Theo báo cáo vĩ mô vừa công bố của VNDIRECT, sau khi mất đà tăng trưởng trong quý 3/2021, kinh tế Việt Nam đã nhanh chóng quay trở lại "trạng thái bình thường mới", với tỷ lệ tiêm chủng vaccine cao và từng bước mở cửa nền kinh tế.
VNDIRECT dự báo GDP năm 2022 tăng 7,5% so với cùng kỳ, được thúc đẩy bởi 4 động lực chính: hoạt động sản xuất và xuất khẩu lấy lại đà tăng trưởng; FDI vẫn là điểm sáng trong bối cảnh khó khăn của dịch bệnh; và cầu nội địa phục hồi nhờ gói kích thích kinh tế sắp triển khai.
Bên cạnh đó, báo cáo cũng chỉ ra, rủi ro vĩ mô lớn nhất là áp lực lạm phát gia tăng do cả 2 yếu tố chi phí đẩy và cầu kéo trong năm 2022. Các rủi ro khác bao gồm sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc ảnh hưởng đến xuất khẩu và khả năng xuất hiện của các biến thể mới.
Tổng hợp các dự báo vĩ mô năm 2021 – 2022. Nguồn: VNDIRECT, TCTK, NHNN
Báo cáo nêu rõ, áp lực lạm phát sẽ tăng lên vào năm 2022, vì những lý do như: cầu tiêu dùng nội địa phục hồi và nguồn cung thịt lợn thắt chặt hơn trong nửa cuối năm 2022 có thể khiến chỉ số giá lương thực, thực phẩm tăng đáng kể trong năm tới. Ngoài ra, giá năng lượng dự kiến duy trì ở mức cao vào năm 2022 với dự báo giá dầu thô Brent trung bình ở mức 80 USD/thùng trong năm 2022 (+14,3% so với cùng kỳ).
VNDIRECT cũng kỳ vọng sự phục hồi mạnh mẽ về giao thông, du lịch vào năm 2022 khi Chính phủ nới lỏng các biện pháp giãn cách cách xã hội và nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế từ quý 1/2022. Đây là yếu tố làm tăng chỉ số CPI nhóm giao thông.
Giá nhiều yếu tố đầu vào phục vụ cho sản xuất hàng hóa đã tăng mạnh trong 10 tháng năm 2021 như giá xăng dầu, hóa chất, phân bón, than, sắt thép... Các yếu tố này sẽ được phản ánh vào giá của hàng tiêu dùng vào năm 2022 khi nhu cầu tiêu dùng phục hồi.
Cuối cùng, áp lực lạm phát gia tăng do cung tiền dự kiến sẽ cao hơn và các gói hỗ trợ tài khóa quy mô lớn được thực thi vào năm 2022.
Tuy nhiên, VNDIRECT không quá lo ngại về rủi ro lạm phát trong năm tới do cầu tiêu dùng cần nhiều thời gian để phục hồi hoàn toàn. Bên cạnh đó còn nhờ thành tích kiểm soát lạm phát tốt của Chính phủ trong vài năm qua, qua đó làm giảm lạm phát kỳ vọng. Đáng chú ý, Chính phủ vẫn có những công cụ hiệu quả để kiểm soát lạm phát thông qua việc bình ổn giá các mặt hàng và dịch vụ thiết yếu như xăng dầu, giá điện bán lẻ, phân bón, thuốc trừ sâu, thực phẩm thiết yếu (gạo, đường, muối)...
VNDIRECT dự báo, CPI bình quân năm 2022 tăng 3,45% so với cùng kỳ (cao hơn mức dự báo về CPI bình quân năm 2021 là 2,1% so với cùng kỳ). VNDIRECT đánh giá lạm phát năm tới sẽ vẫn trong tầm kiểm soát và đáp ứng mục tiêu của Chính phủ là giữ cho CPI bình quân năm 2022 tăng dưới 4,0% so với cùng kỳ.
Yếu tố rủi ro thứ hai là Trung Quốc. Nền kinh tế toàn cầu và các thị trường tài chính đã chú ý đến đà sụt giảm tại thị trường chứng khoán Trung Quốc và triển vọng tăng trưởng suy yếu của quốc gia này trong nửa cuối năm 2021, tuy vậy hiệu ứng lan tỏa là không cao.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tăng trưởng GDP của nền kinh tế Trung Quốc có thể giảm xuống 5,6% so với cùng kỳ vào năm 2022, từ mức cao là 8,0% so với cùng kỳ trong năm 2021. VNDIRECT lo ngại, nếu tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc suy yếu mạnh hơn dự tính của thị trưởng, có thể là do tình hình dịch bệnh phức tạp trở lại, tình trạng thiếu điện có thể gây ảnh hưởng lớn đến triển ọng xuất khẩu cũng như tâm lý nhà đầu tư tại Việt Nam.
Lưu ý rằng, Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, chiếm 17% giá trị xuất khẩu của Việt Nam (đứng thứ hai sau Mỹ) và 33% giá trị nhập khẩu của Việt Nam (đứng thứ nhất) trong 10 tháng năm 2021. Cùng với đó, Trung Quốc đứng thứ tư trong số các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam trong 11 tháng năm 2021.
Báo cáo cho hay, việc bình thường hóa chính sách tiền tệ của một số ngân hàng trung ương như FED và ECB không nên được coi là thắt chặt chính sách tiền tệ toàn cầu. Do vậy, VNDIRECT tin rằng, bối cảnh trên thị trường tài chính toàn cầu vào năm 2022 sẽ vẫn thuận lợi hơn so với thời kỳ trước đại dịch. Việc cắt giảm các gói nới lỏng định lượng sẽ không tác động lớn đến chính sách tiền tệ cũng như thị trường tài chính của Việt Nam.
Về chính sách tiền tệ, theo báo cáo, NHNN sẽ vẫn duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng ít nhất đến hết quý 2/2022 để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi. Bất kỳ hành động thắt chặt tiền tệ nào sẽ chỉ diễn ra sớm nhất là trong nửa cuối năm 2022 và mức độ tăng lãi suất (nếu có) sẽ rất hạn chế, chỉ ở mức 0,25-0,5%
Liên quan đến thị trường tài chính, vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) có thể tiếp tục bị hút ròng trong nửa đầu năm 2022 do ảnh hưởng của "taper tantrum". Tuy nhiên, khối ngoại đã liên tục bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong 2 năm trở lại đây khiến tác động của việc khối ngoại bán ròng sẽ ở mức vừa phải, do thị trường đã có sự chuẩn bị từ trước.
Có thể tạm hiểu "taper tantrum" là sự phẫn nộ của thị trường khi FED rút lại các kích thích, và tất nhiên, điều này đi kèm với những phản ứng cực đoan từ thị trường.
Về tỷ giá hối đoái đồng VND, việc cắt giảm các gói nới lỏng định lượng sắp tới có thể ít ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư nước ngoài (đặc biệt là đầu tư trực tiếp) vào Việt Nam trong năm 2022. Bên cạnh đó, đồng VND cũng được hỗ trợ mạnh bởi thặng dư thương mại và dự trữ ngoại hối tăng trong năm 2022. Do đó, VNDIRECT kết luận, việc các NHTW như FED và ECB cắt giảm các gói nới lỏng định lượng sẽ ít tác động đến tỷ giá hối đoái đồng VND.