"Mọi thứ đều có một vết nứt, đó chính là cách ánh sáng len lỏi vào", đó chính là những gì các chuyên gia nhận thấy về diễn biến của thị trường tài chính hiện tại. Sau sự ảm đạm hồi quý IV năm 2018, các chuyên gia rõ ràng đã cảm thấy rất hoang mang. Tuy nhiên, có lẽ các nhà đầu tư đã nhìn thấy một chút tươi sáng ở thời điểm này, khi nền kinh tế Mỹ đã "thoát" ra khỏi những dấu hiệu của suy thoái.
Điều quan trọng là, trong khi các kinh tế gia của Citi tin rằng tăng trưởng kinh tế Mỹ có thể sẽ chậm lại vào năm 2019, có thể với tốc độ khoảng 2% vào cuối năm, thì họ vẫn coi đây chỉ là tình trạng giảm tốc và không phải là "khởi nguồn" cho sự suy thoái (diễn ra khi hai quý liên tiếp chạm mức tăng trưởng âm).
Rõ ràng có rất nhiều điểm dữ liệu kinh tế có thể chứng minh rằng kinh tế Mỹ sẽ không rơi vào khủng hoảng, nhưng dưới đây là 3 chỉ số kinh tế đặc biệt quan trọng, đó là: đường cong lợi suất, số lượng đề nghị trợ cấp thất nghiệp và điều kiện tín dụng cho các công ty thương mại và công nghiệp.
Đường cong lợi suất cho thấy chứng khoán có thể khởi sắc
Đường cong lợi suất thể hiện sự chênh lệch giữa trái phiếu ngắn hạn và trái phiếu dài hạn. Ví dụ, lãi suất trái phiếu 10 năm của kho bạc Mỹ thường cao hơn lãi suất của trái phiếu 2 năm, bởi các nhà đầu tư phải chịu nhiều rủi ro hơn khi nắm giữ trái phiếu dài hạn (vì lạm phát có thể khiến lợi nhuận sụt giảm theo thời gian).
Tuy nhiên, khi đường cong lợi suất đảo ngược có nghĩa là lãi suất của trái phiếu 2 năm cao hơn trái phiếu 10 năm. Việc này không hay xảy ra, nhưng nếu nó đến thì thị trường chứng khoán có thể sẽ chạm đỉnh vào khoảng 10 tháng sau đó và 6 tháng sau "cơn bão" suy thoái sẽ ập đến.
Ngoài ra, đường cong lợi suất thực tế vẫn cao hơn mức âm, với mức chênh lệch khoảng 19 điểm cơ bản. Thị trường chứng khoán có xu hướng đạt đỉnh sau khi đường cong lợi suất đảo ngược chứ không phải trước đó, nên các chuyên gia cho rằng thị trường có thể sẽ khởi sắc từ thời điểm này. Nếu nhìn lại những lần đường cong lợi suất đảo ngược, thì S&P 500 đã đạt mức lợi nhuận 19,7% trước khi chạm đỉnh.
Số lượng đề nghị trợ cấp thất nghiệp cho thấy thị trường lao động vẫn rất khả quan
Đề nghị trợ cấp thất nghiệp là một trong những chỉ số kinh tế hàng đầu, được cập nhật rất nhanh và báo cáo mới đây nhất được công bố hôm thứ Năm tuần trước. Nó cũng cực kỳ chính xác vì người Mỹ có xu hướng đến các sở trợ cấp thất nghiệp để xin trợ cấp.
Nếu nền kinh tế đang bước vào giai đoạn suy thoái, thì số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp sẽ tăng lên khi các nhà tuyển dụng bắt đầu sa thải nhân viên. Trên thực tế, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp ở Mỹ đang ở mức thấp gần nhất trong 50 năm và giảm 3000 đơn xuống còn 213 nghìn. Nếu con số này leo thang, thì thị trường nên cảm thấy lo ngại, còn bây giờ nó lại cực kỳ thấp và ổn định.
Điều kiện tín dụng cho các công ty thương mại và công nghiệp đều có dấu hiệu tăng trưởng
Dù không nhận được nhiều sự chú ý, nhưng Khảo sát tình trạng cho vay của ngân hàng của Cục Dự trữ Liên bang (SLOS) là một trong những cuộc khảo sát về tương lai rất hữu ích đối với giới đầu tư. Với hệ thống ngân hàng đóng vai trò là hệ thống "đầu não" của nền kinh tế, các hoạt động cho vay lành mạnh là chìa khóa cho tăng trưởng kinh tế. Nhìn lại năm 2008, khi điều kiện tín dụng đóng băng, nước Mỹ đã trải qua cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất trong lịch sử.
May mắn là, điều kiện tín dụng cho các công ty thương mại và công nghiệp vẫn tình trạng phù hợp, các ngân hàng sẵn sàng mở rộng khoản tài trợ cho các doanh nghiệp đi vay. Có những ý kiến cho rằng điều kiện tín dụng không được thắt chặt có thể sẽ gây ra "núi" nợ kỷ lục đối với các doanh nghiệp phi tài chính và khiến tốc độ tăng trưởng chậm lại. Nhưng thực tế là, nó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong tương lai với các điều kiện tín dụng cho các công ty thương mại và công nghiệp dẫn đầu GDP thực tế khoảng 9 tháng.
Các chuyên gia thừa nhận rằng những rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế có thể đang chìm ở bên dưới, đặc biệt tình trạng chính phủ đóng cửa vẫn chưa có dấu hiệu khả quan hơn. Dẫu vậy, hầu hết các dấu hiệu đều thể hiện rằng sự suy thoái vẫn chưa đến với Mỹ, đặc biệt là Fed ngày càng ngập ngừng về việc nâng lãi suất trong tương lai.