Tại các kỳ họp trước, ông Nguyễn Quốc Hưng (đoàn Hà Nội) đã phát biểu, phân tích về vai trò, vị trí to lớn của văn hóa đối với phát triển kinh tế và xã hội và cần xác định văn hóa là một nguồn lực chiến lược để phát triển đất nước trong thế kỷ 21. Tại kỳ họp này, trong bối cảnh môi trường, thiên nhiên và xã hội còn nhiều bất cập, xuống cấp, ông Hưng rất trăn trở về văn hóa ứng xử với môi trường thiên nhiên và xã hội.
Về du lịch, ông Hưng cho biết, chúng ta vui mừng và đánh giá cao sự phát triển mạnh mẽ, ấn tượng của du lịch trong thời gian qua, tạo tác động tích cực đến phát triển kinh tế xã hội, phát triển nhiều ngành khác và đóng góp lớn để tăng trưởng chung của đất nước đạt và vượt mức Quốc hội đề ra. Diện mạo đời sống vật chất, văn hóa của các địa phương có du lịch phát triển được cải thiện, nâng cao rõ rệt.
Tuy nhiên, trong báo cáo những năm qua, Chính phủ không nêu, không phân tích được phần trăm đóng góp vào tăng trưởng GDP của ngành du lịch giống như nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ mà lại đưa ra phần trăm tăng trưởng khách nước ngoài.
Do vậy nhiều ý kiến cho rằng Chính phủ mới chỉ chú trọng phát triển số lượng khách mà chưa thật quan tâm đến chất lượng, tới đóng góp của du lịch cho GDP, cho phát triển kinh tế xã hội. Qua đó việc định hướng phát triển thị trường, xây dựng sản phẩm du lịch cũng như đưa ra các chính sách đầu tư cho quảng bá xúc tiến thiên về tăng nhiều khách đến bất luận là dòng khách nào với những con số ấn tượng rất dễ gây thành tích.
"Sự tăng trưởng đột biến về số lượng khách quốc tế đến Việt Nam gần 30% trong năm 2016-2017 là nhất thời. Con số 30, hay thậm chí là 20 hay 15% sẽ khó lặp lại trong năm nay và những năm tiếp theo nếu chúng ta ngủ quên trên vòng nguyệt quế, rơi vào "bẫy tăng trưởng khách" - đại biểu Hưng đánh giá.
Cụ thể, theo ông Hưng, chúng ta biểu dương sự phát triển mạnh mẽ của du lịch nhưng kết quả đó vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh to lớn của đất nước, với nguồn lực dồi dào trong dân. Kỳ vọng niềm tin của Đảng, Quốc hội và nhân dân đối với ngành du lịch là rất lớn. Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị đã đặt ra những mục tiêu cao, thách thức lớn đối với ngành du lịch. Để đạt được những mục tiêu có căn cứ và hoàn toàn có thể đó, cần phải thẳng thắn mạnh hơn, phản biện cao, chỉ ra những nguyên nhân là trở ngại lớn với phát triển du lịch nước nhà.
Nhận thức của một số địa phương chưa thực sự coi du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên vùng, liên ngành, xã hội hóa và hội nhập quốc tế cao. Các cơ chế, chính sách phát triển chưa đủ mạnh, thiếu tính kịp thời và đột phá để du lịch phát triển theo đúng bản chất của một ngành kinh tế, vận hành theo những quy luật của kinh tế thị trường.
Đã là một ngành kinh tế thì phải chỉ đạo điều hành theo quy luật kinh tế về tư duy và phương pháp của khoa học kinh tế.
Tiếp theo, hiệu lực, hiệu quả của các cơ quan nhà nước về vấn đề du lịch ở trung ương và địa phương còn nhiều bất cập và hạn chế. Du lịch chưa tạo được điều kiện và đặt đúng vị trí cần có, tương xứng về đòi hỏi khách quan của một ngành kinh tế mũi nhọn.
Sự phối hợp liên vùng, liên ngành hiệu quả còn thấp, thiếu vai trò "nhạc trưởng" điều phối chung. Ban chỉ đạo nhà nước về du lịch hoạt động chưa thường xuyên, chưa phát huy được hết hiệu quả, vai trò hiệu lực của cơ quan chỉ đạo tập trung cao nhất về du lịch ở tầm quốc gia.
Ở đây, đặt ra vấn đề cần phải tăng cường sự tham gia đồng hành, phối hợp, giám sát của Quốc hội với ban chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan tới du lịch trong việc ban hành chính sách, phản biện và giám sát thi hành luật. Sản phẩm du lịch thiếu đa dạng phong phú cũng là một trong số những nguyên nhân khiến du lịch Việt Nam chưa thực sự phát triển.