'Liều thuốc' 7000 tỷ USD cứu kinh tế toàn cầu giữa dịch Covid-19: Mỹ chi tiền mạnh tay nhất lịch sử, các nước ở tâm dịch châu Âu phản ứng ra sao?

30/03/2020 01:09
Theo CNN thống kê, hàng loạt quốc gia như Hoa Kỳ, các nước châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc... gần đây đã tiết lộ kế hoạch cứu trợ nền kinh tế toàn cầu khỏi chìm sâu vào suy thoái, với tổng giá trị lên tới 7.000 tỷ USD và vẫn còn chưa dừng lại.

Các nhà lãnh đạo G20 - đại diện cho nhóm nền kinh tế lớn nhất thế giới - hôm thứ Năm (26/3) đã tuyên bố rằng họ sẵn sàng làm "bất cứ điều gì" để giảm thiểu thiệt hại kinh tế và khôi phục tăng trưởng toàn cầu. "Tầm quan trọng và phạm vi của các phản ứng này sẽ đưa nền kinh tế toàn cầu trở lại quỹ đạo, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân" - các nhà lãnh đạo nói trong một tuyên bố chung. Họ cũng cam kết gói kích thích kinh tế trị giá 5.000 tỷ USD.

Ở phạm vi quốc gia, các nền kinh tế chịu khủng hoảng mạnh giữa đại dịch Covid-19 cũng có những động thái đầu tiên để giảm thiểu thiệt hại. Phản ứng của các chính phủ trong đại dịch này được đánh giá là nhanh nhẹn và rộng khắp chưa từng thấy.

Mỹ thông qua gói cứu trợ kinh tế lớn nhất lịch sử trị giá 2.000 tỷ USD với hi vọng "phục hồi ngoạn mục"


Tổng thống Donald Trump vào trưa thứ Sáu (27/3) đã ký ban hành gói cứu trợ kinh tế lớn nhất lịch sử Mỹ, chi 2.000 tỷ USD để để ứng phó với đại dịch Covid-19. Nhờ đó, chính phủ sẽ có thể cấp tiền và trợ cấp thất nghiệp cho người dân, chuyển tiền đến các tiểu bang và thiết lập quỹ cứu trợ dành cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng trong mùa dịch.

Để đánh dấu cột mốc đáng nhớ này, Tổng thống cảm ơn "Đảng Dân chủ và Cộng hòa đã kề vai sát cánh và đặt nước Mỹ lên trên hết", đồng thời hi vọng gói cứu trợ sẽ dọn đường cho quá trình phục hồi kinh tế. 'Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ có một sự hồi phục ngoạn mục" - ông Trump tuyên bố.

Liều thuốc 7000 tỷ USD cứu kinh tế toàn cầu giữa dịch Covid-19: Mỹ chi tiền mạnh tay nhất lịch sử, các nước ở tâm dịch châu Âu phản ứng ra sao? - Ảnh 1.

Tổng thống Trump ký luật ban hành gói kích thích kinh tế ngày 27/3 (Ảnh: AP)

Theo luật mới, hàng triệu người Mỹ có thu nhập dưới 75.000 USD sẽ được cấp trực tiếp 1.200 USD và thêm 500 USD cho mỗi trẻ em. Trợ cấp thất nghiệp sẽ được nới rộng thêm 13 tuần. Ngoài ra, đây là lần đầu tiên giới lao động tự do và công nhân hợp đồng, thời vụ ở Mỹ được nhận tiền hỗ trợ.

Biện pháp cứu trợ còn cung cấp khoản vay trị giá 375 tỷ USD cho các doanh nghiệp nhỏ, bên cạnh khoản vay 500 tỷ USD cho các công ty lớn gặp khủng hoảng (bao gồm các hãng hàng không). Ngoài ra 100 tỷ USD sẽ chuyển đến cho các bệnh viện ở tuyến đầu chống dịch.

Liều thuốc 7000 tỷ USD cứu kinh tế toàn cầu giữa dịch Covid-19: Mỹ chi tiền mạnh tay nhất lịch sử, các nước ở tâm dịch châu Âu phản ứng ra sao? - Ảnh 2.

