Giới chức Trung Quốc phát đi tín hiệu nới lỏng quy định sau một năm mạnh tay siết chặt kiểm soát. Nhưng giới quan sát cho rằng môi trường đầu tư hiện tại vẫn còn nhiều rủi ro.
Theo CNBC, các dấu hiệu chỉ ra chính quyền Trung Quốc đã bắt đầu nới lỏng quy định sau nhiều tháng kìm kẹp những gã khổng lồ công nghệ nước này. Câu hỏi đặt ra là đây có phải thời điểm thích hợp để đầu tư vào chứng khoán Trung Quốc hay không.
Các thị trường chứng khoán Trung Quốc đã tăng điểm trở lại, sau khi truyền thông nhà nước đăng tải bài viết ủng hộ thị trường và kêu gọi dừng cuộc trấn áp đối với lĩnh vực công nghệ của đất nước.
Trước đó, các thị trường chìm trong sắc đỏ bởi những lo ngại của các nhà đầu tư, từ tác động kinh tế của những đợt bùng phát dịch Covid-19 mới, cho đến bình luận của ngân hàng đầu tư JPMorgan cho rằng "không thể đầu tư" vào lĩnh vực Internet của Trung Quốc.
Cuộc trấn áp của Bắc Kinh trong năm 2021 đã kích hoạt làn sóng bán tháo cổ phiếu lớn, khiến vốn hóa của các đại gia công nghệ Trung Quốc lao dốc mạnh. Ảnh: Reuters. |
Bị chi phối bởi quy định
Ngay cả khi đã tăng điểm trở lại, tính đến cuối ngày 23/3, Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc vẫn lao dốc 10% so với hồi đầu năm, còn Chỉ số Shenzhen Component sụt giảm 16% trong cùng kỳ.
Tại Hong Kong, Chỉ số Hang Seng vẫn chứng kiến mức giảm 5% tính từ hồi đầu năm, ngay cả sau khi đã phục hồi 4% vào tuần trước và 3% hôm 22/3.
Một số chuyên gia cho rằng đã đến lúc đầu tư vào các cổ phiếu Trung Quốc. "Ngay cả sau đợt phục hồi, chúng tôi vẫn cho rằng định giá hiện tại khá hấp dẫn", ông Jack Siu - Giám đốc đầu tư tại Credit Suisse - nhận định.
Trước đợt phục hồi vừa qua, thị trường Trung Quốc được định giá sát mức thấp nhất trong vòng 10 năm. "Sẽ vẫn còn nhiều biến động, nhưng đã đến lúc vào cuộc", ông lập luận.
Theo ông, ở thời hiện tại, những rủi ro như các đợt bùng phát Covid-19 mới và những vấn đề trong ngành bất động sản đã được phản ánh đầy đủ trong giá.
Ở chiều ngược lại, cố vấn quản lý Richard Martin cho rằng thị trường Trung Quốc "có thể đầu tư nhưng vẫn cần cẩn trọng".
"Bất cứ thị trường nào lao dốc 30% trong vỏn vẹn 10 ngày bởi những lo ngại về chính sách và địa chính trị, sau đó phục hồi nhờ tuyên bố ủng hộ của giới chức, là các thị trường bị chi phối bởi chính sách thay vì giá trị và hiệu suất hoạt động của công ty", ông Martin lập luận.
"Các vị có thể đầu tư, nhưng cần phải nắm rõ tình hình chính trị, chính sách ở mỗi thời điểm", ông cảnh báo.
Khi chính quyền Trung Quốc thắt chặt kiểm soát các doanh nghiệp tư nhân, giới đầu tư quốc tế buộc phải cân nhắc lại về chiến lược của mình. Những quy định nghiêm ngặt của Bắc Kinh có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng với nhà đầu tư.
Trong vòng 30 năm qua, các công ty Trung Quốc thu hút hàng trăm tỷ USD từ những nhà đầu tư trên toàn cầu. Đó là các nhà đầu tư tìm kiếm những dự án rủi ro cao, lợi nhuận cao. Nhưng điều đó có thể sẽ thay đổi.
Trong năm 2021, các nhà quản lý Trung Quốc đã đưa ra loạt quy định mới từ bảo mật dữ liệu đến chống độc quyền nhắm vào những công ty công nghệ lớn. Cuộc trấn áp kích hoạt làn sóng bán tháo cổ phiếu lớn, khiến vốn hóa của các đại gia công nghệ Trung Quốc lao dốc mạnh. Giới quan sát cảnh báo điều này có thể khiến niềm tin của nhà đầu tư sụt giảm nghiêm trọng.
Môi trường không chắc chắn
"Tôi cho rằng ở thời điểm hiện tại, suy nghĩ của nhà đầu tư đối với cổ phiếu công nghệ Trung Quốc chia làm hai thái cực", ông Tariq Dennison, Giám đốc tài sản của GFM Asset Management (có trụ sở tại Hong Kong), bình luận.
"Một số coi những thay đổi, rủi ro về quy định là lý do không nên đầu tư vào cổ phiếu Trung Quốc. Một số khác coi đây là cơ hội mua vào những tên tuổi tốt", ông nói thêm.
Nhưng theo ông Michael Yoshikami tại Destination Wealth Management, các công ty Trung Quốc vẫn đối mặt với những bất ổn ở phía trước. Bởi môi trường pháp lý còn chưa chắc chắn.
Ant Group của tỷ phú Jack Ma là một trong những mục tiêu của cuộc trấn áp từ phía Bắc Kinh. Ảnh: Reuters. |
Ông cho rằng các nhà đầu tư vẫn nên thận trọng với cổ phiếu Trung Quốc ở thời điểm hiện tại. Giới đầu tư hiện theo dõi "nhất cử nhất động" của Bắc Kinh, sau khi giới chức đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 5,5% trong năm nay.
Hôm 21/3, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc quyết định giữ nguyên lãi suất cho vay chuẩn.
"Chúng tôi cho rằng kể từ giờ, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc sẽ chủ động hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Về mặt vĩ mô, trong những tuần tới, ngân hàng trung ương có khả năng hạ lãi suất, cắt giảm dự trữ bắt buộc cho các ngân hàng và tăng chi tiêu tài khóa nhằm hỗ trợ nền kinh tế", ông Salman Ahmed - Trưởng bộ phận Phân bổ Tài sản Chiến lược và Vĩ mô tại Fidelity International - nhận định.
(Theo Zing)