hoạt động kinh doanh gần như chạm 6,5 tỷ USD lần đầu tiên trong 14 năm trong quý tài chính thứ 2.
Một giám đốc ngân hàng Nhật Bản cho biết việc cho SoftBank vay thêm sẽ khiến công ty của ông tiến gần đến giới hạn nội bộ đối với việc cung cấp dịch vụ cho người đi vay. Điều này không hẳn sẽ ngăn cản họ mở rộng phạm vi tín dụng, bởi các ngân hàng có thể tạm thời vượt qua mức giới hạn đó. Tuy nhiên, về lâu dài, thì nhà cho vay có thể sẽ bị hạn chế đối với việc cung cấp thêm các khoản vay cho SoftBank.
Các ngân hàng lớn nhất mà SoftBank đã tiếp cận để huy động cáck khoản vay bao gồm: Mitsubishi UFJ Financial Group Inc., Sumitomo Mitsui Financial Group Inc. và Mizuho Financial Group Inc. Dựa trên số liệu từ ngày 31/3, tổng giá trị các khoản vay mà họ cung cấp cho SoftBank sẽ tăng lên 15 tỷ USD nếu họ tài trợ cho toàn bộ thoả thuận.
SoftBank là công ty phi tài chính niêm yết nắm giữ khoản nợ dài hạn lớn thứ 2 thế giới.
Tuy nhiên, việc các nhà cho vay thì rất cần đến lãi suất và những thương vụ uỷ quyền hấp dẫn từ ngân hàng đầu tư có thể là một lợi thế lớn cho Son khi ông đang nỗ lực để đàm phán cho các khoản vay mới. Theo nguồn tin thân cận, hôm 26/11, vị tỷ phú đã gặp gỡ đại diện của 3 ngân hàng lớn nhất Nhật Bản để thảo luận về vấn đề này. Trong cuộc họp, các giám đốc điều hành đã phác thảo kế hoạch của họ cho WeWork, dù các bên không thảo luận về những điều khoản cho khoản vay.
Tỷ phú Son và các chủ ngân hàng Nhật Bản có thể bị "ràng buộc" bởi quy mô khổng lồ của khoản nợ rác mà SoftBank đang nắm giữ. Công ty này có 131 tỷ USD nợ dài hạn, con số này cao hơn bất kỳ công ty phi tài chính niêm yết nào, sau AT&T của Mỹ. Trong trường hợp các khoản tài trợ có dấu hiệu gặp khủng hoảng thì tâm lý của những nhà cho vay chính của SoftBank cũng lung lay theo.
Nếu các ngân hàng không còn hỗ trợ nhiệt tình, thì Son có thể tìm kiếm hướng tài trợ khác, bao gồm khai thác 39 tỷ USD tiền mặt và các khoản tương đương của SoftBank. Công ty này cũng có thể phát hành thêm trái phiếu, dù có lãi suất cao hơn so với các khoản vay từ ngân hàng. Sau đó, họ có thể cân nhắc đến khoản đầu tư hấp dẫn nhất của Son, đó là cổ phần của SoftBank trong Alibaba trị giá 129 tỷ USD (tính đến ngày 14/12).
Dẫu vậy, mối quan hệ "lạnh nhạt" với các ngân hàng trong nước có thể là vấn đề lớn đối với vị tỷ phú này, nhất là ở thời điểm ông đang huy động vốn cho Quỹ Vision 100 tỷ USD thứ 2 để có thể theo kịp những thương vụ đầu tư "quá nhanh quá nguy hiểm".
Tham khảo Bloomberg