"Vay tiền ngân hàng mua nhà, nhưng bỗng nhiên mất việc thì sẽ phải làm thế nào để trả lãi", "Nợ ngân hàng nhiều sợ quá vì không được chi tiêu thoải mái"… đó là 2 trong số nhiều lý do khiến cho việc sử dụng đòn bẩy tài chính rào cản lớn cho những người trẻ ít vốn nhưng khao khát sở hữu một căn nhà, hay một lô đất "cắm dùi".
Nỗi lo trả nợ mỗi tháng khiến cho người trẻ chùn bước, không dám vượt qua được sự ám ảnh. Thế nên, nhiều người chấp nhận ở nhà thuê, không cần tăng thu nhập, an phận với mức lương hàng tháng, đủ chi trả cho sinh hoạt phí, đi du lịch… Và cuối cùng, vì sợ vay ngân hàng nên 3-5 năm sau, nếu không có bất kỳ sự "đột biến" về thu nhập hay sự hỗ trợ từ bố mẹ, người thân, cuộc sống của người trẻ vẫn quẩn quanh trong căn hộ cho thuê.
8 năm trước, khi mới 23 tuổi, ra trường với mức lương 7 triệu đồng/tháng, tôi cũng sợ vay ngân hàng. 24 tuổi kết hôn cùng tổng thu nhập của 2 vợ chồng 11 triệu đồng, tôi muốn mua nhà nhưng lại càng sợ vay ngân hàng. Vì tôi sợ số tiền lãi ngân hàng "đè nặng" cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Vì tôi sợ có con, phải dành khoản tiền để nuôi con, phòng lúc bệnh tật. Nhưng nếu cứ ở trong căn nhà trọ chật chội, khi đứa con đầu lòng chào đời, tôi nhận ra rằng: Nếu không liều mua nhà thì chẳng biết đến bao giờ, mới có thể mua nhà".
(Ảnh minh hoạ)
Năm 2016, tôi tìm được một căn nhà ở Yên Nghĩa (Hà Đông) với mức giá 800 tỷ đồng. Trong tay tôi có 100 triệu đồng là tổng số tiền của hồi môn khi cưới, tiền bảo hiểm sau sinh con và số tiền mừng mà nội ngoại hai bên mừng em bé.
Muốn có căn nhà để ở, tôi quyết định đi vay dù cảm giác rất sợ. Sợ thất nghiệp không có tiền trả lãi ngân hàng. Sợ không có tiền nuôi con. Sợ không có tiền khi ốm đau, bệnh tật. Nhưng khát vọng có nhà khiến tôi càng cố gắng và quyết liều.
Năm 2016, tôi vay ngân hàng 450 triệu đồng. Hai bên gia đình cho vay 250 triệu đồng, không lãi. Chúng tôi chuyển về nhà mới mà không cần sắm đồ nội thất, chỉ vì không có tiền. Mỗi tháng trả lãi và gốc 5,5 triệu đồng. Tôi đã phải trải qua 1 năm "khủng hoảng tinh thần" vì áp lực trả nợ lãi mỗi tháng. Chưa kể, sau khi mua nhà được nửa năm, tôi nằm trong diện "cắt giảm nhân sự" và phải xin nghỉ làm, tìm việc khác. Thu nhập từ 10 triệu đồng giảm còn 7 triệu đồng.
Tuy nhiên, đúng là cảm giác "rồi mọi thứ sẽ qua". Khó khăn cuối cùng đều có thể vượt qua được. Ngoài công việc chính, tôi còn bán đủ các sản phẩm online để kiếm thêm tiền, chi trả cuộc sống. Đến năm 2019, gia đình tôi bắt đầu đi qua thời kỳ khó khăn. Cuối 2019, tôi lại quyết định liều một lần nữa, "đổi nhà" vì muốn cho con được học gần trung tâm.
Căn nhà cũ bán được 1,6 tỷ đồng. Trừ đi khoản nợ vay, vợ chồng tôi có trong tay 1,3 tỷ đồng. Nhưng để mua được một căn nhà tốt hơn, khoản tài chính phải 2-2,5 tỷ đồng. Nghĩ khoản nợ tiền tỷ, tôi lại rơi vào cảm giác sợ hãi như lần đầu mua nhà.
Nhưng tới phút cuối, vì căn nhà rao bán có khách chốt và cọc và nếu không mua nhà, chúng tôi phải đi thuê. Cuối cùng, vợ chồng tôi lại quyết định mua căn nhà 2,4 tỷ đồng và tiếp tục vay ngân hàng 1,1 tỷ đồng.
Cũng như lần đầu tiên mạo hiểm, cảm giác sợ hãi luôn thường trực khi "nợ tiền tỷ". Nhưng qua 1 năm sau, tôi lại cảm thấy quen dần với khoản nợ tiền tỷ. Đúng là có nợ, càng có động lực lao động.
Đến cuối năm 2021, tôi lại quyết định mua một căn chung cư gần trung tâm trị giá hơn 2 tỷ đồng bằng việc vay ngân hàng 35 năm. Số tiền cọc trước tôi bỏ ra là 700 triệu đồng. Số tiền còn lại do ngân hàng giải ngân. Căn nhà đất cũ tôi cho thuê với mức giá 5 triệu đồng, hỗ trợ một phần vào tiền lãi cho sổ hồng cầm cố. Như vậy, mỗi tháng, gia đình tôi phải trả khoảng 17 triệu đồng cả lãi và gốc cho khoản vay hơn 2 tỷ đồng.
Thực sự, vay nhiều, nợ nhiều sẽ dần thành quen. Nỗi sợ rồi tan biến. Giờ tôi mới hiểu, vì sao những người bạn của tôi có hàng tỷ đồng nhưng họ cũng nợ vài tỷ đồng. Với những người vốn mỏng thì chỉ có vay ngân hàng mới chính là cách để bứt lên, sở hữu nhà và đầu tư. Họ càng giàu, họ càng vay ngân hàng nhiều".
*Chia sẻ từ độc giả đến từ Hà Nội.