1. Tại sao đây là một vấn đề cần quan tâm?
Những tiến bộ trong trí tuệ nhân tạo, hoặc khả năng học hỏi của máy móc bằng cách hấp thụ một lượng lớn dữ liệu đang khiến chúng ta phải nhìn nhận lại về những công việc mà chỉ con người mới có thể làm. Một bài báo năm 2018 của Cục nghiên cứu kinh tế Mỹ đã phát hiện ra một loạt các quan điểm trong bài diễn thuyết công khai, từ các dự đoán đáng báo động về tình trạng thất nghiệp lớn do robot gây ra, cho đến những dự đoán đầy lạc quan về những công việc mới lần đầu xuất hiện. Cũng có lập luận cho rằng quan điểm về việc robot đang dần "ăn cắp" các công việc của con người đang bị thổi phồng. Nhà kinh tế học từng đoạt giải Nobel Paul Krugman gọi việc quy kết cho tự động hóa như vậy là "một vấn đề nhầm lẫn."
2. Những công việc đã thuộc về AI và robot?
Nhân viên thu ngân, nhân viên bán hàng, tiếp thị qua điện thoại, trợ lý, nấu ăn, bồi bàn, nhân viên tiếp tân, nhân viên ngân hàng, nhân viên bảo vệ, phân tích dữ liệu viên, nhân viên khai thuế và lái xe tải là một trong những công việc dễ dàng bị tự động hóa nhất. Một số khác có nguy cơ tiềm ẩn bao gồm bác sĩ phẫu thuật, kế toán và phân tích tài chính. Ngay cả một số bài báo, mẩu tin cũng đang được thực hiện bởi máy móc trong những ngày này, bao gồm cả tại Bloomberg News.
Các công việc đòi hỏi các nhiệm vụ lặp đi lặp lại trong một cấu trúc được thiết lập, chủ yếu trong sản xuất, sẽ là những đối tượng đầu tiên bị ảnh hưởng trực tiếp bởi tự động hóa. Kể từ năm 1980, số công nhân sản xuất ở Mỹ đã giảm một phần ba, xuống còn khoảng 13 triệu, trong khi sản lượng tăng gấp đôi. Các máy móc mới hơn được trang bị tầm nhìn, tính cơ động và khả năng học hỏi và có thể giải quyết được nhiều nhiệm vụ hơn. Ví dụ, một phần mềm phức tạp có thể thực hiện một cuộc nói chuyện điện thoại với khách hàng.
3. Có bao nhiêu công việc chúng ta đang đề cập đến?
Theo một nghiên cứu cho biết, có tới 120 triệu công nhân tại 12 nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể cần phải đào tạo lại trong ba năm tới do hệ quả của trí tuệ nhân tạo và tự động hóa. Một báo cáo trong năm nay của Chương trình Chính sách đô thị của Viện Brookings cho biết có khoảng 36 triệu người Mỹ đang làm công việc dễ dàng bị ảnh hưởng bởi tự động hóa.
Trong một báo cáo năm 2017, McKinsey & Co. dự đoán rằng có tới 14% lực lượng lao động toàn cầu - tương đương với 375 triệu người, sẽ cần phải thay đổi nghề nghiệp vì tự động hóa vào năm 2030. Rất nhiều thứ phụ thuộc vào công nghệ từng tồn tại nhưng vẫn chưa đạt đến thời kỳ hoàng kim, chẳng hạn như phương tiện tự lái. Có khoảng 3,5 triệu tài xế xe tải trong tổng số 160 triệu người của lực lượng lao động Mỹ.
4. Những loại công việc có thể được tạo ra nhờ tự động hóa?
Để xác định các công việc có nguy cơ biến mất bởi công nghệ luôn dễ dàng hơn việc dự đoán các công việc mới sẽ được tạo ra. Trước sự ra đời của internet và điện thoại thông minh, thật khó có thể thấy trước nhu cầu của các nhà thiết kế ứng dụng di động hoặc các chuyên gia truyền thông xã hội, đặc biệt sự xuất hiện của những "YouTube influencer" như một nghề nghiệp được trả hậu hĩnh. Diễn đàn kinh tế thế giới, trong một báo cáo năm 2018, đã xác định chuyên gia máy học, nhà thiết kế tương tác giữa người và máy và chuyên gia chuyển đổi kỹ thuật số là một trong những công việc mới sẽ ra đời và cần nguồn nhân lực..
