Hoạt động sản xuất tại Mỹ tiếp tăng chậm lại trong tháng 7 trong bối cảnh số lượng đơn hàng giảm sút và hàng tồn kho tăng cao.
Chỉ số Quản lý thu mua (PMI) của Viện Quản lý cung ứng (ISM) giảm xuống ngưỡng 52,8 điểm, thấp nhất kể từ tháng 6/2020. Bên cạnh đó, số lượng đơn hàng cũng sụt giảm tháng thứ hai liên tiếp. Chỉ số tồn kho của cơ quan này tăng lên 57,3 điểm, cao nhất kể từ năm 1984.
Những dữ liệu mới được công bố phản ánh sự sụt giảm nhu cầu hàng hóa trong bối cảnh nền kinh tế gặp đối diện với nhiều thách thức, ảnh hưởng tới triển vọng tăng trưởng.
Hoạt động sản xuất, số lượng đơn hàng tại Mỹ suy giảm trong tháng 7, trong khi lượng hàng tồn kho tăng lên. Ảnh: Bloomberg.
Ở một diễn biến khác, dữ liệu mới được công bố bởi S&P Global cũng cho thấy lượng hàng tồn kho lần đầu tiên tăng lên kể từ tháng 10/2020. Chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất của đơn vị này cũng giảm xuống ngưỡng 52,2 điểm, thấp nhất trong vòng hai năm gần đây.
Tổng cộng, chỉ số tổng hợp của ISM giảm 11 điểm so với đỉnh ghi nhận trong tháng 3 năm 2021, thời điểm kinh tế Mỹ bùng nổ sau đại dịch Covid-19. Chi tiêu cho hàng hóa liên tục sụt giảm từ thời điểm đó khi người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn tới các loại hình dịch vụ.
Trong báo cáo của ISM, 11 lĩnh vực sản xuất ghi nhận tăng trưởng trong tháng 7, trong đó có dệt may, xăng dầu, khai thác khoáng sản và than. Ở chiều ngược lại, 7 lĩnh vực đi xuống bao gồm sản xuất gỗ, nội thất và giấy.
Điểm tích cực duy nhất tời từ việc chỉ số đo lường chi phí mà các doanh nghiệp phải trả cho nguyên liệu đầu vào giảm 18,5 điểm xuống ngưỡng thấp nhất trong vòng 2 năm trở lại đây. Đây đồng thời là mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2010, phản ánh xu hướng giảm giá dầu và kim loại toàn cầu.
Dữ liệu của ISM và S&P Global được công bố trong bối cảnh hiện tượng suy giảm sản xuất cũng được ghi nhận tại nhiều khu vực khác trên toàn thế giới. Hoạt động sản xuất tại châu Âu giảm trong tháng trước trong khi sản lượng công nghiệp của châu Á vẫn chưa được cải thiện.