Những căn cứ cho lo ngại có thể xảy ra một cuộc khủng hoảng mới ở Việt Nam được chỉ ra gồm: độ mở rất lớn của nền kinh tế (tổng kim ngạch xuất nhập khẩu bằng 193% GDP năm 2017); nền tảng và nguồn lực tăng trưởng trong nước có vấn đề.
Những mâu thuẫn của nền kinh tế nằm ở sự chia tách giữa các khu vực như FDI và trong nước, kinh tế phụ thuộc nhiều vào FDI, hay dù hội nhập sâu rộng nhưng việc tận dụng, khai thác còn kém; sự chuyển dịch của dòng tiền từ thị trường sản xuất vào thị trường tài sản (đất đai, chứng khoán) dẫn đến bong bóng tài sản, và khi thị trường quá nóng, bong bóng đổ vỡ có thể kéo theo sự khủng hoảng của nền kinh tế.
Tuy nhiên, công bằng mà nói thì các căn cứ trên đều khá chung chung và, quan trọng hơn, không chỉ ra được tại sao khủng hoảng có khả năng sẽ nổ ra vào năm 2019 chứ không phải là một năm trước hoặc sau đó.
Cụ thể hơn, nếu nói về độ mở lớn của nền kinh tế để lo ngại khả năng đổ vỡ thì cần lưu ý rằng trên thế giới có không ít quốc gia hoặc nền kinh tế mà tổng kim ngạch xuất nhập khẩu/GDP còn lớn hơn cả Việt Nam như Hong Kong (373 % GDP năm 2016), Luxembourg (407%), Malta (268%), Singapore (318%), Slovak (186%), Các Tiểu vương quốc Ả rập (205%), so với mức 185% năm 2016 của Việt Nam, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới.
Như vậy, nếu chỉ căn cứ vào độ mở của nền kinh tế tính theo kim ngạch xuất nhập khẩu so với GDP thì chưa thể nói lên được tính mong manh, dễ vỡ của nền kinh tế. Bởi chỉ tiêu này còn phản ánh một thực tế là nền kinh tế sở tại có thể là một điểm trung chuyển hàng hóa, và Việt Nam cũng không phải là một ngoại lệ khi đã có hiện tượng hàng hóa nước ngoài đội lốt hàng Việt Nam xuất đi các nước khác.
Hơn nữa, cũng không có chuẩn mực nào hay một trường hợp thực tế nào để tin rằng nếu độ mở này tiếp tục tăng và đạt, ví dụ, 200% GDP năm sau thì nền kinh tế Việt Nam sẽ gặp nguy khốn.
Về lý do nền tảng và nguồn lực tăng trưởng trong nước có vấn đề và sự chia tách nền kinh tế thành 2 khu vực (FDI và trong nước), đây có thể là một thực tế. Nhưng, tương tự như lập luận ở trên, đâu là điểm ngưỡng để dẫn đến tình trạng "quá mù ra mưa" nếu những bất cập này tiếp tục tồn tại và phát triển làm bùng phát thành một cuộc khủng hoảng năm sau mà không phải là những năm sau đó?
Về nguyên nhân bong bóng tài sản dẫn đến khủng hoảng kinh tế, đây cũng là một thực tế đã được chứng thực ở nhiều nơi trên thế giới. Có điều, nếu nói rằng Việt Nam đang chứng kiến bong bóng bất động sản và chứng khoán thì e rằng là hơi sớm, cần phải có nhiều dữ liệu và phân tích thấu đáo hơn để làm hậu thuẫn cho kết luận này. Nhìn chung, giá bất động sản có gia tăng mạnh nhưng không phải trên diện rộng, mà chỉ ở một số phân khúc, một số địa phương, vùng.