Thành phố New York vốn luôn sầm uất đã trở nên vắng lặng sau lệnh trú ẩn tại nhà

Luật cứu trợ kinh tế của chính phủ Trump ban hành giữa lúc nước Mỹ ghi nhận hơn 100.000 ca nhiễm Covid-19. Song song đó, hàng trăm triệu người đang trải qua thời gian cách biệt xã hội chưa từng có tiền lệ: Không đi làm, không đi học, không ra khỏi nhà trừ một số trường hợp cần kíp.

Vương quốc Anh "làm mọi điều có thể" với khoản cứu trợ 398 tỷ USD

Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak cho biết chính phủ đã dành 330 tỷ bảng (~ 398 tỷ USD) cho các khoản vay đối với các doanh nghiệp. "Chúng ta sẽ bảo đảm công việc của người dân, giúp đỡ duy trì thu nhập và hoạt động kinh doanh... Chúng ta sẽ làm mọi thứ cần thiết. Nghĩa là bất kỳ doanh nghiệp nào cần tiền mặt đều có thể nhận khoản vay được chính phủ hỗ trợ".

Bộ trưởng Sunak nói thêm, gói cứu trợ gần 400 tỷ USD mà chính phủ vừa ban hành là "không tưởng" cách đây vài tuần. Tuy nhiên, ông nhìn nhận nền kinh tế đang "trong tình trạng khẩn cấp" không kém gì sức khỏe cộng đồng. Ông Sunak trấn an chính phủ sẽ tiếp tục hỗ trợ những lĩnh vực chịu thiệt hại nặng nhất trong nền kinh tế, bằng những biện pháp như miễn thuế hay cấp tiền mặt.

Hiện giờ, các doanh nghiệp nhỏ có thể được hỗ trợ tới 25.000 bảng Anh để sống sót qua cơn khủng hoảng. Ngoài ra, Bộ trưởng Sunak cho biết Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) - đơn vị chịu áp lực nặng nề suốt nhiều tuần qua và đối mặt nguy cơ quá tải - sẽ nhận được "bất kỳ nguồn lực nào" mà họ cần.

Liều thuốc 7000 tỷ USD cứu kinh tế toàn cầu giữa dịch Covid-19: Mỹ chi tiền mạnh tay nhất lịch sử, các nước ở tâm dịch châu Âu phản ứng ra sao? - Ảnh 3.

Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak (trái) và Thủ tướng Boris Johnson trong một cuộc họp báo về ứng phó dịch Covid-19 (Ảnh: Getty)

Chính phủ Anh từng bị chỉ trích vì dè dặt ban hành các biện pháp kiểm soát so với nhiều nước châu Âu khác. Trường học vẫn mở và các cơ sở kinh doanh vẫn hoạt động, dù Anh đã trở thành vùng dịch lớn thứ 5 ở lục địa già sau Italy, Tây Ban Nha, Đức, Pháp - với hơn 14.000 người nhiễm virus và hàng trăm người tử vong.

Cho đến ngày 24/3, Thủ tướng Boris Johnson mới khẳng định cần có "những biện pháp quyết liệt" để khống chế dịch. "Chúng ta có lẽ phải hành động nhanh hơn và mạnh mẽ hơn trong nhiều ngày tới". Dù đã xác nhận nhiễm Covid-19 vào ngày 27/3, Thủ tưởng Johnson khẳng định sẽ tiếp tục lãnh đạo công tác chống dịch ở xứ sở sương mù.

Hai quốc gia bị virus tấn công mạnh nhất châu Âu cũng bơm hàng tỷ USD, nhưng chưa đủ

Italy và Tây Ban Nha đều là hai quốc gia giàu có và có nền y tế hàng đầu thế giới, tuổi thọ trung bình của người dân cao vượt trội. Tuy nhiên, đây cũng là các ổ dịch lớn nhất châu Âu. Italy có hơn 86.000 người nhiễm Covid-19 và hơn 9.100 người tử vong (cao nhất thế giới). Tây Ban Nha có gần 66.000 bệnh nhân và hơn 5.100 ca tử vong (cao thứ nhì thế giới). Hai quốc gia bên bờ Địa Trung Hải cũng siết chặt lệnh phong tỏa suốt nửa tháng nay, khiến nền kinh tế vốn trên bờ vực suy thoái lại càng chao đảo hơn.

