Tuy nhiên, quặng sắt, gạo và bạc mới là mặt hàng có mức tăng mạnh nhất. Triển vọng những mặt hàng này trong thời gian tới nhìn chung vẫn rất khả quan.
Quặng sắt
Giữa tháng 9/2020, giá quặng sắt đã lập mức cao kỷ lục cao nhất 6,5 năm, trên 130 USD/tấn, sau khi liên tiếp tăng từ cuối tháng 4/2020 do nhu cầu mạnh từ Trung Quốc.
Nhu cầu quặng sắt của các nhà máy thép Trung Quốc tăng mạnh khi kinh tế hồi phục sau đại dịch, trong bối cảnh nguồn cung từ Australia và Brazil gặp khó khăn do dịch bệnh đã khiến giá mặt hàng này liên tiếp tăng, đến mức các nhà máy thép Trung Quốc hầu như không còn có lãi vì giá thép không tăng kịp. Giá quặng sắt đã giảm nhẹ kể từ giữa tháng 9 đến nay.
Dự báo trong thời gian tới, giá quặng sắt sẽ khó có thể quay lại mức ‘đỉnh’ trên 130 USD/tấn. Tuy nhiên, giá cũng sẽ không giảm nhiều, bởi kinh tế Trung Quốc vẫn đang trên đà hồi phục.
Trung Quốc trong kế hoạch 5 năm 2021 – 2025 đạt mục tiêu tăng trưởng 5,5%/năm. Mặc dù tỷ lệ này thấp hơn mức 6,5% của 5 năm liền trước, nhưng với quy mô kinh tế hiện nay của Trung Quốc thì sẽ có tương đương trên 750 tỷ USD được bổ sung vào GDP nước này mỗi năm, tức là bằng toàn bộ kinh tế của Saudi Arabia, Thụy Sỹ hoặc Argentina mỗi năm, trong đó phần lớn các hoạt động sẽ hướng đến những ngành sử dụng nhiều thép làm nguyên liệu như cơ sở hạ tầng, nhà cửa, giao thông…
Đa số các nhà phân tích cho rằng từ nay đến cuối năm, giá quặng sắt sẽ giảm xuống khoảng 100 – 110 USD/tấn, sau đó giảm tiếp xuống khoảng 80 USD/tấn trong vòng 6-12 tháng tới.
Goldman dự báo giá quặng trung bình quý 4/2020 sẽ ở mức 105 USD/tấn, và 2021 sẽ khoảng 90 USD/tấn. Morgan Stanley cho rằng giá cuối năm 2020 sẽ quanh mức 100 USD/tấn, giảm xuống 81 USD/tấn vào năm 2021.
Về cán cân cung – cầu quặng sắt, Citibank nhận định, năm 2020 có thể chứng kiến tình trạng thiếu cung nhẹ, ở mức khoảng 9 triệu tấn. Tuy nhiên, sang năm 2021, thị trường sẽ đảo chiều khi dư cung khoảng 18 triệu tấn và giá sẽ giảm xuống còn khoảng 90 USD/tấn, giảm tiếp xuống còn 75 USD/tấn vào năm 2023.
So với quặng sắt, giá bạc năm 2020 thậm chí còn tăng mạnh hơn, đồ thị giá gần như dựng đứng. Từ mức khoảng 12 USD/ounce giữa tháng 3/2020, giá bạc vọt lên sát 30 USD/ounce vào ngày 10/8/2020 (tăng gấp 2,5 lần). Giá bạc năm nay tăng cùng nhịp với giá vàng, nhưng mức độ tăng thậm chí còn nhiều hơn, chỉ là do bạc rẻ hơn nhiều so với vàng nên không được nhiều người chú ý tới.
Rhona O'Connell, một nhà phân tích trưởng của StoneX, mô tả sự đảo chiều của giá bạc như cô bé lọ lem Cinderella trong vũ hội: "Khi cô ấy rời chiếc xe bí ngô, cô ấy xuất thần trong nháy mắt".
Bạc tăng giá là bởi kim loại quý này cũng có giá trị tích trữ như vàng, ngoài ra còn được sử dụng nhiều trong lĩnh vực công nghiệp nên khi các nền kinh tế mở cửa trở lại sau đại dịch Covid-19, nhà đầu tư tin rằng nhu cầu bạc sẽ theo đó tăng mạnh.
Tuy nhiên, kể từ giữa tháng 8 đến nay, giá bạc liên tục giảm, mất 19% trong tháng 9, và không loại trừ khả năng sẽ còn giảm tiếp.
Song, nếu giá vàng còn tiếp tục tăng, bạc chắc chắn sẽ có cơ hội hồi phục. Và nếu so với một năm trước đây, giá bạc hiện vẫn cao hơn khoảng 30%.
O'Connell cho biết, thị trường bạc bấy lâu nay luôn thất thường. Theo ông, trong ngắn hạn, khả năng giá bạc sẽ giảm bởi kinh tế thế giới đang rất khó khăn khi ngày càng nhiều nước tính chuyện đóng cửa trở lại vì Covid-19 lây lan quá nhanh.
Ông O'Connell cho biết thêm, các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) sẽ có vai trò rất lớn đối với tương lai của thị trường bạc. Theo ông: "Các yếu tố cơ bản của bạc là sản lượng khai thác từ các mỏ chỉ chiếm khoảng 1/3 nguồn cung hiện tại, trong khi bạc phế liệu góp tới 25% nguồn cung. Trong đợt giá bạc tăng mạnh vừa qua, các quỹ ETF đã rút đi một lượng bạc đáng kể từ thị trường. Do đó, thị trường bạc năm nay dự báo sẽ cân bằng. Năm 2020, các quỹ ETF đã mua ròng 9.028 tấn bạc. Sau đợt bán tháo gần đây, lượng bạc mua ròng vẫn còn 7.791 tấn".