Còn với thị trường chứng khoán, sau những thăng hoa mấy tháng trước (nhưng không phải tăng trưởng kiểu tên lửa, ngày nào cũng tăng và tăng kịch biên độ), chỉ số chứng khoán đã quay trở lại giai đoạn lình xình, điều chỉnh mạnh trong mấy tuần gần đây. Trong khi đó, nguồn "dinh dưỡng" quan trọng nhất cho cả 2 thị trường này bùng nổ là tín dụng ngân hàng thì đã bị siết lại từ 2, 3 năm nay, với tăng trưởng tín dụng chung cũng chậm lại đáng kể so với mấy năm trước.
Ngoài các căn cứ được nêu ra bên trên, xin bổ sung thêm một số căn cứ khác thường được dùng để phán định liệu một nền kinh tế có phải là đang trong trạng thái tăng trưởng nóng để rồi chắc chắn sau đó sẽ rơi vào trạng thái đóng băng và khủng hoảng hay không, mà có thể áp dụng cho Việt Nam.
Căn cứ bổ sung đầu tiên là lạm phát. Một thực tế không thể phủ nhận là lạm phát ở Việt Nam thường cao hơn đáng kể so với các nước trong khu vực và thế giới, như được minh họa trong bảng dưới đây.
Nguồn: Tính toán dựa trên số liệu của IMF (số liêu từ 2018 là ước tính)
Tuy nhiên, điều cần ghi nhận là Việt Nam đã khá thành công trong kiềm chế lạm phát trong hai thập kỷ qua. Đặc biệt là lạm phát của Việt Nam trong giai đoạn 2015-2019 thậm chí còn bằng hoặc thấp hơn cả của các nhóm so sánh. Nói cách khác, dễ thấy là lạm phát tuy có xu hướng tăng lên ở Việt Nam trong năm nay và năm sau nhưng về tổng thể, lạm phát của Việt Nam không phải là ngoại lệ, cũng không phải là ngòi nổ làm bùng phát một cuộc khủng hoảng, ít nhất là trong năm sau.
Căn cứ bổ sung thứ hai là tốc độ tăng trưởng đầu tư. Ngược lại so với khu vực và thế giới, đầu tư đã tăng trưởng chậm lại ở Việt Nam trong thập kỷ hiện nay so với 10 năm trước, đặc biệt trong giai đoạn 5 năm từ 2015-2019.
Điều này được thể hiện qua số liệu về tổng mức đầu tư trong nền kinh tế tính theo % GDP của Việt Nam và khu vực và thế giới có trong bảng dưới đây. Như vậy, một trong những yếu tố dẫn đến tăng trưởng kinh tế nóng và có thể làm sụp đổ một nền kinh tế là tăng trưởng đầu tư cao đã không hiện diện ở Việt Nam, nhất là trong nửa sau của thập niên này.
Tỷ lệ đầu tư/GDP của Việt Nam so với khu vực và thế giới
Nguồn: Tính toán dựa trên số liệu của IMF (số liệu từ 2018 là ước tính)
Cuối cùng, để biết một nền kinh tế có rơi vào tình trang nóng sốt hay không thì người ta cũng dựa vào chỉ số xuất/nhập siêu hoặc cán cân vãng lai. Nếu nhập siêu và/hoặc thâm hụt cán cân vãng lai là hiện tượng kinh niên thì nền kinh tế dễ bị tổn thương bởi nợ nước ngoài tăng cao dùng để bù đắp thâm hụt vãng lai.
Tuy nhiên, số liệu của IMF cũng cho thấy cán cân vãng lai của Việt Nam được dự đoán sẽ chỉ bị thâm hụt trong 2 năm của thập kỷ này là năm 2010 và 2015. Do đó, có căn cứ để loại thâm hụt vãng lai như một yếu tố tiềm tàng gây ra khủng hoảng kinh tế ở Việt Nam trong những năm tới, ít nhất là năm 2019.
Tóm lại, phân tích ở trên cho thấy tuy nền kinh tế Việt Nam vẫn chứa đựng nhiều bất ổn nhưng chưa có bằng chứng xác đáng nào để lo ngại xảy ra một cuộc khủng hoảng kinh tế trong năm 2019 ở quy mô và cấp độ như đã từng được chứng kiến trong 3 thập kỷ trước.