5. Khi nào tất cả điều này sẽ xảy ra?
Làn sóng đã bắt đầu. Doanh số của robot dịch vụ chuyên nghiệp - những robot sử dụng cho các chức năng phi công nghiệp như hậu cần, kiểm tra và bảo trì - đạt 271.000 đơn vị trong năm 2018, tăng 61% so với năm 2017, theo Liên đoàn Robotics Quốc tế cho biết. Forrester Research Inc. dự đoán rằng tự động hóa sẽ chiếm 10% công việc của Mỹ vào năm 2019, nhưng bù lại 3% trong số đó là những công việc mới như botmaster và người thiết kế giao diện người dùng.
6. Chúng ta có thể làm gì?
Có một điều gần như chắc chắn rằng con người sẽ cần tiếp thu và học hỏi nhiều kiến thức và kỹ năng hơn để bắt kịp sự thay đổi công nghệ, và sẵn sàng chuyển đổi công việc và thậm chí là nghề nghiệp thường xuyên hơn trước. Nguy cơ về người lao động có trình độ học vấn thấp bị tụt hậu có thể gia tăng, từ đó làm trầm trọng hơn sự bất bình đẳng kinh tế.
7. Đây có phải là một hiện tượng toàn cầu?
Có, và một số quốc gia đang hành động gấp rút hơn cả Mỹ để lực lượng lao động của họ sẵn sàng trước những thay đổi. Một báo cáo năm 2018 của Đơn vị Tình báo Kinh tế đã dành điểm số cao nhất cho Hàn Quốc, Đức, Singapore, Nhật Bản và Canada về sự chuẩn bị của họ cho làn sóng tự động hóa thông minh sắp tới. Trong số 25 quốc gia được đánh giá, Mỹ được xếp hạng thứ chín, đứng sau Vương quốc Anh. Mỹ cũng xếp hạng gần giữa trong 20 quốc gia có có nhiều robot nhất trên mỗi công nhân. Con số này ở Mỹ là 217 robot trên mỗi 10.000 công nhân, so với Singapore là 831. "Mật độ robot" là 338 đối với Đức và 140 đối với Trung Quốc, trong khi con số trung bình trên toàn thế giới là 99.
8. Điều gì trong trường hợp này sẽ là một điều tốt?
Lịch sử cho thấy những nỗi sợ hãi tồi tệ nhất rằng máy móc sẽ khiến con người trở nên lỗi thời đều không trở thành hiện thực. Trong một số khu vực, AI và robot được coi là Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sau những biến đổi lớn khác trong thế kỷ 18, 19 và 20. Và trong khi sự dịch chuyển công việc xảy ra trong mỗi làn sóng công nghệ mới, các công việc mới đã xuất hiện để cân bằng lại những gì đã mất đi.
Lo ngại về tình trạng thất nghiệp hàng do công nghệ đã được chứng minh là "cường điệu" xuyên suốt lịch sử, theo các học giả của Đại học Oxford Carl Benedikt Frey và Michael Ostern đã viết trong một bài báo năm 2013. Thay vào đó, tiến bộ công nghệ đã "thay đổi rất nhiều thành phần của việc làm, từ nông nghiệp và cửa hàng thủ công, sang sản xuất và nhân viên, sang các ngành nghề dịch vụ và quản lý", họ viết.
Một cuộc khảo sát của Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã kết luận rằng trong khi 75 triệu việc làm có thể bị thay thế, thì "133 triệu công việc mới có thể xuất hiện phù hợp hơn với sự phân chia lao động giữa con người, máy móc và thuật toán."
9. Điều gì trong viễn cảnh đó bị coi là điều xấu?
Các nhà phê bình cho rằng vòng quay của tự động hóa là khác nhau, bởi vì AI đe dọa không chỉ các công việc thiên về lao động thể chất, mà còn cả các công việc dựa trên tri thức. Darrell West, giám đốc sáng lập của Trung tâm đổi mới công nghệ tại Brookings (đồng thời là tác giả của cuốn: "The Future of Work: Robots, AI and Automation") nói rằng khả năng gây gián đoạn mạnh mẽ lực lượng lao động "nên được xem xét nghiêm túc". Một nghiên cứu từ McKinsey và Đại học Oxford cho thấy 38% công việc dễ bị ảnh hưởng, và có thể phù hợp với biến động của cuộc Đại khủng hoảng.
Tham khảo Bloomberg