Những diễn biến mới đầy kịch tính trong cuộc đàn áp của Hoa Kỳ với Huawei đã tạt một gáo nước lạnh đối vào những người đang chờ đợi 5G - cộng nghệ được coi là nền móng của xe hơi không người lái và thành phố thông minh. Đặc biệt là với khu vực Đông Nam Á, nơi có khá nhiều quốc gia chọn Huawei trong kế hoạch của mình.
Chỉ cách đây vài tuần, Huawei dường như vẫn còn rất yên tâm khi nhận được những thỏa thuận quan trọng trong việc phát triển công nghệ 5G trên khu vực ASEAN, thì giờ đây gã khổng lồ Trung Quốc đã rơi ra khỏi tâm điểm, không chỉ ở Đông Nam Á, mà là khắp thế giới. Cú ngã của Huawei để lại một dấu hỏi cho những người đang mong chờ công nghệ 5G - được hứa hẹn là sẽ tuyệt với gấp 100 lần so với 4G.
Việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ đưa Huawei vào Danh sách hạn chế (Entity list) có nghĩa là các công ty Hoa Kỳ không chỉ bị cấm sử dụng thiết bị Huawei, mà còn bị cấm bán linh kiện cho Huawei - một động thái có thể làm tê liệt công ty Trung Quốc này vì nó phụ thuộc rất lớn vào các linh kiện phương Tây, như chip điện tử. Kể cả chính quyền Donald Trump sau đó đã cho phép hãng tiếp tục mua thiết bị của Mỹ cho đến giữa tháng 8 - thì hậu quả của lệnh cấm vẫn sẽ tồn tại trong dài hạn.
Câu hỏi lớn là liệu trong tình cảnh này, các nhà cung cấp thay thế như Ericsson, Nokia hay Samsung có thể thay thế Huawei hay không? Đây vẫn là một ẩn số lớn, đặc biệt là về mặt chi phí. Nếu Huawei đi xuống, sẽ có một sự chậm trễ lớn trong việc triển khai 5G trên toàn cầu, đặc biệt là ở những thị trường có mức độ phụ thuộc cao vào thiết bị Huawei.
Washington và các đồng minh tin rằng Huawei được quân đội Trung Quốc hậu thuẫn và có khả năng cài các phần mềm gián điệp vào các thiết bị mạng, cho phép các điệp viên Bắc Kinh truy cập vào các liên lạc chiến lược của các đối thủ. Huawei đã kịch liệt phủ nhận điều này, và đã cáo buộc chính quyền của ông Trump đang "bắt nạt" họ.
Dù có xuất phát điểm khác nhau - một số quốc gia Đông Nam Á thậm chí còn chưa phủ sóng toàn quốc công nghệ 4G - dù chúng đã tồn tại hàng thập kỷ, thì gần như tất cả các quốc gia khu vực đều chạy đua trong những tháng gần đây để tổ chức thử nghiệm cho tiêu chuẩn 5G mới. Hầu hết các chính phủ đều mong đợi có thể triển khai 5G vào năm tới - mặc dù họ cũng nhận thức được rằng hoàn chỉnh công nghệ 5G có thể mất đến hàng thập kỷ.
Với hợp đồng 5G cho Singapore, Malaysia và Campuchia, Huawei từng là một nhà cung cấp được các nước ASEAN tin tưởng lựa chọn. Nhưng sẽ là rất khó để Huawei vực dậy sau động thái của ông Trump, họ sẽ phải thay đổi rất nhiều để tiếp tục tồn tại. Điều này sẽ tác động đến các kế hoạch triển khai mạng 5G hiện có trên toàn cầu, đầu tiên là ở châu Âu và sau đó là Đông Nam Á. Ông Charlie Dai, một nhà phân tích của công ty nghiên cứu Forrester Research cho biết các biện pháp chính trị của Chính phủ Hoa Kỳ đang có tác động rất tiêu cực đối với việc phát triển 5G ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng như trên toàn thế giới.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam có vẻ đã khá sáng suốt (hoặc ít nhất là may mắn) khi không lựa chọn Huawei cho việc phát triển 5G của mình. Viettel quyết tâm phát triển và sản xuất các thiết bị mạng lõi "vì mục tiêu an toàn và bảo mật của mạng viễn thông quốc gia". VinaPhone được cho là đang chuẩn bị hợp tác với Nokia còn MobiFone có dự định hợp tác với Samsung Electronics của Hàn Quốc. Hầu như các nhà mạng đều không bị ảnh hưởng bởi Huawei.
"Với việc tự phát triển chip 5G, Viettel đang tiếp tục tìm kiếm thêm cơ hội hợp tác, đầu tư và chia sẻ kinh nghiệm với các chuyên gia và đối tác, cả trong và ngoài nước", đại diện Viettel trả lời Nikkei trong một cuộc phỏng vấn ngắn. Dù rằng tham vọng tự lực phát triển 5G ẩn chứa rất nhiều thách thức vì nó đòi hỏi nhiều nỗ lực để tích lũy và mất nhiều năm để có kết quả, nhưng đây là một minh chứng rất rõ rằng tự chủ công nghệ sẽ giúp Việt Nam vững vàng hơn rất nhiều trước những biến động thế giới.