Để giảm bớt thiệt hại, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã công bố gói cứu trợ trị giá hơn 200 tỷ Euro (~ 219 tỷ USD), bao gồm cung cấp các khoản vay, tín dụng, viện trợ trực tiếp cho hàng loạt doanh nghiệp và người lao động. Khoản cứu trợ này tương đương với 20% GDP quốc gia.

Italy cũng thông qua khoản viện trợ kinh tế 25 tỷ Euro (~ 28 tỷ USD). Trong lúc đó, hàng loạt biện pháp phong tỏa đã được áp dụng tại đất nước 60 triệu dân từ ngày 9/3; bao gồm đóng cửa trường học, cửa hiệu, nhà hàng và các điểm thi đấu thể thao, người dân phải trú ẩn ở nhà suốt hầu hết thời gian. Điều này khiến mọi hoạt động kinh tế gần như bị đóng băng.

Liều thuốc 7000 tỷ USD cứu kinh tế toàn cầu giữa dịch Covid-19: Mỹ chi tiền mạnh tay nhất lịch sử, các nước ở tâm dịch châu Âu phản ứng ra sao? - Ảnh 4.

Dịch bệnh tấn công mạnh mẽ nhất vào vùng phía Bắc - trái tim kinh tế của Italy (Ảnh: AP)

Gói cứu trợ 25 tỷ USD là một biện pháp khẩn cấp, giúp tạm đình chỉ các khoản nợ, thế chấp của doanh nghiệp và hộ gia đình. Ngoài ra, chính phủ còn hỗ trợ các doanh nghiệp trả lương cho người lao động đang phải nghỉ việc vì lệnh phong tỏa.

"Đây là một gói cứu trợ có sức nặng" - Thủ tướng Italy Giuseppe Conte cho biết. Tuy nhiên ông cũng thừa nhận "chưa từng nghĩ phải đối phó với trận lũ lụt bằng chổi lau sàn và xô hứng nước như thế này". Thủ tướng Conte và chính phủ Italy hiểu rõ khoản cứu trợ nói trên là chưa đủ để chữa lành nền kinh tế bị tổn thương nghiêm trọng và đang gấp rút thảo luận để đưa ra những biện pháp tiếp theo.

Trung Quốc thận trọng khởi động lại nền kinh tế sau 2 tháng kiềm tỏa

Đến nay, Trung Quốc đã công bố ít nhất 116,9 tỷ nhân dân tệ (~ 16,4 tỷ USD) tiền cứu trợ và kích thích tài chính, cộng với 800 tỷ nhân dân tệ (~ 112,5 tỷ USD) giảm thuế phí. Nhưng nếu cần thiết, nước này rất có thể sẽ chi hàng nghìn tỷ USD và vay nợ khổng lồ để củng cố nền kinh tế.

Sau thời gian phong tỏa hàng loạt thành phố, Trung Quốc đang vừa tái khởi động nền kinh tế khổng lồ, vừa cảnh giác với nguy cơ bùng phát dịch lần thứ hai. Theo CNN, các động thái của Trung Quốc sẽ là bài học kinh nghiệm cho các nước khác về việc cân bằng giữa phong tỏa, chặn dịch lây lan với đảm bảo nền kinh tế không bị suy thoái nghiêm trọng, khiến hàng triệu người mất việc. Các chuyên gia phân tích từ ngân hàng đầu tư Goldman Sachs dự báo GDP Trung Quốc có thể giảm 9% vào quý đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm trước.

