Giá đồng CNY trên thị trường đã vượt mốc 7 CNY/USD, lần đầu tiên kể từ sau đại khủng hoảng năm 2008. Động thái này được cho để thúc xuất khẩu và bù đắp một số tác động của thuế quan mà chính quyền Tổng thống Donald Trump áp lên hàng hóa Trung Quốc.
Việc Trung Quốc liên tục hạ giá đồng nội tệ đã khiến Mỹ lên tiếng cáo buộc Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã phản pháo mạnh mẽ, cho rằng đây là hành động cảm tính, không có căn cứ.
Giới chức Trung Quốc nhận thức được rõ ràng về rủi ro đồng Nhân dân tệ giảm giá mạnh bất ngờ sẽ khiến cho nhiều người giàu có rút tiền ra khỏi nước này. Hãng đánh giá rủi ro Eurasia Group nhận định, việc Trung Quốc hạ giá Nhân dân tệ quá mốc 7 CNY/USD đã làm dấy lên lo ngại về chính sách làm yếu nội tệ, gây sức ép lên các đồng tiền khác ở châu Á.
Ông Suan Teck Kin - CEO Bộ phận Kinh tế toàn cầu và Nghiên cứu thị trường Ngân hàng UOB Singapore đánh giá: "Cách đây 23 năm, đóng góp của giá trị xuất khẩu vào tăng trưởng kinh tế Trung Quốc là khoảng 30%, ngày nay thì chỉ còn 18%. Ngay cả khi phá giá đồng tiền sâu hơn thì tác động kích thích tăng trưởng cũng không còn quá lớn nữa.
Đồng thời, Trung Quốc vẫn cần phải nhập khẩu và hạ giá đồng tiền đồng nghĩa với việc họ phải trả nhiều hơn. Trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, rất nhiều quốc gia chọn phá giá tiền tệ để thúc đẩy xuất khẩu nhưng Trung Quốc thì không, đó chính là cách để tạo ra sự ổn định trong thời kỳ đó".
Eurasia Group cũng đồng quan điểm khi cho rằng Bắc Kinh sẽ không để CNY giảm sâu, nhằm ngăn dòng vốn rút ra ồ ạt như đã từng xảy ra vào năm 2015 và 2016.
Về ảnh hưởng của việc phá giá đồng CNY với tỷ giá VND, ông Đinh Đức Quang - Giám đốc Thị trường toàn cầu Ngân hàng UOB Việt Nam trụ sở tại TP.HCM cho biết: "Để có thể thu hút được dòng vốn nước ngoài đầu tư vào thị trường trong nước, một trong số những biện pháp chính phủ rất tập trung, gần như là kim chỉ nam cho tất cả các hoạt động là tạo ra sự ổn định. Khi đã tạo ra được niềm tin cho các nhà đầu tư, dòng vốn FDI, dòng đầu tư gián tiếp, M&A và kiều hối sẽ tạo ra thặng dư cho Việt Nam. Chỉ khi có nguồn thặng dư đó, chính phủ mới có thể xây dựng được nguồn dự trữ ngoại hối, tăng rất mạnh trong những năm vừa rồi.
Dự trữ ngoại hối của Việt Nam cách đây 10 năm chỉ được khoảng 7-8 tỷ USD, hiện nay đã tăng gấp 10 lần. Gần như không có quốc gia nào trong khu vực có tốc đột tăng trưởng dự trữ ngoại hối tốt như Việt Nam.
Đó sẽ gần như là câu trả lời của Chính phủ, của Ngân hàng trung ương Việt Nam cho các nhà đầu tư. Khi họ quan tâm đến Việt Nam, mang vốn vào mở rộng sản xuất kinh doanh, xây dựng nhà máy và tạo ra công ăn việc làm thì Chính phủ cũng sẽ cam kết giữ cho các yếu tố vĩ mô như lạm phát, các vấn đề về tỷ giá, lãi suất ổn định".
Nhóm nghiên cứu của Ngân hàng UOB cho biết họ khá lạc quan vào triển vọng kinh tế của Việt Nam, cho rằng ngay cả khi không có cải cách kinh tế đặc biệt thì Việt Nam cũng sẽ đạt được mức tăng trưởng kinh tế 6,5% nhờ cầu kéo.
Nhóm nghiên cứu có niềm tin rằng Chính phủ và Ngân hàng trung ương sẽ rất kiên định với thông điệp đã đưa ra trên thị trường, và nguồn lực để ổn định tỷ giá là trong tầm tay với nguồn dự trữ ngoại hối đã tăng rất lớn.
"Rõ ràng, sự quan sát của các nhà điều hành về các diễn biến của đồng CNY là có, nhưng chắc chắn chúng ta không bắt buộc phải điều chỉnh tương ứng. Từ đầu năm tới nay, hầu như tỷ giá USD/VND ổn định ở mức 23.200. Với định hướng ngay từ đầu năm mà Ngân hàng nhà nước đưa ra, mức độ giao động khoảng 2% thì tỷ giá lên tới 23.500-23.600 vẫn nằm trong dự báo, và vì thế sẽ không tạo ra các cú sốc" - ông Quang nói thêm.