Ngoài ra, thị trường vẫn luôn có một tỷ lệ ổn định những chủ sở hữu bạc mua bán lẻ, những người này thường không dễ dàng bán hết bạc đi dù thấy giá giảm. Bất cứ khi nào giá vàng có dấu hiệu nhích lên, các nhà đầu tư lẻ sẽ ngay lập tức mua bạc vào. Vậy mà các yếu tố hỗ trợ giá vàng tăng vẫn còn nguyên đó, như: Những bất ổn địa chính trị, triển vọng kinh tế thế giới u ám…
Gạo
Thị trường gạo thế giới năm nay biến động mạnh chủ yếu do các yếu tố trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến dịch Covid-19.
Tháng 8 là lúc giá gạo lên mức cao nhất trong năm nay, theo đó gạo Việt Nam đạt mức cao nhất trong gần một thập kỷ, có thời điểm cao hơn cả gạo Thái Lan. Nguyên nhân do nguồn cung khan hiếm trong khi nhu cầu tiêu thụ mạnh.
Giá gạo Ấn Độ và Thái Lan năm nay chịu tác động rất lớn bởi diễn biến tỷ giá nội tệ của hai quốc gia này. Ngoài ra, Ấn Độ gặp khó khăn trong việc xuất khẩu do dịch Covid-19 gây thiếu cả container và nhân lực ở các cảng biển cũng như nhà máy xay xát, trong khi Thái Lan khô hạn kéo dài suốt nhiều tháng gây lo ngại mất mùa lúa.
Sang tháng 9, thị trường gạo ổn định trở lại, giá giảm nhẹ. Tuy nhiên, so với đầu năm 2020, giá gạo hiện vẫn cao hơn khoảng 30%.
Nguồn: Tổng hợp từ số liệu của USDA
Dự báo từ nay tới cuối năm 2020, giá gạo sẽ giảm nhẹ vì các nước nhập khẩu đã mua tương đối đủ cho lượng cần thiết, trong khi thời tiết ở Thái Lan đang tốt lên khi có mưa đến; việc vận chuyển gạo từ Ấn Độ cũng bớt tắc nghẽn.
Tuy nhiên, Bangladesh có thể sẽ tham gia vào thị trường nhập khẩu do lũ lụt nghiêm trọng làm mất mùa lúa, đẩy giá gạo nội địa tăng cao. Trong trường hợp đó, giá gạo có thể sẽ tăng trở lại.
Vàng
Giá vàng đã giảm khoảng 5% trong tháng 9/2020, là tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 11/2016 do đồng USD tháng 9 đảo chiều tăng mạnh nhất kể từ tháng 7/2019.
Mặc dù vậy, kim loại quý này vẫn kết thúc quý 3 tăng, trở thành quý thứ 8 tăng liên tiếp, và tính từ đầu năm đến nay vẫn tăng khoảng 20%; dự báo trong cả năm 2020 cũng sẽ tăng.
Trong ngắn hạn, dự báo đồng USD sẽ tiếp tục tác động lên xu hướng giá vàng, nhất là tỷ giá EUR/USD. Còn trong trung và dài hạn, vàng vẫn được giới chuyên gia tin tưởng là có cơ hội tăng hơn nữa.
Đồng USD đang đi lên, song dự báo chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ là sẽ là tiếp tục nới lỏng trong nhiều năm tới. Do đó, sức mạnh của đồng USD khó có thể kéo dài.
Mặt khác, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ với nhiều yếu tố không chắc chắn sẽ là yếu tố có lợi cho vàng. Trong 20 năm qua, giá vàng luôn có xu hướng biến động mạnh cả trước, trong và sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, do các nhà đầu tư đánh giá những tác động có khả năng xảy ra đối với đồng USD, lợi suất trái phiếu kho bạc và rủi ro chính trị toàn cầu. Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tháng 11 tới có thể sẽ là cuộc bầu cử gay cấn nhất trong vòng nhiều thập kỷ.
Một yếu tố không thể bỏ qua khi dự báo về giá vàng, đó là các quỹ ETF. Năm nay, các nhà đầu tư vàng ưa chuộng hình thức mua thông qua các quỹ ETF – nơi đã được bổ sung thêm 870 tấn vàng thỏi. Sau khi giá vàng giảm vào ngày 21/9/2020, các quỹ ETF đã chứng kiến dòng tiền đổ vào nhiều nhất trong vòng ít nhất là một năm qua, do nhà đầu tư vàng tranh thủ mua lúc giá giảm. Tuy nhiên, giá giảm tiếp trong ngày tiếp theo không còn hấp dẫn nhà đầu tư mua vào nữa, thậm chí một số quỹ vàng đã bán ra. Tuy nhiên, đó có thể chỉ là khoảng thời gian các quỹ đang cân nhắc. Chiến lược gia kim loại quý của ABN Amro Bank NV, Georgette Boele, cho biết: "Các quỹ ETF đã tăng trong những ngày gần đây, và bây giờ họ tạm dừng để nhận định xem điều gì sẽ xảy ra…
Tham khảo: Reuters, Kitco, Bloomberg