Xác định “sống chung với Covid”, nhưng việc địa phương ON/OFF (mở - đóng) liên tục khiến DN lữ hành thót tim, du khách nản lòng. Nơi nào “dũng cảm” mở cửa, có cách làm linh hoạt bước đã đầu đạt được thành công.
Sập nguồn vì Covid
Chia sẻ của ông Đào Mạnh Lượng, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch tỉnh Quảng Ninh, Chi hội trưởng Chi hội tàu du lịch Hạ Long tại một hội thảo mới đây, khiến không ít người xót xa. DN của ông là điển hình về sự tàn phá của dịch Covid-19 tới ngành du lịch. Gương mặt xạm đen, khắc khổ, ông kể về việc phải vay nợ, bán bớt tàu để duy trì số còn lại, chờ ngày du lịch hồi phục.
Ấy vậy mà ông vẫn bảo mình may mắn chán vì còn bán được tàu, chứ không phải vay “tín dụng đen” để trả nợ.
Tới nay, hơn 90% DN lữ hành quốc tế phải đóng cửa vì không có khách. Phần lớn DN du lịch nội địa, từ sếp tới nhân viên, hướng dẫn viên, cũng phải “bươn chải” để đảm bảo cuộc sống. Không ít CEO thay vì comple, váy áo xúng xính, nay bạc tóc vì lo kiếm thu nhập trả lương nhân viên, duy trì văn phòng và lo cơm áo gạo tiền hàng ngày.
Hạ Long mong chờ được đón vị khách tham quan |
Thảm cảnh ấy trái với hồi đầu năm, khi nhiều người còn mơ đến viễn cảnh mở cửa du lịch nhờ dịch bệnh tạm lắng. Tới kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5, du lịch còn bùng nổ. Vũng Tàu biển người đến vui chơi. Côn Đảo cháy vé máy bay, giá lên tới 6-7 triệu đồng. Khách tăng nóng, các hãng hàng không đua mở đường bay tới Phú Quốc, với gần 50 chuyến mỗi ngày.
Số liệu của Tổng công ty Cảng Việt Nam (ACV) cho thấy, gần 1,5 triệu hành khách đi máy bay dịp 30/4-1/5, tăng gần 30% so với năm 2019 (thời điểm trước khi có dịch)
Nhu cầu đi du lịch chưa bao giờ cao như vậy, đến mức Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng, tại một diễn đàn về du lịch nội địa tại Ninh Bình, khi ấy bộc bạch rằng “khách quốc tế không có, ngành du lịch mới giật mình nhìn lại và nhận thấy lâu nay mới chú trọng đối tượng này mà bỏ lỡ một ‘trận địa’ quan trọng là khách nội địa”.
DN lữ hành phấn khởi, khách du lịch cũng háo hức bước vào mùa cao điểm du lịch hè. Song, niềm vui đó thật ngắn ngủi. Bão Covid-19 tiếp tục tàn quét.
Bắt đầu từ một số ca nhiễm Covid-19 xuất hiện tại các tỉnh phía Bắc như Lào Cai, Quảng Ninh, rồi lan vào Nghệ An, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Quảng Nam... - các trung tâm du lịch lớn. Các đơn vị lữ hành lại phải quay cuồng xử lý việc hoàn, hủy tour, đổi vé máy bay cho khách. Mệt mỏi, nhân viên du lịch trải qua những ngày tưởng như sập nguồn.
Du lịch vẫn hoạt động nhưng phập phù, bất an. Việc nay ON (mở), mai OFF (đóng) khiến các DN lữ hành đau đầu vừa lo xử lý cho khách, lại bị thất thu. Chẳng hạn, ngày 8/6, du lịch Quảng Ninh thông báo mở cửa. Khách vui mừng đặt tour, chuẩn bị xách vali đi chơi. Chỉ 2 tuần sau, đến 25/6, địa phương này lại phải dừng mọi hoạt động để chống dịch.
Du lịch an toàn là điều kiện tiên quyết để khôi phục hoạt động |
Dựng chốt thay vì mở cửa
Cánh cửa với du lịch sau đó gần như khép lại, nhất là khi tất cả các chuyến bay nội địa bị dừng từ 19/7 do giãn cách xã hội. Trong vòng 5 tháng, Việt Nam tăng cường tiêm phủ vắc xin, chờ dịch tạm lắng. Bởi, hộ chiếu vắc xin được coi là tấm 'thẻ thông hành' để mở lại du lịch và các đường bay nội địa.
Từ 10/10, các hãng hàng không tiếp tục cất cánh. Đây là cơ sở để các tỉnh, thành rục rịch chuẩn bị tái khởi động du lịch nội địa, tiến tới mở cửa du lịch quốc tế.
Không thể “ngủ đông” mãi được, bà Lê Thanh Thảo, Giám đốc Công ty du lịch Asia Sun Travel cho rằng, ngoài một số DN có vẻ thờ ơ vì sức cùng lực cạn, không ít đơn vị quyết định đi tiếp, tuy phải chọn đường vòng. Trong tháng 10, một số tour nội địa được tổ chức thí điểm theo chương trình “bong bóng du lịch”, cả ở TP.HCM và Hà Nội, tuy các tỉnh phía Bắc có vẻ thận trọng hơn.
Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng phát động “Chương trình khôi phục du lịch nội địa toàn quốc khắc phục hậu quả đại dịch Covid-19 lần 4”. Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội, nhấn mạnh, tuy triển khai địa trên phạm vi toàn quốc nhưng chương trình lại dành cho những địa phương “dũng cảm”, mạnh dạn mở cửa với các giải pháp linh hoạt, thay vì bảo thủ, sẵn sàng dựng chốt phòng dịch.
Lần đầu tiên, khái niệm “du lịch an toàn” được coi trọng và đặt lên hàng đầu. Du lịch đã thay đổi về chất. Khách giờ không chỉ là thích lên có thể đi ngay, mà phải đạt một số quy định về tiêm vắc xin, xét nghiệm, cài đặt mã QR, khai báo y tế,…
Dù hàng chục địa phương công bố mở cửa đón khách, song, một số tỉnh/thành vẫn im lìm dù dịch đã được kiểm soát. Vì đi lại khó khăn nên các tour tuyến khó triển khai, nhất là khi "đùng một cái", địa phương tuyên bố đóng cửa, lập chốt kiểm dịch nếu xuất hiện ca F0. Khách thì không dám đi, còn các DN du lịch lại đau tim.
Khách đi du lịch tại Long An (ảnh TST) |
Phần thưởng cho sự dũng cảm
Nghị quyết 128 của Chính phủ xác định Việt Nam chuyển sang trạng thái bình thường mới, “sống chung với dịch”. Cùng với Hướng dẫn 3862 của Bộ VH-TT&DL, của Tổng cục Du lịch, các địa phương và DN đã xây dựng bộ tiêu chí đón khách an toàn, từng bước khôi phục hoạt động du lịch.
Đối với khách quốc tế, sau khi triển khai thí điểm đón tại 5 địa phương, dự kiến trong năm 2021, Việt Nam đón được 14.500 khách. Bộ VH-TT&DL kiến nghị triển khai ngay giai đoạn 2 từ 15/12; đề nghị đón khách qua đường biển, đường bộ; cho phép Việt kiều về nước như khách quốc tế; cho phép người Việt đi du lịch nước ngoài,...
Còn trong nước, những ngày này, các địa phương và DN du lịch bắt đầu nhộn nhịp phục vụ khách trở lại.
Tại Hội nghị kết nối du lịch giữa Hà Nội và các địa phương nhằm thiết lập “hàng lang xanh” vừa qua, ông Trần Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Lào Cai, chia sẻ, với cách làm linh hoạt, xác định đảm bảo an toàn, địa phương chưa hề đóng cửa du lịch từ khi có dịch Covid-19. Cùng với việc duy trì tổ chức các sự kiện văn hóa, lễ hội, tín hiệu rất mừng là du lịch Lào Cai vào cuối tuần đón trên 20.000 lượt khách. Vị quản lý này “mừng rơi nước mắt” khi cơ sở lưu trú báo cuối tuần chỉ trống 1-2 phòng.
Tương tự như vậy, các tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Yên Bái, Hòa Bình,... cũng đón được lượng khách đáng kể.
Tại TP.HCM, sau khi tổ chức thành công tour nội vùng, các DN đang mở rộng và tung ra nhiều tour mới dịp cuối năm. Riêng tại Công ty TST Tourist, từ đầu tháng 12 đến nay đã liên tục tổ chức khởi hành tour đi Điện Biên, Long An,… dự kiến, khoảng 500 khách khám phá du lịch miền Trung và 450 khách đi miền Tây vào dịp cuối năm.
Trong tháng 12, Saigontourist cũng phục vụ 14 đoàn khách MICE, với hơn 1.200 lượt khách nội địa. Riêng cuối tháng này, công ty sẽ tổ chức cho 6 đoàn đi các điểm đến trên cả nước.
Tại Phú Quốc - địa phương thí điểm đón khách quốc tế, đến nay đã đón được trên 1.400 lượt khách quốc tế, tổng doanh thu từ du lịch đạt trên 222 tỷ đồng. Đảo Ngọc đã đón khoảng 299.000 lượt khách du lịch. Riêng tại Công ty TNHH Du lịch Vina Phú Quốc, hai tháng gần đây đã phục vụ gần 1.000 khách nội địa, hầu hết đến từ Hà Nội và TP.HCM. Điều đáng mừng là thị trường Tết đang có tín hiệu khả quan.
Rõ ràng, dù trải qua 4 lần gồng mình chống dịch, khi dịch bệnh được kiểm soát, du lịch vẫn chứng tỏ khả năng hồi phục “thần tốc".
Nói như ông Nguyễn Trần Hoàng Phương, Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu Du lịch Xã hội, với du lịch, chỉ cần từ 7-10 ngày chạy đà là có thể hồi phục. Đây là thời điểm thích hợp, chín muồi để khởi động hoạt động kinh doanh du lịch. Bởi, khách đã quen với dịch bệnh và việc phải dời, huỷ tour,... nên đang cần được đi lại, vận động và tận hưởng những dịch vụ thật tốt.
Hà Yên