Nhà đầu tư cổ phiếu thép lo lắng vì nhận cảnh báo liên tục về margin
Tất tay trên đỉnh của cổ phiếu tôn thép, nhiều nhà đầu tư đang phải chịu cảnh gồng lỗ với tâm lý rất nặng nề khi công ty chứng khoán liên tục nhắn tin cảnh báo.
Anh Thanh - một nhà đầu tư cá nhân có tài khoản ở Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI) đã mua vào cổ phiếu HSG của Tập đoàn Hoa Sen ngay sát giá 50.000 đồng/cổ phiếu giữa 10 sau đó cổ phiếu lao dốc mạnh khiến anh phải gồng lỗ suốt hơn một tháng qua. Tính đến đến nay HSG đã giảm 25%.
Anh đã nhận được nhiều các tin nhắn cảnh báo đề nghị nộp thêm tài sản đảm bảo vào 3 ngày kế tiếp để tài khoản thoát khỏi mức cảnh báo. Tuy vậy, phiên ngày "thứ 6 đen tối"- 3/12, diễn biến xấu của thị trường đã khiến HSG rơi thêm 4,82% đẩy tài khoản của anh lên tình trạng cảnh báo số 1 của TVSI.
Đà rơi của HSG trong 1 tháng qua
"Công ty đã nâng mức cảnh báo từ mức 2 lên cảnh báo ở mức 1. Nếu như tuần tới cổ phiếu giảm tiếp thì sẽ bị giải chấp", anh Thanh nói. Điều không mong muốn mỗi khi đầu tư đã đến. Đó cũng là một bài học khi sử dụng margin quá cao ở một cổ phiếu đã có đà tăng bằng lần trước đó.
Thực tế, một số cổ phiếu thép và cổ phiếu đầu cơ có mức giảm khá sâu thời gian qua. Cho nên nếu tài khoản sử dụng margin ở tỷ lệ cao và tất tay vào một cổ phiếu thì hiện tượng giải chấp có thể xảy ra tuần tới nếu cổ phiếu không hãm được đà rơi.
Cổ phiếu NKG của Thép Nam Kim cũng giảm tới 15 giá so với đỉnh (gần 56.000 đồng/cổ phiếu), tương ứng 26% xuống còn 41.200 đồng/cổ phiếu cũng gây nản lòng các nhà đầu tư có vị thế nắm giữ lúc giá cao.
NKG có đà giảm sâu nhất cổ phiếu thép trong 1 tháng qua
Cũng chung dòng thép, nhưng Thép Hoà Phát (mã HPG) có mức giảm nhẹ hơn các cổ phiếu khác. Chốt phiên giao dịch ngày 3/12, HPG có giá 47.700 đồng/cổ phiếu, giảm nhẹ 1,85% trong phiên ngày "thứ 6 đen tối". Tuy nhiên HPG cũng có chuỗi ngày giảm giá lớn trước đó. So với đỉnh 58.000 đồng/cổ phiếu cuối tháng 10, đến nay HPG đã mất giá 17,7%.
Với các nhà đầu tư đã "kẹp thép" ở mức giá cao, các công ty chứng khoán cũng liên tiếp đưa ra những nhận định tư vấn để họ bình tĩnh xử lý.
Mới đây, SSI Research cho rằng ở mức giá hiện tại, HSG đang giao dịch tại PE 2021 là 5,3 lần và 2022 là 6,5 lần; còn PE dự phóng 2021 và 2022 của NKG là 4 lần và 6,5 lần. Định giá hiện tại khá hợp lý theo quan điểm của SSI khi xem xét khả năng điều chỉnh lợi nhuận trong năm 2022. Với triển vọng lợi nhuận của 2 công ty vẫn duy trì ở mức cao trong quý tới, SSI vẫn khuyến nghị nhà đầu tư ngắn hạn ưa rủi ro có thể cân nhắc tích lũy cổ phiếu trong trường hợp giá cổ phiếu điều chỉnh mạnh xuống mức chiết khấu cao so với giá mục tiêu.
Về tầm nhìn ngắn hạn cho quý 4 năm nay, SSI Research cho rằng sản lượng và lợi nhuận quý 4 của cả HSG và NKG vẫn có thể duy trì ở mức cao nhờ các đơn hàng ký trước với giá cao. Theo đó, cả HSG và NKG đều đã chốt các đơn hàng xuất khẩu lớn trong 3 tháng tới. HSG đã giành được đơn hàng xuất khẩu khoảng 130 nghìn tấn/ tháng cho đến tháng 1/2022, trong khi NKG đã nhận đơn đặt hàng đến tháng 2/2022.
Việc giá xuất khẩu ước tính vẫn ở mức cao trong quý 4 nhờ chốt giá trước 3 tháng; kèm theo nhu cầu trong nước hồi phục sau khi kết thúc giãn cách xã hội, SSI Research dự báo cả hai công ty đều có khả năng duy trì tỷ suất hoạt động gần mức tối đa trong quý tới. Nhờ đó, lợi nhuận quý 4 có thể không chênh lệch lớn so với quý 3 vừa qua và đạt tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ.
Sang tới năm 2022, sản lượng tiêu thụ có thể tăng trưởng nhẹ do nhu cầu nội địa hồi phục bù đắp xuất khẩu chậm lại. Tuy nhiên, SSI Research chỉ ra việc biên lợi nhuận 2022 có thể giảm do giá thép điều chỉnh. Trong dài hạn, giá tôn mạ nhiều khả năng sẽ biến động theo xu hướng giá thép cán nóng (HRC) - mức giá HRC gần đây đã điều chỉnh 10%-20% từ đỉnh do nhu cầu chậm lại và giá quặng sắt giảm.
