Theo báo cáo kinh tế vĩ mô tháng 7 vừa công bố của Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt, kể từ sau sự kiện G20 tại Nhật Bản, những lo ngại liên quan tới việc Mỹ có thể sẽ áp thuế lên hàng xuất khẩu của Việt Nam trở thành vấn đề nóng. Điều này không chỉ bắt nguồn từ chỉ trích của phía Mỹ vào một số quốc gia Châu Á, bao gồm Việt Nam, mà còn từ những vụ việc liên quan đến nhãn hiệu "Made in Vietnam" được sử dụng bởi các doanh nghiệp sản xuất và thương mại trong nước.
Trước những lo ngại trên, các nhà phân tích của Chứng khoán Rồng Việt đã đề cập tới trường hợp của Campuchia và Đài Loan (Trung Quốc) – hai quốc gia/vùng lãnh thổ chịu sự chỉ trích trực tiếp từ Mỹ. Với Campuchia, Đại diện Lãnh sự quán Mỹ cho biết Bộ an ninh nội địa nước này đã điều trả và xử phạt một loạt các doanh nghiệp tại Đặc khu kinh tế Sihanoukville về hành vi tiếp tay cho hàng Trung Quốc né tránh thuế vào Mỹ. Trong khi đó, Đài Loan cam kết sẽ áp dụng mạnh tay các biện pháp cần thiết nhằm tránh trường hợp trở thành điểm trung chuyển hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ.
Liên quan tới Việt Nam, theo các nhà phân tích, có một sự thật, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt 40% so với cùng kỳ năm trong quý 1/2019, theo số liệu từ ITC. Đây là mức tăng cao nhất trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Đáng chú ý hơn, dựa trên danh sách hàng hóa trong gói đánh thuế 250 tỷ USD của Mỹ lên Trung Quốc và lọc theo mã HS những mặt hàng Việt Nam xuất sang Mỹ, một số nhóm ngành có tốc độ tăng đáng kể so với mức bình quân quý 1 của 3 năm trước đó. Các nhóm ngành gồm, gỗ và đồ nội thất; máy móc và thiết bị điện; sắt thép và sản phẩm liên quan và nhựa.
Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt cho rằng mặc dù đánh giá thấp khả năng việc Mỹ áp thuế trên diện rộng đối với hàng hóa từ Việt Nam, nhưng hoạt động xuất khẩu các mặt hàng trên sang Mỹ có thể sẽ chịu sự giám sát chặt chẽ hơn. Nếu loại bỏ phần giá trị xuất khẩu tăng đột biến từ các nhóm này, tăng trưởng xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ sẽ mất tối đa 3%, tương đương dưới 1% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam. Dù quy mô tác động về kinh tế có thể chưa lớn, nhưng sẽ ảnh hưởng đến triển vọng thu hút dòng vốn FDI của Việt Nam.