Cả tuần nay, chị Minh Thư (32 tuổi; ở Cầu Giấy, Hà Nội) đứng ngồi không yên khi tài khoản chứng khoán của chị bốc hơi mỗi hôm từ 5-10%. Đến nay, chị đã lỗ gần 100 triệu đồng, số tiền ban đầu chị bỏ ra đánh chứng khoán là hơn 500 triệu đồng.
Chị Thư kể: “Vợ chồng tôi có ý định ra ở riêng, tìm mua một căn hộ quanh khu vực Cầu Giấy, Thanh Xuân để ở gần với bố mẹ. Hồi cuối năm 2021, vợ chồng tôi đã tìm được căn khá ưng ý nhưng vì còn thiếu một khoản tiền đang chờ xoay sở. Đến khi có đủ tiền thì căn hộ đó đã được bán cho người khác. Thời điểm cuối năm, chồng tôi khá bận nên không đi tìm nữa mà quyết định ra Tết sẽ mua với hy vọng giá nhà sẽ giảm so với trước Tết”.
Sẵn đang có số tiền dùng để mua nhà mà chưa dùng tới, chị Thư lấy 500 triệu chơi chứng khoán với hy vọng kiếm thêm được chút lời lãi, sau có thêm chút ít sắm đồ nội thất trong nhà.
“Tôi chơi chứng khoán được gần 2 năm nay rồi. Hồi cuối năm 2021, tôi tổng kết năm thì lãi được hơn 80%. Giờ chưa biết khi nào sẽ tìm được nhà để mua, thôi thì mình cứ đánh “lướt sóng” lãi được đồng nào hay đồng đấy còn hơn đi gửi tiết kiệm, lãi suất thấp”, chị Thư chia sẻ.
Thế nhưng, từ đầu năm đến nơi, thị trường chứng khoán không còn hứng phấn như giai đoạn năm 2021, hết lình xình lại đến giảm sốc. Chị Thư cho hay: “Những phiên giảm liên tiếp vừa qua đã đánh bay số lãi tôi kiếm được thời gian trước, giờ ăn vào tiền vốn gần 100 triệu đồng. Trong khi đó, các bạn môi giới báo căn hộ nào cũng đã tăng giá, thấp thì thêm mấy chục, nhiều thì tăng thêm mấy trăm”.
Bất ngờ với diễn biến giá nhà ngay từ đầu năm, chị Thư cùng chồng đi tìm hiểu một số dự án khác thì cũng có tình trạng tương tự. Cụ thể, một dự án tại quận Hoàng Mai trước đó được rao bán mức giá 1,9 tỷ đồng đến 2,4 tỷ đồng tùy diện tích, hiện đã tăng lên mức 2,1 tỷ đồng đến 2,6 tỷ đồng.
Chị Thư buồn rầu: “Chắc phải nhanh chóng tìm rồi chốt mua luôn. Chứ không càng ngày giá nhà càng tăng. Nhưng giờ có chốt được căn nào thì tôi phải đi vay thêm tiền, còn số tiền đầu tư chứng khoán chờ về “bờ” vậy chứ giờ mà cắt lỗ ngay lúc này thì đau quá”.
Nguồn cung khan hiếm, chung cư tăng giá
Một môi giới bất động sản cho biết, các dự án mới bàn giao gần đây đều tăng giá do nguồn cung khan hiếm, lạm phát, giá vật liệu tăng cao… Đặc biệt, giá không chỉ tăng ở những căn hộ mới mà những căn chung cư cũ cũng tăng đáng kể. Và, không chỉ các dự án nội đô mà ngay cả các dự án ven đô cũng tăng giá.
Theo số liệu thống kê từ trang rao bán nhà đất, nhu cầu tìm kiếm chung cư tăng cao cả ở Hà Nội, tập trung chính ở phân khúc bình dân. Trong 3 tháng đầu năm, giá rao bán chung cư ở Hà Nội hiện tăng 4,4% so với tháng 12/2021. Trong đó, mức độ quan tâm của phân khúc bình dân tăng mạnh 36% so với 1/2022.
Theo CBRE, trong quý đầu tiên của năm 2022, có khoảng 3.500 căn hộ chung cư mở bán mới tại Hà Nội, giảm 39% theo quý và 20% theo năm do những gián đoạn từ kỳ nghỉ Tết và đợt dịch Covid-19 mới (cao điểm và suy giảm dần trong giai đoạn tháng 3 vừa qua).
Phần lớn nguồn cung mới mở bán trong quý đến từ các đợt mở bán tiếp theo của các dự án đã mở bán (6 dự án) và chỉ có 2 dự án lần đầu được mở bán.
Theo phân khúc, căn hộ trung cấp vẫn là sản phẩm phổ biến nhất trên thị trường, chiếm 66% tổng nguồn cung mới trong quý. Về vị trí, khu vực phía Tây là khu vực đóng góp nhiều nguồn cung mới nhất với 53% tổng số căn mở bán mới. Mặc dù chỉ có một dự án mới mở bán trong quý nằm ở khu phía Đông, khu vực này đứng thứ hai về tỷ trọng nguồn cung mới, với 42%.
Giá bán trên thị trường sơ cấp trong quý 1/2022 được ghi nhận trung bình ở mức 1.655 USD/m2 tương đương với 38 triệu/m2 (chưa bao gồm VAT và phí bảo trì), tăng 13% theo năm và 4% theo quý.
Phân khúc trung cấp ghi nhận mức tăng mạnh nhất theo năm, ở ngưỡng 16% do sự nâng cấp định vị của các dự án khu đô thị. Trong khi đó, giá trung bình phân khúc cao cấp giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái do tỷ trọng cao hơn của các dự án nằm tại khu vực nhà ở mới trong nguồn cung đang chào bán.
Trên thị trường thứ cấp, giá bán trung bình đạt 1.278 USD/m2 tương đương với 29,3 triệu/m2, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái – mức tăng cao nhất trong vòng 5 năm vừa qua do nguồn cung mới hạn chế, đặc biệt là khu vực nằm trong đường vành đai 3.
Các dự án cao cấp tại các quận trung tâm như Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa và Tây Hồ ghi nhận mức tăng giá cao hơn trung bình thị trường, ở ngưỡng từ 10% trở lên theo năm.
Chuyên gia của CBRE cho biết, sự khan hiếm của các sản phẩm bình dân được dự báo vẫn tiếp diễn do kết nối hạ tầng đến các khu vực ngoại thành xa hơn ngoài đường Vành đai 4 sẽ mất nhiều thời gian để hoàn thiện.
Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com chia sẻ, thị trường bất động sản ở Hà Nội giai đoạn hiện nay rất phức tạp, trong khi đó, mặt bằng giá đã ở mức cao. Đặc biệt bất động sản Hà Nội đang bị ảnh hưởng bởi các thông tin tiêu cực. Do đó, nguồn cung của thị trường này sẽ ngày càng khó hơn.
Vị này nhận định, thị trường Hà Nội năm nay rất khó có dự án mới. Rõ ràng chủ đầu tư phải tìm thêm các quỹ đất ở xung quanh thành phố, thậm chí xa hơn nữa,…
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam nhận định về giá chung cư, dự báo trong năm 2022, kịch bản khả quan hạ giá chung cư là điều khó xảy ra, nhất là khi nguồn cung đang khan hiếm. Tình trạng lạm phát, tăng chi phí nguyên vật liệu sẽ tiếp tục đẩy giá căn hộ tăng cao.