Chỉ còn 3 phiên giao dịch nữa là kết thúc năm 2020. TTCK từ "địa ngục" đã hồi sinh một cách ngoạn mục khiến dòng tiền ồ ạt đổ vào thị trường. Đã có một sự chuyển dịch nhẹ từ tài khoản tiết kiệm và dòng tiền nhàn rỗi sang kênh chứng khoán khiến nhiều nhà đầu tư mới – được nhắc đến với khái niệm "nhà đầu tư F0" – cứ mua là thắng. Dòng tiền mạnh đến nỗi tất cả giới phân tích đều phải "sửa sai" bằng cách nâng giá mục tiêu (target price) liên tục trong danh mục theo dõi bởi cổ phiếu liên tục phá đỉnh.
Câu hỏi thị trường đặt ra ở thời điểm nhạy cảm khi VN-Index tiến gần đến các mốc kháng cự 1.100 điểm rằng thị trường đã đạt đến đỉnh hưng phấn chưa và dòng tiền của các nhà đầu tư F0, những người chưa từng nếm trải cảm giác mất mát vì thị trường chứng khoán đang say men chiến thắng, khi nào sẽ dừng lại.
Dưới đây là câu trả lời của lãnh đạo ngành chứng khoán tại sự kiện công bố Top 10 sự kiện chứng khoán nổi bật năm 2020 do CLB Nhà báo chứng khoán tổ chức về cơ hội của thị trường thời gian tới.
Ông Vũ Bằng, Thành viên Tổ tư vấn Chính phủ, nguyên Chủ tịch UBCK Nhà nước: Dòng vốn rẻ của quốc tế và của VN tiếp tục được duy trì ít nhất đến giữa năm sau
Chúng ta đã trải qua bong bóng tài chính giai đoạn 2010-2011, cách đây mấy tháng đã có ý kiến của chuyên gia đặt vấn đề về bong bóng bất động sản, tài chính và đề xuất nhiều giải pháp quyết liệt để tránh đổ vỡ ảnh hưởng đến hệ thống và nền kinh tế. Khi đó Bộ Tài chính và UBCK kịp thời có báo cáo, Tổ tư vấn Thủ tướng họp ngay và có báo cáo riêng gửi Thủ tướng. Thời điểm đó, khi đánh giá giữa kinh tế thực và ảo tôi cho rằng nên xem xét một cách khách quan, vì nhiều nguyên nhân.
TTCK của chúng ta đã xuống khá sâu từ 2019, sau cú giảm do Covid thì hồi phục lại là bình thường. Bên cạnh đó, không có kênh đầu tư nào vào, do đó chúng ta chưa nên vội vã coi là bong bóng và đưa ra giải pháp hành chính, nên xem xét đánh giá thống kê dòng tiền vào thị trường từ margin, ngân hàng, dòng vốn nước ngoài để có nhìn nhận chính xác hơn.
Chúng ta đánh giá kinh tế thực của Việt Nam hậu chống Covid, kinh tế vẫn tăng trưởng dương, cán cân xuất nhập khẩu tốt thì giá đồng tiền tương đối ổn định là hậu thuẫn cho TTCK phát triển. Tính năng động, thích nghi chuyển dịch của DN Việt Nam khá tốt. Tôi cho rằng trong những năm qua nền kinh tế đạt được thế lực tốt hơn trước nhiều, từ nợ công giảm dần, nợ xấu được xử lý, ổn định tỷ giá, dự trữ ngoại hối gia tăng, huy động vốn phát triển, kết nối nền kinh tế toàn cầu, dịch chuyển dòng vốn quốc tế.. Cơ thể có sự tích luỹ tốt hơn nên sự chống đỡ cũng tốt hơn, do đó, sự phục hồi cũng có nguyên nhân thực của nó. Nó có ảo hay không thì không nên giám sát chặt, mà vẫn duy trì chính sách dòng tiền từ ngân hàng vào chứng khoán, không thắt hơn và không nới ra để tiếp tục theo dõi.
Riêng với tình hình thị trường hiện nay, chúng ta thực hiện được hai mục tiêu kép, ổn định kinh tế và kiểm soát được lạm phát. Đặc biệt, các giải pháp của Chính phủ trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, thanh khoản của hệ thống ngân hàng tăng, lãi suất giảm, đặc biệt Chính sách của Chính phủ hướng vào cầu thị trường nội địa là trụ cột quan trọng để duy trì đà tăng trưởng kinh tế.
Ngoài ra việc thúc đẩy đầu tư công, giảm thiểu thủ tục hành chính, đổi mới môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng chính phủ điện tử, Chính phủ có chương trình và kế hoạch tổng thể quốc gia về đổi mới sáng tạo và tăng năng suất…đấy là yếu tố quan trọng để phát triển trong năm tới.
Tôi cho rằng sang năm 2021 vẫn có dư địa phát triển tốt hơn. Covid sẽ còn khó khăn, tuy nhiên nghiên cứu vaccine là tín hiệu rất tốt. Covid làm ngành công nghệ phát triển rất mạnh, ngành công nghệ dẫn dắt thị trường toàn cầu sẽ tác động đến Việt Nam. Đấy là yếu tố rất quan trọng để phục hồi kinh tế thế giới, phục hồi TTCK các nước. Dòng vốn rẻ của quốc tế và của VN vẫn tiếp tục được duy trì ít nhất đến giữa năm sau, hỗ trợ sức cầu phát triển thị trường.