Liều thuốc 7000 tỷ USD cứu kinh tế toàn cầu giữa dịch Covid-19: Mỹ chi tiền mạnh tay nhất lịch sử, các nước ở tâm dịch châu Âu phản ứng ra sao? - Ảnh 5.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ là động lực thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế Trung Quốc, và chính phủ đang cố gắng "hồi sức" cho họ hậu phong tỏa

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang cứu vãn tình thế bằng những chính sách và chiến dịch mạnh mẽ để thúc giục người lao động trở lại làm việc, khuếch trương tâm lý tự tin của các doanh nghiệp và cố gắng bảo vệ những công ty khỏi nguy cơ sụp đổ.

Bên cạnh hàng tỷ USD mà Bắc Kinh đã chi trả cho thiết bị y tế và việc chữa trị, chính phủ đang và sẽ tiếp tục bơm tiền vào các dự án cơ sở hạ tầng để tạo ra công ăn việc làm. Chính phủ cũng giảm thuế cho những doanh nghiệp nhỏ, yêu cầu các ngân hàng gia hạn khoản vay cho hộ gia đình hay công ty để giúp họ vượt qua những tháng ngày ảm đạm này.

Liều thuốc 7000 tỷ USD cứu kinh tế toàn cầu giữa dịch Covid-19: Mỹ chi tiền mạnh tay nhất lịch sử, các nước ở tâm dịch châu Âu phản ứng ra sao? - Ảnh 6.

Người Bắc Kinh trong ngày làm việc 12/3

Trung Quốc nhấn mạnh vào khả năng phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế. Hãng thông tấn Tân Hoa Xã vào cuối tháng 2 đã gọi tập đoàn Mỹ Tesla là một biểu tượng cho thấy "sự tự tin của các công ty nước ngoài đối với Trung Quốc". Trước đó, hãng sản xuất xe điện này đã mở cửa lại nhà máy ở Thượng Hải cũng như thông báo các kế hoạch mở rộng sản xuất.

Nhật Bản khẩn trương hơn cả thời khủng hoảng tài chính 2008

Chính phủ Nhật Bản sẽ xem xét gói kích thích kinh tế trong những tuần tới, có thể chi 30.000 tỷ yên (~ 272,2 tỷ USD) để phát tiền cho người dân và cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ngân hàng Nhật Bản cho biết họ sẽ tăng tỷ lệ tăng quy mô mua chứng chỉ quỹ hoán đổi danh mục (ETF) thêm 6.000 tỷ yên (~ 55 tỷ USD) và tăng tỷ lệ mua hàng năm của quỹ tín thác đầu tư bất động sản lên 90 tỷ yên (~ 822 triệu USD). Họ cũng nâng hạn mức mua lại thương phiếu và trái phiếu doanh nghiệp lên 2.000 tỷ yên (~ 18 tỷ USD).

Nằm kế cận với những ổ dịch lớn của châu Á là Trung Quốc và Hàn Quốc, nhưng Nhật Bản vẫn không phải là điểm nóng toàn cầu về số ca bệnh. Tuy vậy, sự việc du thuyền Diamond Princess bị cách ly và Thế vận hội Tokyo 2020 bị hoãn đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh cũng như nền kinh tế Nhật.

Hơn nữa, số ca nhiễm nội địa đang có dấu hiệu tăng lên. Thủ tướng Shinzo Abe ngày 28/3 cho biết: "Không giống như châu Âu và Mỹ, Nhật Bản gần như chưa chứng kiến đợt bùng phát mạnh. Tuy nhiên, nếu chúng ta buông lỏng cảnh giác, chuỗi lây nhiễm có thể sẽ xảy ra bất kỳ lúc nào. Mọi người cần ghi nhớ rằng đây là một cuộc chiến trường kỳ".

Liều thuốc 7000 tỷ USD cứu kinh tế toàn cầu giữa dịch Covid-19: Mỹ chi tiền mạnh tay nhất lịch sử, các nước ở tâm dịch châu Âu phản ứng ra sao? - Ảnh 7.

Thủ tướng Shinzo Abe phát biểu ngày 28/3 (Ảnh: AFP-JIJI)

Theo Japan Times, tuyên bố mới đây của ông Abe cho thấy sắc thái đáng lo ngại sau khi số ca nhiễm Covid-19 tăng lên khắp cả nước, riêng Tokyo có thêm 60 người nhiễm vào ngày 27/3.

