Trong khoảng thời gian đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương đã phải thực hiện giãn cách xã hội, khiến cho tình hình sản xuất, kinh doanh của hầu hết các ngành đều bị ảnh hưởng. Theo Tổng cục Thống kê, tác động của đại dịch đã thể hiện rõ nét nhất ở GDP quý 3/2021, ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 5,02%; khu vực dịch vụ giảm 9,28%. Trong 3 trụ cột của nền kinh tế là nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, chỉ có duy nhất khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là tăng trưởng dương, với mức tăng 1,04%.
Cụ thể, ngành nông nghiệp tăng 3,32%, đóng góp 0,31 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 3,3%, đóng góp 0,02 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 0,66%, đóng góp 0,02 điểm phần trăm.
"Trước những khó khăn do Covid-19, ngành nông nghiệp đã thể hiện vai trò là bệ đỡ của nền kinh tế trong lúc khó khăn, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, là cơ sở quan trọng để thực hiện an sinh, an dân trong đại dịch", Tổng cục Thống kê cho hay.
Vậy điều gì đã giúp ngành nông nghiệp tăng trưởng dương trong bối cảnh kinh tế đang vô cùng ảm đạm?
TS. Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng nông nghiệp là lĩnh vực ít chịu tác động nhất của Covid-19. Lý do bởi các hoạt động sản xuất nông nghiệp theo hộ gia đình thì vẫn có thể làm. Ngoài ra, các tỉnh có tỷ trọng nông nghiệp lớn thì cũng không bị dịch tác động mạnh như các trung tâm đô thị. Do vậy, nông nghiệp vẫn tăng trưởng mạnh trong quý 3.
Tổng cục Thống kê phân tích, ngành nông nghiệp đạt được kết quả đó chủ yếu do sản xuất nông nghiệp trong 9 tháng năm 2021 diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi. Bên cạnh đó, việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng tích cực, gieo trồng giống lúa mới cho giá trị kinh tế cao đã giúp kết quả sản xuất các vụ lúa đều khả quan.
Ví dụ, vụ lúa đông xuân năm 2021 đạt được thành tựu lớn với năng suất đạt cao nhất từ trước đến nay. Năng suất và sản lượng lúa tăng hầu hết ở các địa phương trên cả nước. Sản lượng thu hoạch lúa đông xuân năm 2021 cả nước đạt 20,63 triệu tấn, tăng 755,1 nghìn tấn so với cùng kỳ.
Còn đối với vụ lúa hè thu, năng suất gieo trồng lúa hè thu sơ bộ tăng trên hầu khắp các vùng. Trong đó tăng cao nhất ở vùng Bắc Trung Bộ đạt 51,4 tạ/ha, tăng 3,6 tạ/ha, tiếp theo là vùng Tây Nguyên: đạt 55,9 tạ/ha, tăng 1,7 tạ/ha.
Riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 56,6 tạ/ha, tăng 0,9 tạ/ha. Đây là vùng có sản lượng lúa hè thu cao nhất nước với 8.546,9 nghìn tấn, tăng 76,7 nghìn tấn so với cùng kỳ, chiếm 77,7% so với sản lượng của cả nước. Nhiều địa phương có năng suất tăng cao so với vụ hè thu trước là Trà Vinh, Bến Tre, Sóc Trăng, Cà Mau.
Sản lượng lúa đông xuân giai đoạn 2018-2021. Nguồn: GSO
Không chỉ có lúa, đóng góp vào tăng trưởng của nông nghiệp còn có cây trồng lâu năm. Cụ thể, sản lượng điều 9 tháng năm 2021 ước tính đạt 365,2 nghìn tấn, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước; hồ tiêu đạt 275,6 nghìn tấn, tăng 2,3%; cao su đạt 822,8 nghìn tấn, tăng 2,6%; chè búp đạt 865,2 nghìn tấn, tăng 1,8%.
Ngoài ra, sản lượng thu hoạch một số cây ăn quả chủ yếu cũng tăng so với cùng kỳ năm trước. Chưa kể, nhiều loại cây được trồng theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện xuất khẩu sang thị trường Australia, Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.
Kết quả, kim ngạch xuất khẩu hàng nông, lâm sản đạt 9 tháng năm 2021 đạt 17,7 tỷ USD, tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước ở mức 17,6%, trong đó kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 2,8 tỷ USD, tăng 11,1%.
Chăn nuôi cũng là lĩnh vực then chốt đóng góp vào tăng trưởng chung của khu vực nông nghiệp. Ước tính 9 tháng, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 3.060,9 nghìn tấn, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng đạt 332,4 nghìn tấn, tăng 2,4%; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng đạt 1.402,7 nghìn tấn, tăng 4,3%...
Tổng cục Thống kê nhận định, trong 9 tháng năm 2021, mặc dù dịch Covid-19 làm đứt gãy tạm thời chuỗi cung ứng sản xuất – chế biến – tiêu thụ các sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản, nhưng nguồn cung nông sản vẫn dồi dào, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và cho xuất khẩu.