Có điểm cần lưu ý, khi Covid được xừ lý tốt hơn sẽ khiến Chính phủ các nước giảm dần các gói cứu trợ, với gói tiền rẻ như vậy nợ quốc gia, nợ công và nợ DN gia tăng, bộc lộ các vấn đề nợ xấu. Khi đó, mặt bằng lãi suất sẽ có sự điều chỉnh và dòng tiền sẽ quay đầu, khi đó nhà đầu tư cần cân nhắc sử dụng đòn bẩy tài chính thận trọng hơn.
Về dòng vốn nước ngoài vào thị trường cho vay với lãi suất thấp thì chúng ta không cản trở họ được, về phía Uỷ ban và Bộ Tài chính vẫn có các giải pháp thúc đẩy đầu tư nước ngoài. Chúng ta không nên có giải pháp hành chính ngăn chặn mà vẫn hoan nghênh dòng vốn đó, có chăng là điều chỉnh cung cầu trong nền kinh tế và công tác tuyên truyền giáo dục để nhà đầu tư có bản lĩnh hơn.
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, CEO VnDirect: 5 triệu tỷ đồng tiền gửi dân cư trong hệ thống ngân hàng nhưng lượng tiền tham gia TTCK vẫn còn rất hạn chế
VnDirect ghi nhận lượng nhà đầu tư mở tài khoản tăng đột biến. Nguyên nhân là do trong đại dịch Covid, hầu hết các giao dịch trên mạng đều bùng nổ, chúng tôi ghi nhận ngành chứng khoán bùng nổ giao dịch online. Thứ hai, VnDirect tập trung vào hoạt động bán lẻ và chúng tôi nhìn nhận cơ hội rất lớn trên TTCK Việt Nam khi chúng ta có tới 50 triệu tài khoản ngân hàng nhưng chỉ có 2,7 triệu tài khoản giao dịch chứng khoán, thậm chí theo báo cáo đến hết tháng 9/2020 số tài khoản chứng khoán active trên thị trường chỉ khoảng 290.000 tài khoản. Trong khi đó, số tiền gửi dân cư hơn 5 triệu tỷ đồng tại hệ thống ngân hàng nhưng số tiền tham gia giao dịch chứng khoán còn rất hạn chế.
Thời gian qua các nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán, giao dịch mang tính chất ngắn hạn (đầu cơ) sẽ không bền vững, vì vậy với VND chúng tôi triển khai tư vấn hướng các nhà đầu tư có chiến lược đầu tư dài hạn hơn và phân bổ đều thu nhập của họ hàng tháng vào danh mục chứng khoán tuỳ theo khẩu vị rủi ro. Với cách đầu tư như vậy, NĐT có lợi nhuận an toàn hơn, tránh được rủi ro. Có thể cơ hội siêu lợi nhuận không cao, nhưng việc tham gia thị trường bền vững hơn nhiều.
Chúng tôi ghi nhận thấy vì lãi suất thấp nên các nhà có nhu cầu chuyển sang các kênh đầu tư khác thay vì gửi tiết kiệm. Nhưng làm thế nào để tham gia thị trường một cách bền vững, chúng tôi nghĩ rằng có nhiều chiến lược đầu tư khác nhau. Để TTCK hấp thụ được lượng tiền của các NĐT cá nhân chuyển sang TTCK một cách bền vững, một trong những việc quan trọng hàng đầu là phải nâng cao nhận thức để NĐT đánh giá được rủi ro của mình và lựa chọn cho mình chiến lược đúng đắn, không chỉ tham gia TTCK coi như chiếu bạc đánh lên đánh xuống mà tham gia TTCK dài hạn.
Tôi cho rằng thị trường sẽ tiếp tục đi lên trong thời gian tới, quan trọng là cách thức chúng ta đào tạo nâng cao nhận thức của NĐT.
Ông Nhữ Đình Hoà, CEO CTCK Chứng khoán Bảo Việt: Để ý dòng vốn rẻ từ các CTCK ngoại
UBCK có thời điểm rất lo ngại khi thị trường xuống, không ai nghĩ rằng thị trường thăng hoa như thế này.
Chúng ta thấy tiền rẻ đổ vào TTCK và theo quy luật, chỗ nào có lợi nhuận thì dòng tiền chuyển về. Câu chuyện TTCK Việt Nam không khác với thị trường nước ngoài bởi TTCK quốc tế cũng có sự tăng trường mặc dù Covid khiến kinh tế khá khó khăn.
Dòng tiền ở VN bên cạnh yếu tố do lãi suất của ngân hàng giảm, TTCK Việt Nam thu hút được luồng tiền từ các quỹ ETF nội và dòng vốn từ các CTCK ngoại được chảy vào khá nhiều.
Tôi nghĩ rằng dư nợ margin cuối quý 3 đâu đó khoảng trên 10.000 tỷ của các CTCK ngoại, chiếm 20-25% dư nợ toàn thị trường. Với xu thế trong tương lai (3-6 tháng tới) khi Việt Nam chịu áp lực nâng giá đồng nội tệ thì xu hướng này tạo thuận lợi cho dòng vốn ngắn hạn từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, là các thị trường có lượng vào VN nhiều nhất. Đó là điểm lợi cho các NĐT được vay margin khá rẻ, đây là sự cạnh tranh giữa CTCK nội và ngoại và các CTCK ngoại đang "đá" CTCK nội dần ra khỏi top 10.
Ở góc độ khác tôi nghĩ rằng câu chuyện này cần có quản lý nhà nước về luồng tiền vào dễ như vậy có ảnh hưởng gì đến sự ổn định của thị trường hay không. Đâu đó ở góc độ quản lý cần phải đảm bảo sự ổn định của thị trường thời gian tới.