Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank – mã CK: LVB) vừa công bố tài liệu đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) năm 2018 với kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 10.368 tỷ đồng, tăng thêm 286,8 tỷ đồng. Vốn điều lệ hiện tại của LienVietPostBank là 7.499 tỷ đồng.
Ghế nóng tại LienVietPostBank đã nóng
Theo tài liệu đại hội, LienVietPostBank sẽ bầu chức danh chủ tịch HĐQT LienVietPostBank thay ông Nguyễn Đức Hưởng rút về làm cố vấn với lý do sức khoẻ.
Danh sách ứng viên cho ghế nóng này có 8 người là ông Nguyễn Đình Thắng phó chủ tịch HĐQT LienVietPostBank, ông Phạm Doãn Sơn, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc LienVietPostBank, ông Dương Công Toàn, phó tổng giám đốc LienVietPostBank, ông Nguyễn Đức Cử, thành viên HĐQT, ông Huỳnh Ngọc Huy, Chủ tịch HĐQT Công ty chứng khoán LienVietPostBank, ông Lê Hồng Phong, thành viên HĐQT, bà Chu Thị Lan, thành viên HĐQT, bà Dương Hoài Liên, Phó giám đốc chi nhánh Sacombank chi nhánh 8.3 Hà Nội.
Ông Nguyễn Đức Hưởng, chủ tịch HĐQT LienVietPostBank xin rút về làm cố vấn vì lý do sức khoẻ (Ảnh: MH)
Có lẽ 2 ứng cử viên sáng giá nhất là ông Nguyễn Đình Thắng và ông Phạm Doãn Sơn. Có lẽ, ông Nguyễn Đình Thắng sẽ là người ứng cử, vì nếu chọn phương án là ông Phạm Doãn Sơn, LienVietPostBank sẽ phải làm thêm bước nữa là tìm người ngồi vào ghế tổng giám đốc thay ông Sơn.
Cũng theo tài liệu đại hội, năm 2018, LienVietPostBank đặt kế hoạch kinh doanh năm 2018 với tổng tài sản lên 190.000 tỷ đồng, vốn điều lệ tăng lên 9.875 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 1.800 tỷ đồng, tăng trưởng tín dụng khoảng 19,7%, trả cổ tức 12%, nợ xấu dưới 1,5%.
Cùng ngày, LienVietPostBank cũng công bố kết quả kinh doanh năm 2017 ngay trước thềm kỷ niệm 10 năm thành lập và hoạt động của LienVietPostBank (28.03.2008 – 28.03.2018) với mức lợi nhuận trước thuế đạt 1.768 tỷ đồng.
Mức lợi nhuận này tăng khoảng 31% so với năm 2016, tăng gấp gần 4 lần so với năm 2008 – mức cao nhất trong 10 năm hoạt động LienVietPostBank (từ 2008 đến 2017). Bên cạnh đó, các chỉ số kinh doanh khác của ngân hàng vào thời điểm kết thúc năm 2017 cũng rất ấn tượng.
Tại thời điểm cuối năm 2017, tổng tài sản của LienVietPostBank tiến thêm bước phát triển mới khi vượt mốc 163.000 tỷ đồng, tăng 15,2% so với 2016 và tăng gấp 22 lần so với năm đầu thành lập (2008). Thành công này góp phần nâng cao vị thế và quy mô của LienVietPostBank, đưa ngân hàng tiến gần hơn vào Top 10 ngân hàng thương mại có tổng tài sản lớn nhất.
Hành trình lọt vào Top 10 ngân hàng TMCP lớn tại Việt Nam
Tuy phải chịu sức ép cạnh tranh lớn từ thị trường nhưng hoạt động huy động vốn của LienVietPostBank năm 2017 vẫn tiếp tục được củng cố và mở rộng.
Tính đến 31.12.2017, nguồn vốn huy động của LienVietPostBank đạt 135.554 tỷ đồng, tăng 19.361 tỷ đồng so với 2016.
