Raghuram Rajan, giáo sư tài chính đại học Chicago Booth School of Business, đồng thời là cựu Thống đốc Ngân hàng Trung Ương Ấn Độ, cho biết vào tháng 3, một số lượng lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã phải đóng cửa. Mặc dù ở một số khu vực, tình hình kinh tế đang dần được cải thiện, những doanh nghiệp này vẫn không đủ khả năng mở cửa trở lại.
Ông Raghuram Rajan
Thứ 4 vừa qua, Ông Raj Rajan đã có buổi trò chuyện trên kênh "Street Signs Asia" của đài CNBC. "Đây sẽ là một cú sốc lâu dài đối với nền kinh tế toàn cầu", ông cho biết.
Ông giải thích: "Đại dịch vẫn lan rộng, ngày càng nhiều doanh nghiệp không có doanh thu trong thời gian dài, hơn nữa họ vẫn phải chi trả cho các chi phí đắt đỏ. Các chủ doanh nghiệp chỉ còn một cách duy nhất đó là đóng cửa"
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên khắp thế giới đã chịu ảnh hưởng rất nặng nề bởi các biện pháp đóng cửa nền kinh tế cũng như cách ly xã hội.
Vào thứ 2, Tạp chí y khoa The Lancet, một trong những tạp chí y khoa hàng đầu thế giới, vừa xuất bản bài báo của nhóm phát triển vắc-xin Covid-19 thuộc Đại học Oxford cùng với tập đoàn dược phẩm AstraZeneca. Kết quả trong giai đoạn đầu cho thấy vắc-xin đã tạo ra ra kháng thể trung hòa và tạo ra cả tế bào T cho phép hệ miễn dịch ghi nhớ virus để bảo vệ cơ thể trong tương lai.
Đầu tháng này, công ty công nghệ sinh học của Đức BioNTech và công ty dược phẩm lớn của Mỹ Pfizer cũng đã phối hợp bào chế một loại vắc-xin Covid-19 có tiềm năng và có thể dung nạp tốt trong giai đoạn đầu thử nghiệm trên người.
Tuy nhiên, theo ông Rajan, thiệt hại kinh tế vẫn sẽ kéo dài ngay cả khi vắc-xin được chấp thuận sớm và các quốc gia triển khai tiêm chủng.
"Số lượng người cần tiêm vắc-xin là rất lớn. Dự tính, thời gian sớm nhất để có thể triển khai tiêm chủng là vào quý 4. Nếu như thế thì phải đợi đến giữa năm sau mọi người mới có thể cảm thấy an toàn nơi công cộng", ông nói.
Rajan giải thích thêm: "Dự kiến nền kinh tế sẽ hồi phục hoàn toàn trong một thời gian dài, mặc dù các nhà hoạch định chính sách đã đưa ra các biện pháp giúp phục hồi kinh tế". Ông cho rằng các chính sách kinh tế đã có tác động tích cực lên một số nước công nghiệp. Tuy nhiên, đối với các nền kinh tế thị trường mới nổi, những chính sách này chỉ tác động một phần không đáng kể.
Trong tuần này, Liên minh châu Âu đã đạt thoả thuận đột phá về kích thích tài khoá mới. Những nhà cầm quyền trên các quốc gia thành viên của Liên minh Châu Âu đã đạt được thỏa thuận về gói cứu trợ khổng lồ hậu Covid trị giá 750 tỉ EUR. Gói cứu trợ này sẽ được giải ngân giữa các quốc gia và lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch, thông qua các khoản tài trợ và cho vay.
Các khu vực trên thế giới đang đối mặt với nhiều hậu quả nặng nề hơn khi dịch tái bùng phát. Điển hình như thành phố lớn thứ hai ở Úc, Melbourne, đã phải đóng cửa sau khi dịch bùng lần nữa. Reuters đưa tin: Nhiều biện pháp phong tỏa phòng chống Covid-19 đã được áp dụng trở lại tại thành phố Melbourne, buộc người dân phải ở trong nhà 6 tuần và không được ra ngoài nếu không có việc cần thiết.
Ông Raj Rajan nói thêm, nền kinh tế sẽ không thể nào khôi phục hoàn toàn cho tới khi các ngành nghề yêu cầu tương tác trực tiếp như nhà hàng, du lịch,… mở cửa trở lại. Đến lúc đó, nền kinh tế sẽ phục hồi được khoảng 95%. Ông cũng cho rằng các quốc gia cần bắt đầu lập các gói hỗ trợ dài hạn cho một số ngành bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Trước đó các chuyên gia cũng đã cảnh báo rằng đại dịch có thể dẫn đến sự xuất hiện một xu hướng đáng lo ngại liên quan đến bảo hộ thương mại trên toàn thế giới. Lý do là các quốc gia đang cố gắng bảo vệ ngành công nghiệp nội địa của họ.
Bàn về vấn đề này, Rajan cho rằng sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ sẽ là một rào cản lớn trong việc phục hồi nền kinh tế.
Nếu bảo hộ thương mại diễn ra mạnh mẽ thì nền kinh tế sẽ phục hồi chậm hơn nhiều. Các quốc gia phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu hàng hoá sẽ chịu những thiệt hại đáng kể. Thêm vào đó, bảo hộ thương mại sẽ có những tác động lớn đến nhiều quốc gia đang phát triển cũng như các nền kinh tế thị trường mới nổi.