Chính thức có hiệu lực vào ngày 1/8 năm nay, EVFTA sẽ giúp cắt giảm đáng kể thuế quan của các loại hàng hóa trao đổi giữa hai đối tác thương mại. Trong đó đích đến cuối cùng sẽ tiến tới xóa bỏ 99% tất cả các loại thuế quan trong tương lai.
Đây là một thỏa thuận tiếp nối từ Hiệp định Thương mại tự do EU – Singapore năm ngoái, vốn được biết tới là hiệp định thương mại song phương đầu tiên của EU với một quốc gia thuộc khối ASEAN.
Cũng đã hơn một năm kể từ khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đi vào hiệu lực, với các quốc gia ASEAN tham gia ký kết như Malaysia, Singapore và Việt Nam, cùng với tám quốc gia khác. CPTPP đã đóng góp hơn 3,9 tỷ USD vào thặng dư thương mại của Việt Nam.
Các hiệp định thương mại như vậy có tiềm năng rất lớn trong việc thúc đẩy tăng trưởng thương mại và đầu tư. Dù vậy, theo nghiên cứu gần đây nhất của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), lần lượt có tới 71% và 77% doanh nghiệp tại Việt Nam chưa biết đến hoặc chỉ mới nghe qua về CPTPP và EVFTA.
Đẩy mạnh dòng chảy thương mại
Liên minh Châu Âu hiện đang là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam. Xuất khẩu của Việt Nam sang EU đang có mức tăng trưởng ổn định trong những năm gần đây, đạt tổng cộng 42,5 tỷ USD trong năm 2018. Tốc độ tăng trưởng hàng năm ở mức 11%.
Các hàng hóa thông thương chủ yếu gồm các thiết bị viễn thông, điện tử, giày dép, dệt may và các loại nông sản như cà phê, gạo và thủy sản.
Trong vài năm trở lại đây, do chi phí sản xuất tại Trung Quốc tăng cao, Việt Nam đang dần nổi lên như một địa điểm thay thế hấp dẫn. Khi các quốc gia trên thế giới đang tiến hành mở cửa lại nền kinh tế một cách cẩn trọng, nhiều doanh nghiệp sẽ tìm kiếm cơ hội gây dựng và tái hòa nhập chuỗi cung ứng sản xuất.
Với việc kiểm soát tốt dịch bệnh và thêm hiệp định thương mại mới bắt đầu có hiệu lực, Việt Nam được đánh giá có cơ hội lớn từ nhu cầu đầu tư và xu hướng chuyển dịch sản xuất trên toàn cầu. Có thể điểm qua những tác động và cơ hội mà hiệp định EVFTA sẽ đem lại trong thời gian tới như sau:
1. Cắt giảm thuế và đơn giản hóa thủ tục hải quan
Với việc EVFTA có hiệu lực, 70% hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ được miễn thuế vào 26 quốc gia thành viên của EU. Các mặt hàng còn lại sẽ được cắt giảm dần trong vòng 7 năm.
Hiệp định cũng đơn giản hóa khâu tiếp nhận hàng hóa bao gồm cả thủ tục thông quan vào EU. Tuy nhiên các doanh nghiệp cũng cần lưu ý tới các yêu cầu về hải quan như xuất xứ sản phẩm, độ an toàn và các yêu cầu về kỹ thuật.
Về cơ bản, EVFTA đem lại sự nhất quán và minh bạch để giúp các doanh nghiệp trong khu vực tự tin hơn để mở rộng sang thị trường mới.
2. Thúc đẩy đa dạng hóa chuỗi cung ứng
Với EVFTA, cùng với các quốc gia khác như Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore, Việt Nam đang được hưởng nhiều ưu đãi trong việc tiếp cận thị trường 26 nước thuộc EU.
Ngoài ra, theo các quy định về xuất xứ, hàng hóa Việt Nam được sản xuất từ nguyên liệu đầu vào có nguồn gốc từ các quốc gia trên sẽ được hưởng các mức ưu đãi thuế. Điều này đem lại lợi ích rất lớn trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp đang tìm kiếm cơ hội đa dạng hóa chuỗi cung ứng để đối phó với tình hình dịch bệnh hoặc đề phòng rủi ro trong tương lai.
Ví dụ, bông hoặc vải có nguồn gốc từ Hàn Quốc đã trải qua quá trình xử lý đầy đủ tại Việt Nam có thể được coi là có xuất xứ tại Việt Nam, do đó được hưởng mức thuế ưu đãi khi xuất sang EU. Sự linh hoạt của các điều khoản trong hiệp định có thể đem lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp trong việc củng cố và đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
3. Tăng tính bền vững
EVFTA cũng hướng tới các giá trị bền vững về lao động, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và các vấn đề về môi trường. Những giá trị này có thể nâng cao năng lực cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp trong dài hạn.
4. Xóa bỏ rào cản, tạo điều kiện cho tăng trưởng khu vực
EVFTA đã đánh dấu một chương mới trong quan hệ Việt Nam – EU. Cùng với hiệp định giữa Singapore và EU, EVFTA có thể góp phần mở đường cho nhiều hiệp định thương mại hơn giữa các thành viên ASEAN khác với EU, hay thậm chí là một FTA đa phương ASEAN – EU.
Tuy nhiên, phần lớn thành công mà thỏa thuận đem lại phụ thuộc vào sự sẵn sàng của doanh nghiệp và việc áp dụng tốt những ưu đãi mới. Các doanh nghiệp cần coi những hiệp định thương mại mới là một biến số cần thiết trong việc lập kế hoạch kinh doanh, tái hòa nhập chuỗi cung ứng trong bối cảnh nhiều nước đang khởi động lại nền kinh tế.
Tạo thuận lợi cho dòng chảy thương mại quốc tế sẽ là một yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy phục hồi nền kinh tế. Điều cần thiết là phải tận dụng các công cụ một cách tối ưu để đảm bảo quá trình phục hồi này diễn ra suôn sẻ nhất có thể.