Nhật Bản đã thông qua gói ngân sách kỷ lục 102.660 tỷ yên (~ 951,3 tỷ USD) cho năm tài khóa 2020, cao hơn cả gói kích thích kinh tế trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Chính phủ cho biết sẽ tập trung vào hỗ trợ tiền mặt cho các hộ gia đình, mở rộng cho vay không lãi suất, không thuế chấp đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thủ tướng Abe cũng để ngỏ khả năng cứu trợ nền kinh tế mạnh mẽ hơn sau dịch bệnh, bao gồm vực dậy những lĩnh vực bị tấn công mạnh mẽ nhất như du lịch, nhà hàng khách sạn.

(Theo NY Times, CNN, CNBC, Japan Times)

Tin mới

Trừng phạt của phương Tây "như muối bỏ bể", doanh thu từ dầu khí của Nga vẫn tăng đều, dầu Moscow "biến hình" không ngừng chảy vào châu Âu
6 giờ trước
Nga đã tận dụng 3 "lỗ hổng" khiến những lệnh trừng phạt của phương Tây trở nên thất bại.
[Trên Ghế 43] Ông chủ Phê Phượt bày cách phượt bằng ô tô: Đi gì, ăn gì, ở đâu, mấy ngày và làm gì?
7 giờ trước
Xuyên Việt hàng chục lần, anh Đoàn Kiều Dũng có thừa kinh nghiệm để chia sẻ cho những ai đang có ý định phượt bằng ô tô.
"Con làm cha phá" là đây: Nuôi ngan vịt ở Châu Phi không dám ăn, ông Quý vừa sang đã làm 1 việc Quang Linh Vlogs khóc ròng
7 giờ trước
Nam YouTuber ở Việt Nam nhìn thấy cảnh này mà “khóc thét”.
Giá xăng dầu hôm nay 22/11: Đột ngột bật tăng phiên cuối tuần
8 giờ trước
Giá xăng dầu hôm nay 22/11: Giá dầu thô thế giới đột ngột bật tăng trong phiên cuối tuần. Giá dầu WTI và Brent tăng từ 1,3 USD đến 1,4 USD/thùng so với ngày hôm qua 21/11.
GS thắng giải 3 triệu USD của tỷ phú Phạm Nhật Vượng “hiến kế” cho lĩnh vực Việt Nam đứng thứ 3 thế giới
8 giờ trước
Lĩnh vực này có thể mang về nhiều tỷ USD cho Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục

Hàng trăm nghìn tấn báu vật từ Canada đổ bộ Việt Nam với giá rẻ bất ngờ: Chi hàng tỷ USD nhập khẩu, nước ta tiêu thụ 10,4 triệu tấn mỗi năm
1 ngày trước
Nhập khẩu mặt hàng này từ Canada đã tăng mạnh 128% trong 9 tháng đầu năm.
Chỉ mất 3 năm để làm được điều Elon Musk cố gắng suốt 12 năm mới đạt được, Xiaomi làm rung chuyển ngành ô tô toàn thế giới
2 ngày trước
Xe điện của Xiaomi đang khiến cả thế giới ô tô phải bàn tán.
Giá cà phê đã có nhịp điều chỉnh giảm
2 ngày trước
Sau khi tăng vọt vào đầu tuần trước, giá cà phê đã có nhịp điều chỉnh giảm trong phiên giao dịch đầu tuần.
Giải bài toán tài chính cho khách hàng mua biệt thự “mùa cuối năm”
2 ngày trước
Trong bối cảnh thị trường đang ở giai đoạn “thăm dò”, nhiều người mua bất động sản ưu tiên các yếu tố chắc chắn như: pháp lý rõ ràng, chính sách hỗ trợ tài chính tốt…, loạt ưu đãi hấp dẫn từ Eurowindow Twin Parks kích cầu và gia tăng sức hút ở dòng sản phẩm biệt thự song lập đối với khách mua ở thực và giới đầu tư.