Với Hoà PHát, năm 2021 sẽ là năm rực rỡ nhất của doanh nghiệp này khi giá thép tăng và sản lượng tăng mạnh. Trong 11 tháng vừa qua, Tập đoàn Hòa Phát đã xuất khẩu 914.000 tấn thép xây dựng thành phẩm, tăng 90% so với cùng kỳ. Riêng trong tháng 11, sản lượng xuất khẩu đạt hơn 100.000 tấn, gấp 2,3 lần so với cùng kỳ. Dự kiến sản lượng xuất khẩu thép xây dựng thành phẩm cả năm 2021 của Hòa Phát sẽ vượt 1 triệu tấn, gấp đôi cùng kỳ, đóng góp gần 30% tổng sản lượng bán hàng.
Ngay những tháng cuối năm 2021, thép Hòa Phát đã nhận nhiều đơn đặt hàng lớn cho năm 2022 từ các thị trường Nhật Bản, Singapore, Hồng Kông, Canada với khối lượng trên 300.000 tấn thép thanh, thép cuộn chất lượng cao các loại. Đây là tín hiệu cho thấy thép Hòa Phát sẽ tiếp tục đạt sản lượng cao trên thị trường xuất khẩu trong năm 2022.
Công ty Chứng khoán Bảo Việt mới đây đã đưa ra ước tính doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Hoà Phát trong quý 4 đạt lần lượt 46.023 tỷ, tăng 78% so với cùng kỳ và 10.893 tỷ, tăng 133,7% so với cùng kỳ nhờ sản lượng tăng mạnh. Song, giá bán HRC và thép xây dựng dự kiến giảm làm biên lợi nhuận của HPG giảm so với quý 3. Theo đó, chúng tôi ước tính giá bán HRC trong quý 4 đạt 890 USD/tấn, giá thép xây dựng đạt 16,5 triệu đồng/tấn.
Quý 4 dự kiến sản lượng tiêu thụ thép xây dựng của HPG tăng mạnh lên 1,18 triệu tấn nhờ nhu cầu xây dựng dồn tích sau khi bị dừng lại trong nhiều tháng để thực hiện giãn cách. Quý 4 đồng thời cũng là quý cao điểm về tiêu thụ thép của HPG khi nhu cầu xây dựng cuối năm rất lớn, HPG thực hiện đẩy mạnh xuất khẩu thép xây dựng và nhu cầu đầu tư công lớn trong thời gian tới giúp tiêu thụ thép xây dựng của HPG được đẩy mạnh.
"Chúng tôi dự báo năm 2022 doanh thu của HPG ước đạt 147.932 tỷ đồng giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ và lợi nhuận 33.181 tỷ, giảm 12% so với năm trước. Giá thép xây dựng dự báo giảm xuống 14,5 triệu đồng/tấn (-9,4%) trong năm 2022. Giá HRC dự báo giảm xuống 17 triệu đồng/tấn (-11,5%) trong năm 2022. Tình trạng đứt gãy nguồn cung dần được giải quyết giúp chi phí vận chuyển nguyên vật liệu và thành phẩm thép sẽ thấp hơn năm 2021", báo cáo nêu.
Cổ phiếu cơ bản bị bán vì hàng đầu cơ sụp đổ mất thanh khoản
Tuần qua hàng loạt các cổ phiếu đầu cơ giảm mạnh, mất thanh khoản...đã tạo ra làn sóng bán tháo song rất ít nhà đầu tư bắt dao rơi, tác động tiêu cực tới thị trường. Điều này đã được chúng tôi phản ánh trong bài viết Đoạn cuối của "cơn mưa tiền" ở cổ phiếu đầu cơ: Nhà đầu cơ IDI, SJF, TNI, LIC... mắc kẹt trên "ngọn cây thông".
Hiện tượng một số cổ phiếu đầu cơ giảm sàn 4-5 phiên liền nhưng tắc thanh khoản cũng tác động lớn đến các tài khoản dùng margin lớn. Theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, hiện tượng căng margin ở một số tài khoản đặt ở các công ty chứng khoán có tỷ lệ cho vay lớn và một số "kho margin" cho vay bên ngoài rất lớn.
Ông Minh phân tích, cú sụp đổ bất ngờ của thị trường giảm 39 điểm cuối phiên "thứ 6 đen tối" một phần đến từ sự sụp đổ của cổ phiếu đầu cơ - sàn 4,5 phiên không có thanh khoản khiến các đầu cho vay lớn nhanh chóng đổ bán ra các cổ phiếu khác để thu margin về.
Sở dĩ có hiện tượng này là hiện nay một số đầu cho vay lớn có quy định danh mục nhà đầu tư phải đa dạng vài cổ phiếu thì mới cho vay margin tỷ lệ cao - hạn chế rủi ro cho vay, trong trường hợp xấu họ có thể thu được nợ. Do đó, khi cổ phiếu đầu cơ sụp đổ không thanh khoản thì các đầu cho vay tỷ lệ cao này sẽ đổ cổ phiếu khác ra bán để thu nợ về, châm ngòi cho đà bán tháo trên thị trường cuối phiên thứ 6.
"Hiện tượng này xảy ra với một số công ty chứng khoán có tỷ lệ cho vay cao, một số cổ phiếu nóng, cổ phiếu đầu cơ có đà giảm mạnh còn đa phần các công ty chứng khoán có tỷ lệ cho vay hợp lý chưa có hiện tượng giải chấp", ông Minh cho rằng nhiều cổ phiếu cơ bản đã có đà giảm mạnh trước đó, nhà đầu tư không nên quá lo lắng, thị trường cần những cú rung rũ bớt margin để tìm điểm cân bằng mới, và cần thời gian tích luỹ lại trước khi vào nhịp tăng mới.