Nikkei Asia đưa tin, Chủ tịch Hiệp hội Fintech Thái Lan, ông Chonladet Khemarattana thừa nhận, có một sự thiếu hụt nhân sự trong lĩnh vực này, đặc biệt là lao động thông thạo tiếng Anh.
Giống như nhiều công ty khởi nghiệp fintech đang phát triển ở Thái Lan, những nhân viên đứng đầu công ty môi giới chứng khoán kỹ thuật số do ông Chonladet Khemarattana đồng sáng lập từ năm 2017, đang phải vật lộn để theo kịp tốc độ phát triển trong lĩnh vực fintech. Hiện công ty của ông đang tuyển dụng 20 vị trí từ kỹ sư phần mềm đến nhà phân tích đầu tư và nhân viên kinh doanh.
"Một sinh viên khoa học máy tính tốt nghiệp từ trường đại học hàng đầu đất nước có thể nhận được mức lương khởi điểm từ 1,4 - 1,7 nghìn USD/tháng", ông Chonladet cho biết.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Fintech Thái Lan, mức lương này đang cao gấp đôi mức lương trung bình của các chuyên gia trong nước. Thậm chí, con số còn có thể tiếp tục tăng tăng gấp đôi nếu như các ngân hàng truyền thống tìm cách chuyển đổi số, hay các gã khổng lồ công nghệ gia nhập thị trường Thái Lan.
Theo Nikkei Asia, lĩnh vực fintech đang chứng kiến nhu cầu tìm kiếm việc làm không hề nhỏ. Khảo sát của Hiệp hội Fintech Singapore cho biết, nhu cầu về lao động có tay nghề cao trong lĩnh vực fintech ở khu vực Đông Nam Á chỉ tăng tốc sau khi nguồn vốn đầu tư vào ngành này đạt mốc 3,5 tỷ USD trong năm 2021.
Cụ thể, 73% công ty được khảo sát kỳ vọng tăng trưởng nhân sự sẽ lên đến hai con số trong 2 năm 2022-2023.
Các vị trí được các doanh nghiệp "săn lùng" nhiều nhất là các "phù thủy công nghệ" - những người phát triển phần mềm và ứng dụng; nhân viên kinh doanh có kinh nghiệm, có thể tiếp thị các sản phẩm fintech trong một thị trường cạnh tranh lớn.
Theo dữ liệu từ công ty tuyển dụng Michael Page, khi các gã khổng lồ công nghệ toàn cầu, các kỳ lân Đông Nam Á và các công ty khởi nghiệp địa phương đang cạnh tranh lẫn nhau để tìm kiếm nhân tài, thì những người nhảy việc trong lĩnh vực này, đặc biệt ở Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam, có thể thỏa thuận một mức lương mới tăng từ 15% đến 20%.
Ở Việt Nam, số liệu của SalaryExpert cho thấy, mức lương trung bình của một nhân viên phát triển phần mềm khoảng 21,8 nghìn USD/năm, tương đương với khoảng 1,8 nghìn USD/tháng.
Những người nhảy việc trong lĩnh vực fintech, đặc biệt ở Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam, có thể thỏa thuận một mức lương mới tăng từ 15% đến 20%.
"Hầu hết các chuyên gia trong lĩnh vực fintech thường có số thời gian làm việc dưới 5 năm, phần lớn rời đi sau 1-2 năm làm việc. Trong khi đó hơn 1/3 đổi công việc sau 3-5 năm", Nesan Goctures, giám đốc quản lý tài năng và tổ chức tại Accenture Southeast Asia cho biết.
Theo nghiên cửu của Hiệp hội Fintech Singapore, phần lớn lý do khiến nhân viên gia nhập hay từ bỏ một công ty trong ngành thăng tiến sự nghiệp và phát triển kỹ năng.
Paul Cooper, Giám đốc điều hành cấp cao của Michael Page tại Malaysia và Việt Nam cho hay: "Nền tảng công nghệ mà họ sẽ làm việc là gì? Đây là một câu hỏi chúng tôi nhận được nhiều nhất khi ứng viên ứng tuyển công việc".
Thời gian làm việc linh hoạt cũng là yếu tố được các ứng viên cân nhắc hàng đầu. Đại dịch COVID-19 giúp hình thức làm việc từ xa phát triển, tạo ra cơ hội tuyển dụng xuyên biên giới.
Báo cáo của Michael Page cho hay, miếng bánh fintech đủ lớn cho mỗi vị trí để có được sự gia tăng việc làm. Ví dụ các nhà phát triển phần mềm và quản lý doanh nghiệp có thể có trụ sở tại Singapore, song vị trí lập trình viên, dữ liệu và quản trị có thể thuê ngoài và làm việc ở nơi khác.