Sacombank chứng kiến hàng nghìn tỷ đồng giá trị cổ phiếu chuyển nhượng trong một thời gian ngắn. Cổ phiếu STB đã có tăng giá theo đà chung nhưng vẫn chìm sâu so với thời kỳ đỉnh cao trước đây.
Thị trường chứng khoán vừa ghi nhận những biến động lớn về giao dịch khối lượng lớn cổ phiếu STB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank).
Theo đó, trong phiên 18/1, Sacombank ghi nhận 60 triệu cổ phiếu STB được chuyển nhượng thông qua khớp lênh. Đây là mức thanh khoản kỷ lục trong gần 15 năm kể từ khi cổ phiếu này lên sàn.
Trước đó, ngày 15/1, Sacombank cũng ghi nhận một phiên giao dịch kỷ lục với 51,7 triệu đơn vị khớp lệnh.
Như vậy, chỉ trong 2 phiên gần nhất, tổng cộng gần 112 triệu cổ phiếu Sacombank đổi chủ.
Trong nửa cuối 2020, Sacombank cũng ghi nhận những phiên giao dịch tăng đột biến như phiên 30/12 với 35,8 triệu cổ phiếu của ngân hàng này khớp lệnh trong phiên, hay phiên 23/9 với 45,7 triệu cổ phiếu được giao dịch…
Theo các báo cáo chính thức, Sacombank không có cổ đông lớn. Ngân hàng này có hàng chục nghìn cổ đông nhỏ và vài trăm cổ đông tổ chức.
Bên cạnh đó, một số ngân hàng đang sở hữu lượng lớn cổ phiếu STB dưới dạng tài sản đảm bảo cho khoản vay của các cá nhân tổ chức như EximBank và KienLongBank.
Theo tài liệu đại hội thường niên 2020, Eximbank cho biết được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép bán 75 triệu cổ phiếu STB do 7 khách hàng thế chấp, nếu người vay không trả nợ. Eximbank muốn phát mãi toàn bộ lượng cổ phiếu STB trên để thu hồi 746 tỷ đồng nợ vay.
Ông Dương Công Minh (trái) |
Với KienLongBank, ngân hàng từng chào bán 176,3 triệu cổ phiếu STB vào đầu năm 2020. Đây là tài sản đảm bảo của một nhóm khách hàng. Tuy nhiên, giao dịch này không thành công khi TTCK ở mức thấp trong nửa đầu năm. Đại diện KienLongBank khi đó cho biết không chốt giá bán thấp hơn 20.000 đồng/cp.
Trước phiên giao dịch kỷ lục, hôm 18/1/2021 cổ phiếu STB đã tăng lên mức 21.000 đồng/cp theo xu hướng đi lên trên toàn thị trường chứng khoán và sự gia tăng bùng nổ của nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng.
Cổ phiếu STB gần đây tăng theo xu hướng tăng chung trên thị trường. Cổ phiếu này tăng từ mức 12.000 đồng hồi đầu năm 2020 lên mức khoảng 20.000 đồng như hiện tại, nhưng còn thấp hơn khá nhiều so với mức khoảng 28.000 đồng/cp (giá điều chỉnh) hồi 2008. Với gánh nặng nợ xấu và phức tạp tái cơ cấu, STB được dự đoán còn chặng đường dài để tìm lại chính mình trước đây với vị thế và hiệu quả của 1 ngân hàng cổ phần hàng đầu.
Trước đó, trên thị trường có tin đồn Tập đoàn Trường Hải (Thaco) của tỷ phú USD Trần Bá Dương mua cổ phiếu STB. Tuy nhiên, tập đoàn này sau đó phủ nhận tin đồn.
Ông Trần Bá Dương là tỷ phú USD và đang vận hành công ty sản xuất lắp ráp ô tô Trường Hải, khu đô thị Sala tại Thủ Thiêm và vừa đầu tư cả tỷ USD vào mảng nông nghiệp của Bầu Đức. Đại gia này cần nhiều tiền cho việc mở rộng hoạt động kinh doanh sang các lĩnh vực khác.
Sacombank là một ngân hàng TMCP hàng đầu tại Việt Nam trong các một thời gian dài. Tuy nhiên, ngân hàng này gặp khó khăn vì nợ xấu sau khi sáp nhập SouthernBank và gánh chịu di sản nặng nề của đại gia một thời Trầm Bê.
Sau khi về lèo lái Sacombank, ông Dương Công Minh đã thúc đẩy tái cơ cấu và xử lý nợ xấu ngân hàng này. Ông Minh cho rằng trong 5 năm, STB sẽ được tái cơ cấu xong theo đúng tinh thần của đề án đã được phê duyệt năm 2017. Dù vậy, tỷ lệ nợ xấu Sacombank còn cao. Tính tới nửa cuối 2020, tỷ lệ nợ xấu vẫn cao trên mức 2%. Đây là mức rất cao so với mặt bằng nợ xấu các ngân hàng công bố cho năm 2020.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), thị trường tiếp tục sôi động. VN-Index ở quanh ngưỡng 1.190 điểm.
Theo BVSC, trong tuần mới, VN-Index sẽ tiếp tục gặp khó trước vùng kháng cự 1.200-1.220 điểm. Chỉ số đang nhận được sự hỗ trợ từ vùng 1.175-1.180 điểm. Nếu để mất vùng hỗ trợ này, rủi ro bước vào nhịp điều chỉnh của thị trường sẽ gia tăng trong ngắn hạn. Nhà đầu tư sẽ quan tâm nhiều hơn đến kỳ công bố kết quả kinh doanh quý IV của các doanh nghiệp.
Đồng thời, trong tuần mới, HOSE sẽ công bố kết quả thay đổi danh mục các bộ chỉ số VN30, VNFINLEAD… kỳ 1 năm 2021. Sau đó, các quỹ đầu tư theo các bộ chỉ số này sẽ phải thực hiện các hoạt động tái cơ cấu danh mục. Cũng trong tuần tới, hợp đồng tương lai tháng 1 sẽ đáo hạn và có thể tạo ra biến động mạnh cho thị trường vào giữa tuần.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 18/1, VN-Index giảm 2,26 điểm xuống 1.191,94 điểm; HNX-Index tăng 5,04 điểm lên 230,5 điểm. Upcom-Index giảm 0,09 điểm xuống 78,55 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 20,3 nghìn tỷ đồng.
V. Hà