Cổ phiếu SHB của Bầu Hiển tăng mạnh, trở lại đỉnh lịch sử, khi mà “game” mới vừa được công bố. Nhóm cổ phiếu ngân hàng chịu áp lực từ khả năng nợ xấu gia tăng và lợi nhuận suy giảm; tuy nhiên triển vọng chung vẫn khá tốt.
Ngân hàng Sài Gòn Hà Nội(SHB) của ông Đỗ Quang Hiển (Bầu Hiển) vừa công bố sẽ ngừng giao dịch từ 6/10 trên sàn Chứng khoán Hà Nội (HNX) và chính thức giao dịch trên sàn chứng khoán TP.HCM (HSX) vào ngày 11/10.
Trong phiên giao dịch 30/9, cổ phiếu SHB tăng mạnh 2,3% lên 26.600 đồng/cp, trái ngược với diễn biến đa số giảm của nhóm cổ phiếu ngân hàng.
Gần đây, SHB của Bầu Hiển liên tục đón nhận nhiều thông tin tốt. SHB vừa được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho tăng vốn điều lệ lần hai trong năm 2021 thông qua chi trả cổ tức năm 2020 cho cổ đông. Hồi tháng 5/2021, ngân hàng này đã chia cổ tức năm 2019 cho cổ đông tỷ lệ 10%.
Hồi cuối tháng 8, SHB có thông tin sẽ chuyển nhượng 100% vốn tại công ty tài chính SHB Finance cho Krungsri của Thái Lan. Trước mắt, SHB sẽ chuyển nhượng 50% vốn điều lệ của SHB Finance cho Krungsri và sẽ tiếp tục chuyển nhượng 50% vốn còn lại sau 3 năm.
Tin chứng khoán ngày 1/10: Ngân hàng của Bầu Hiển ghi dấu ấn. |
Thỏa thuận chuyển nhượng SHB Finance sẽ đem lại nguồn thặng dư vốn đáng kể cho cổ đông cũng như nâng cao năng lực tài chính và vị thế của SHB.
Hồi giữa tháng 5, tổ chức nghiên cứu và phân tích chỉ số chứng khoán hàng đầu thế giới Morgan Stanley Capital International (MSCI) đã quyết định thêm cổ phiếu SHB vào rổ danh mục của chỉ số MSCI Frontier Market Index - chỉ số tham chiếu cho quỹ MSCI Frontier Markets Index ETF.
SHB đặt ra mục tiêu bứt phá với hai kịch bản kế hoạch lợi nhuận, trong đó xác định mục tiêu tăng trưởng ít nhất 78% trong năm 2021; kế hoạch chi trả cổ tức năm 2020 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 10,5%...
Gần đây, giá cổ phiếu ngân hàng chùng lại sau một thời gian dài bứt phá mạnh và là trụ cột trên thị trường chứng khoán. Cổ phiếu SHB của ông Đỗ Quang Hiển cũng điều chỉnh nhưng vẫn ở vùng cao và tăng gấp đôi so với hồi đầu năm.
Biến động chỉ số VN-Index. |
Chỉ số chứng khoán VN-Index ngày 1/10
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), các cổ phiếu tăng nhẹ sau vài phiên chịu áp lực nặng nề từ những thông tin vĩ mô tiêu cực. GDP được công bố tăng trưởng âm ở mức sâu nhất trong lịch sử.
Một số doanh nghiệp được dự báo vẫn có kết quả kinh doanh tốt trong quý III. Hơn thế dòng tiền được cho là vẫn ở trên TTCK khi mà các kênh đầu tư khác kém hấp dẫn. Dù vậy, sự thận trọng vẫn còn cao.
Theo MBS, thị trường chứng khoán trong nước hồi phục trên nền thanh khoản thấp, tuy vậy độ rộng rất tích cực nhờ đóng góp của nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. Kể từ đầu tuần, thanh khoản đang trong xu hướng giảm dần và đây cũng là phiên có mức thanh khoản thấp nhất trong 2 tháng vừa qua.
Thị trường vẫn dao động trong xu hướng đi ngang 1 tháng vừa qua, xu hướng thanh khoản giảm trong tuần cuối tháng 9 là điều nhà đầu tư cần lưu ý. Dòng tiền vẫn lựa chọn các cổ phiếu vừa và nhỏ nên xu hướng tích lũy của thị trường có khả năng còn tiếp diễn, các nhóm cổ phiếu được hưởng lợi từ sự mở cửa của nền kinh tế sẽ là sự lựa chọn cho nhà đầu tư trong thời gian tới.
Theo YSVN, thị trường có thể tiếp tục đi ngang trong phiên giao dịch mới trong bối cảnh dòng tiền tiếp tục phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu. Áp lực bán có thể tiếp tục gia tăng nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ và tác động tiêu cực lên tâm lý của nhà đầu tư ngắn hạn, đặc biệt dòng tiền vẫn chưa sẵn sàng quay trở lại thị trường cho nên kịch bản đi ngang còn tiếp diễn trong vài phiên tới. Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm.
Chốt phiên chiều 30/9, chỉ số VN-Index tăng 2,85 điểm lên 1.342,06 điểm. HNX-Index tăng 3,03 điểm lên 357,33 điểm. Upcom-Index tăng 0,63 điểm lên 96,56 điểm. Thanh khoản giảm mạnh xuống còn 18,3 nghìn tỷ đồng trên cả 3 sàn. Riêng sàn HOSE đạt hơn 15,2 nghìn tỷ đồng.
V. Hà