Dự luật Không Sản xuất và Xuất khẩu Dầu (NOPEC) nhằm bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ khỏi sự gia tăng đột biến về chi phí xăng và dầu sưởi, nhưng một số nhà phân tích cảnh báo rằng việc thực hiện nó cũng có thể gây ra một số hậu quả nguy hiểm không lường trước được.
Kiện ra toà án liên bang
Dự luật NOPEC của lưỡng đảng sẽ thay đổi luật chống độc quyền của Mỹ để thu hồi quyền miễn trừ quốc gia vốn từ lâu đã bảo vệ OPEC và các công ty dầu mỏ quốc gia khỏi các vụ kiện.
Nếu được ký thành luật, Bộ trưởng Bộ Tư pháp của Mỹ sẽ có khả năng kiện tổ chức này cùng với các thành viên, chẳng hạn như Ả Rập Xê-út, ra tòa án liên bang. Các nhà sản xuất khác như Nga cũng có thể bị kiện khi nước này hợp tác với OPEC trong nhóm rộng hơn được gọi là OPEC + để giữ lại sản lượng dầu.
Không rõ chính xác bằng cách nào mà một tòa án liên bang có thể thực thi các quyết định chống độc quyền của tư pháp đối với một quốc gia khác. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng trong hơn hai thập kỷ qua, NOPEC đã khiến lãnh đạo Ả Rập Xê-út lo lắng và khiến sự vận động hành lang của Riyadh gặp khó khăn mỗi khi có một phiên bản mới của dự luật được đưa ra.
Để trở thành luật, dự luật sẽ phải thông qua toàn bộ Thượng viện và Hạ viện và được ký bởi tổng thống.
Nhà Trắng chưa cho biết liệu Tổng thống Joe Biden có ủng hộ dự luật hay không và không rõ liệu dự luật này có nhận được đủ sự ủng hộ của Quốc hội để được trở thành luật hay không.
Các phiên bản trước của dự luật NOPEC đã vấp phải những thất bại trong bối cảnh các nhóm công nghiệp dầu mỏ như Viện Dầu khí Mỹ phản đối.
Tuy nhiên, gần đây Quốc hội Mỹ đã không thể ngồi yên về việc giá xăng tăng vọt khiến lạm phát tăng vọt lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ, làm tăng cơ hội thành công của NOPEC.
Các nhà sản xuất OPEC đã từ chối yêu cầu của Mỹ và các đồng minh về việc mở khoá van dầu với số lượng nhiều hơn một cách dần dần khi nhu cầu sử dụng trên thế giới tăng lên từ đại dịch và xung đột Nga-Ukraine càng khiến giá dầu vọt lên.
Nga là quốc gia thường sản xuất khoảng 10% lượng dầu của thế giới. Tuy nhiên, có thể thấy sản lượng dầu thô giảm tới 17% trong năm nay do Moscow phải vật lộn với các lệnh trừng phạt của phương Tây.
OPEC cũng không ngồi yên
Một số nhà phân tích cho rằng, việc gấp rút thông qua dự luật có thể dẫn đến phản tác dụng ngoài ý muốn, bao gồm khả năng các quốc gia khác có thể có những hành động tương tự đối với Mỹ vì đã giữ lại sản lượng nông nghiệp để hỗ trợ nông nghiệp trong nước.
Mark Finley, chuyên gia về năng lượng và dầu mỏ toàn cầu tại Viện Baker của Đại học Rice, đồng thời là cựu nhà phân tích và quản lý tại Cục Tình báo Trung ương, cho biết: "Hoạch định chính sách khi bạn đang tức giận luôn luôn là một ý tưởng tồi".
Các quốc gia OPEC cũng có thể đáp trả theo những cách khác.
Ví dụ, vào năm 2019, Ả Rập Xê-út đã đe dọa bán dầu của mình bằng các loại tiền tệ khác chứ không phải USD nếu Washington thông qua một phiên bản của dự luật NOPEC. Nếu làm vậy, vị thế của đồng tiền dự trữ chính của thế giới sẽ bị suy yếu vị thế, làm giảm ảnh hưởng của Washington trong thương mại toàn cầu và cũng làm suy yếu khả năng thực thi các lệnh trừng phạt đối với các quốc gia.
Vương quốc này cũng có thể quyết định mua ít nhất một số vũ khí từ các quốc gia khác ngoài Mỹ, giáng đòn vào một hoạt động kinh doanh béo bở của các nhà thầu quốc phòng Mỹ.
Ngoài ra, Ả Rập Xê-út và các nhà sản xuất dầu khác có thể hạn chế các khoản đầu tư của Mỹ vào quốc gia của họ hoặc chỉ đơn giản là tăng giá dầu bán vào Mỹ để làm suy yếu mục tiêu cơ bản của dự luật.
Paul Sullivan, nhà phân tích Trung Đông và là thành viên cấp cao không thường trú tại Trung tâm Năng lượng Toàn cầu của Hội đồng Đại Tây Dương, cho biết Mỹ và các đồng minh đang phải đối mặt với những thách thức lớn trong việc đảm bảo nguồn cung năng lượng đáng tin cậy.
Nhóm vận động hành lang dầu mỏ hàng đầu của Mỹ, Viện Dầu khí Mỹ, cũng đã phản đối dự luật NOPEC, nói rằng nó có thể gây tổn hại cho các nhà sản xuất dầu khí trong nước.
Có một điều đáng quan ngại là luật của NOPEC cuối cùng có thể dẫn đến việc OPEC sản xuất quá mức, đưa giá xuống thấp đến mức các công ty năng lượng của Mỹ gặp khó khăn trong việc thúc đẩy sản lượng. Ả Rập Xê-út và các nước OPEC khác có một số nguồn dự trữ rẻ nhất và dễ sản xuất nhất thế giới.
Một làn sóng dầu từ các nhà sản xuất OPEC, ngay cả vào thời điểm lo ngại về nguồn cung của Nga, "có thể làm lạnh đi hoạt động khoan dầu của Mỹ, có khả năng gây rủi ro cho cả an ninh năng lượng trong nước và phục hồi kinh tế trong nước", ClearView Energy Partners, một nhóm nghiên cứu phi đảng phái cho biết trong một ghi chú cho khách hàng.