Đó là hạt tiêu. Theo các chuyên gia, do hạt tiêu bước vào chu kỳ tăng giá mới sau nhiều năm giảm, nên từ đầu năm đến nay, giá của loại hạt này tăng phi mã và neo ở mức cao. Thực tế này đã giúp đưa hạt tiêu trở lại "thời hoàng kim" đạt kim ngạch tỷ USD.
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan , trong tháng 9 năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu 20.000 tấn hạt tiêu, với kim ngạch đạt 125 triệu USD, lần lượt tăng 10,4% về lượng và 84,9% về giá trị.
Tính lũy kế đến hết tháng 9/2024, nước ta đã thu được hơn 1 tỷ USD từ việc xuất khẩu 203.000 tấn hạt tiêu, giảm nhẹ 1,5% về lượng nhưng lại tăng mạnh tới 46,9% về giá trị.
Sở dĩ nước ta đạt kim ngạch xuất khẩu hạt tiêu lên hơn 1 tỷ USD là vì giá của mặt hàng này tăng mạnh 49,2% so với cùng kỳ năm 2023, lên mức 4.941 USD/tấn. Đặc biệt, trong tháng 9, giá trung bình của hạt tiêu xuất khẩu đạt 6.239 USD/tấn, tăng 67,5% so với cùng kỳ năm 2023. Đây cũng được coi là tháng có mức giá xuất khẩu cao nhất trong nhiều năm qua.
Sáng nay (30/9), giá hạt tiêu ở thị trường nội địa dao động từ 148.000 – 149.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng so với hôm trước. Theo dự báo của các chuyên gia, giá tiêu trong nước có khả năng sẽ tiếp tục tăng, nhất là khi nhu cầu về mua sắm cho dịp Tết Nguyên đán sắp đến.
Trong khi đó, trên thị trường thế giới, kết thúc phiên giao dịch gần nhất, Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC) ghi nhận giá tiêu đen Việt Nam ở mức 6.800 USD/tấn, với loại 500 g/l; mức 7.100 Usd/tấn với loại 550 g/l; mức giá 10.150 USD/tấn với hạt tiêu trắng.
Theo Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương, trong ngắn hạn, dự báo giá tiêu toàn cầu sẽ duy trì ở mức cao vì nguồn cung hạn chế. Hơn nữa, do Indonesia và Brazil đang vào vụ thu hoạch trong khi nhu cầu của thị trường thế giới không tăng mạnh, và Trung Quốc cũng không thu mua nhiều, dẫn tới giá tiêu chỉ có khả năng tăng nhẹ trong thời gian tới.
Thế nhưng, về dài hạn, giá hạt tiêu xuất khẩu vẫn sẽ được hỗ trợ, vì sản lượng mặt hàng này của nước ta trong vụ mùa 2025 dự kiến giảm. Cụ thể, vụ hạt tiêu năm 2025 của Việt Nam sẽ thu hoạch gần như toàn bộ vào tháng 2, trong khi một số vùng khác kéo dài đến tháng 3 – tháng 4, bị chậm hơn 1 – 2 tháng so với các năm trước. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của tình trạng hạn hán kéo dài.
Vì vậy, ngành hàng hạt tiêu của Việt Nam sẽ được hưởng lợi vì giá xuất khẩu ở mức cao do nguồn cung hạn chế. Theo Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), lượng hạt tiêu ở trong dân gần như không còn, thay vào đó chỉ còn tại các đại lý và kho của doanh nghiệp.
Theo đại diện lãnh đạo VPSA nhận định, trong vòng từ 3 – 5 năm tới, sản lượng hạt tiêu toàn cầu sẽ không đủ để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Hơn nữa, các chuyên gia cũng nhận định rằng, hạt tiêu đã bước vào một chu kỳ tăng giá mới. Chu kỳ này kéo dài từ 10 – 15 năm, với khả năng giá đạt đỉnh dao động từ 350.000 - 400.000 đồng/kg.
Mặt khác, người bán đang bày tỏ mong muốn thiết lập một sự liên kết trong ngành hồ tiêu Việt Nam nhằm kiểm soát giá và tránh tình trạng đơn hàng ô ạt trên thị trường.
Hạt tiêu là mặt hàng có giá trị kinh tế cao và đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Trong năm 2023, nước ta xuất khẩu tiêu có kim ngạch đạt 912 triệu USD. Đến nay, Việt Nam vẫn giữ vững vị trí là quốc gia xuất khẩu tiêu lớn nhất trên thế giới, chiếm khoảng 60% thị phần toàn cầu.
Hạt tiêu của Việt Nam hiện được xuất khẩu tới hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong số đó, các thị trường xuất khẩu truyền thống hạt tiêu, đặc biệt là hạt tiêu đen của Việt Nam, bao gồm: Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất…
Bài tham khảo nguồn: Customs, Moit, VPSA, IPC