Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể là một nhân vật khó đoán định và gây nhiều tranh cãi, song cho đến giờ thì giới lãnh đạo doanh nghiệp vẫn phải thừa nhận rằng sự cầm quyền của ông không hề gây hại cho hoạt động kinh doanh của họ. Thế nhưng vấn đề là họ không nghĩ rằng điều này sẽ kéo dài.
Giới lãnh đạo doanh nghiệp có bao nhiêu lý do để lạc quan thì cũng có ngần ấy mối lo để bận tâm. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong tuần này đã dự đoán kinh tế toàn cầu sẽ tăng tốc lên mức cao nhất trong bảy năm qua khi chính sách cắt giảm thuế của Mỹ khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn, song đồng thời thể chế tài chính này cũng cảnh báo chính phủ các nước cần cảnh giác với nguy cơ xảy ra một cuộc suy thoái tiếp theo.
Chính sách cắt giảm thuế doanh nghiệp từ 35% xuống còn 21% được Tổng thống Mỹ Donald Trump thông qua hồi tháng trước đã khiến nhiều doanh nghiệp, trong đó có "gã khổng lồ" Apple, cho "hồi hương" lợi nhuận ở nước ngoài và tăng đầu tư ở Mỹ, dù giới phê bình cảnh báo rằng chính sách này sẽ làm gia tăng tình trạng bất bình đẳng vì hầu như chỉ đem lại lợi ích cho giới nhà giàu.
Ông Stephen Schwarzman, CEO của tập đoàn đầu tư tài chính Blackstone Group LP và cũng là một cố vấn các chính sách kinh tế cho ông Trump, cho biết nhiều doanh nghiệp trên toàn thế giới hiện đang xem nước Mỹ là "miền đất hứa" trong số các nước phát triển. Đồng quan điểm, ông Tidjane Thiam, CEO của tập đoàn Credit Suisse Group AG, cũng nhấn mạnh rằng các doanh nghiệp đang ngày càng tỏ ra hứng thú với nước Mỹ, mà một trong những minh chứng là thương vụ Ferrero SpA thâu tóm mảng kinh doanh sô-cô-la ở Mỹ của Nestle SA.
Tuy nhiên, nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp khác lại cho rằng những lợi ích từ các điều chỉnh thuế của Mỹ có thể chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Nước Mỹ đã lần đầu tiên rớt khỏi top 10 trong Chỉ số sáng tạo toàn cầu vừa được tờ Bloomberg công bố. Trong khi đó, theo kết quả khảo sát toàn cầu của Công ty quan hệ công chúng Edelman, niềm tin của công chúng Mỹ cũng đang dần sụp đổ, khi nền kinh tế lớn nhất thế giới "đội sổ" trong chỉ số niềm tin của giới có học thức vào các cơ quan và thể chế ở 28 quốc gia.
Là Tổng thống Mỹ đầu tiên tham dự hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) sau lần tham dự của cựu Tổng thống Bill Clinton vào năm 2000, Tổng thống Donald Trump là một nhân vật có sự khác biệt sâu sắc với giới lãnh đạo tham dự Davos 2018, một người chỉ trích kịch liệt tiến trình toàn cầu hóa vốn là điều mà hầu hết mọi người thực sự tin là con đường chắc chắn nhất dẫn đến sự thịnh vượng cho thế giới. Nội dung nghị sự của diễn đàn lần này bao gồm nhiều cuộc thảo luận nghiêm túc về những thách thức toàn cầu mà vị tổng thống Mỹ ngó lơ hay xem thường ra mặt, từ việc khuyến khích hợp tác để chống lại tình trạng kháng kháng sinh đến việc hành động để hạn chế biến đổi khí hậu.
Ông David Rubenstein, nhà đồng sáng lập Carlyle Group, đã tỏ ra ngạc nhiên khi biết Tổng thống Donald Trump sẽ tham dự diễn đàn Davos năm nay, vì đây dường như không phải là nơi phù hợp với vị tổng thống này, khi Davos 2018 được xem là trung tâm của phong trào toàn cầu hóa. Ông Rubenstein cho rằng ông Trump hoặc là sẽ dùng bài diễn thuyết của mình ở Davos để tái khẳng định những quan điểm của mình, hoặc là "phân bua" rằng ông bị hiểu lầm và thực ra ông cũng ủng hộ thương mại tự do.
Một phép thử đối với quan điểm của Tổng thống Donald Trump là tương lai đang bị đe dọa của Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Thủ tướng Canada Justin Trudeau mới đây vừa có bài phát biểu công bố kết quả các cuộc đàm phán Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), thỏa thuận có thể giúp Canada giảm sự phụ thuộc vào quốc gia láng giềng phía nam và cũng là thị trường xuất khẩu lớn nhất của mình. Rút Mỹ khỏi hiệp định này là sắc lệnh hành pháp đầu tiên mà Tổng thống Trump ký ngay sau khi nhậm chức. Số phận của NAFTA là một trong số những điều bất ổn mà nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp tin rằng nếu không có nó thì nền kinh tế toàn cầu sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Ẩn dưới bầu không khí lạc quan bao trùm Davos 2018 là một sự lo lắng rõ nét. Nhiều đại biểu tham dự sự kiện này cho rằng sự lạc quan này có thể là màn dạo đầu mang tính "đánh lạc hướng" cho một cuộc khủng hoảng kinh tế có thể khiến các vấn đề của thế giới diễn biến theo chiều hướng bất ổn hoặc có thể khiến các nước bất ngờ nâng lãi suất. Ông Jes Staley, CEO của Barclays Plc, cảm thấy rằng tình hình hiện tại có phần giống với năm 2006. Giới lãnh đạo ở Phố Wall cũng cảnh báo rằng sự bùng nổ trên các thị trường chứng khoán bây giờ có nhiều nét tương đồng với tình trạng bong bóng diễn ra trước khi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 nổ ra.
Tuy nhiên trước mắt thì một trong những điều khiến giới lãnh đạo doanh nghiệp bận tâm hàng đầu là những rủi ro rất thực của việc đối phó với một vị tổng thống "phi truyền thống" như ông Trump.