Hiện tại, nguồn vốn huy động từ các cá nhân và tổ chức kinh tế của LienVietPostBank chiếm trên 90% tổng huy động, giữ vững mục tiêu thị trường 1 là trọng tâm huy động vốn. Điều này cho thấy LienVietPostBank đang hoạt động uy tín, an toàn, hiệu quả và tăng trưởng bền vững.
Cùng với sự gia tăng về tài sản, lợi nhuận, năm 2017 đánh dấu sự hiện diện của LienVietPostBank tại 63/63 tỉnh, thành trong cả nước, là ngân hàng thương mại cổ phần có mạng lưới lớn nhất Việt Nam với hơn 220 chi nhánh, phòng giao dịch cùng hơn 1.000 phòng giao dịch bưu điện và quyền khai thác hơn 10.000 điểm giao dịch bưu điện để cung cấp các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng đến tận cấp xã, phường.
Năm 2017, LienVietPostBank đạt lợi nhuận hơn 1.700 tỷ đồng và từng bước lọt vào top 10 ngân hàng cổ phần lớn nhất tại Việt Nam (Ảnh: MH)
Kinh doanh ngoại hối là một trong các điểm sáng của LienVietPostBank trong hoạt động kinh doanh năm 2017. Tính riêng trên thị trường liên ngân hàng, doanh số giao dịch mua bán ngoại tệ của LienVietPostBank năm 2017 đạt mức khoảng 36 tỷ USD, tăng 34,33% so với năm 2016. LienVietPostBank tiếp tục duy trì doanh số mua bán ngoại tệ với NHNN ở mức cao với khối lượng bán USD về NHNN đạt gần 1 tỷ USD, nằm trong số các ngân hàng bán ngoại tệ nhiều nhất cho dự trữ ngoại hối trong năm 2017.
Tháng 10.2017, ngân hàng cũng đã chính thức lên sàn giao dịch chứng khoán UpCom với mã chứng khoán LPB. Đây là một dấu mốc quan trọng trên con đường LienVietPostBank trở thành công ty đại chúng đầy đủ.
Với những kết quả đã đạt được ở trên, LienVietPostBank lần đầu tiên được Moody’s (công ty xếp hạng tín nhiệm toàn cầu), xếp hạng tín nhiệm ở mức B2 và triển vọng Tích cực. Theo đó, xếp hạng dài hạn của LienVietPostBank ở mức B2 và triển vọng tích cực đối với tiền gửi bằng nội tệ và nhà phát hành bằng nội tệ và ngoại tệ, triển vọng ổn định đối với tiền gửi bằng ngoại tệ.
Theo xếp hạng của Moody’s, LienVietPostBank đang có cùng mức xếp hạng với 05 ngân hàng TMCP: Ngân hàng Á Châu (ACB), Ngân hàng Quân Đội (MB), Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (VIB), Ngân hàng Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng An Bình (ABB); và chỉ thấp hơn 03 ngân hàng TMQD: Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank), Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng Đầu tư và phát triểnViệt Nam (BIDV).
Năm 2017, tổng tài sản của LienVietPostBank đạt 163.434 tỷ đồng, vốn điều lệ 7.499 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 1.768 tỷ đồng, tăng trưởng tín dụng đạt 23,16%, tỷ lệ nợ xấu 1,1%, trả cổ tức 15%. Tại ĐHĐCĐ năm 2017, HĐQT trình kế hoạch trả cổ tức là 12%. Theo kế hoạch, năm 2018 điều chỉnh tăng lên 15% và kế hoạch năm 2018 tỷ lệ chia cổ tức cũng không thấp hơn 12%. Với con số 1.768 tỷ đồng, mức lợi nhuận này tăng khoảng 31% so với năm 2016, tăng gấp gần 4 lần so với năm 2008 - mức cao nhất trong 10 năm hoạt động LienVietPostBank (từ 2008 đến 2017). |