Năm 2022, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Bộ GTVT, ngành GTVT đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đột phá trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, góp phần phát triển kinh tế xã hội đất nước trong bối cảnh có nhiều thách thức khi tình hình thế giới biến động nhanh, khó dự báo và chưa có tiền lệ.
Đồng loạt khởi công 12 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam giai đoạn II. Ảnh: TTXVN.
Trong nước, tình hình thiên tai, lũ lụt, giá xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, việc tiếp cận vốn của các doanh nghiệp giao thông, xây dựng gặp nhiều khó khăn... ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh nói chung và hoạt động của ngành GTVT nói riêng.
Mặc dù vậy, bám sát các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của Đảng, Quốc hội, dưới sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, linh hoạt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã nỗ lực, quyết tâm tháo gỡ vướng mắc. Trong đó, năm 2022 là lần đầu tiên trong một năm, Bộ GTVT đã trình và được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư 6 dự án trọng điểm quốc gia kịp thời trình, phê duyệt chủ trương đầu tư 54 dự án nhóm A, B, C.
Lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông cũng ghi nhận sự đột phá. Bên cạnh các dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn I (2017 - 2020) được hoàn thành, đưa vào khai thác (Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn); 3 dự án thành phần khác đáp ứng thời gian thông xe kỹ thuật đúng yêu cầu (Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây), Bộ GTVT cũng đã phối hợp thực hiện thủ tục chuẩn bị đầu tư, đảm bảo điều kiện khởi công đồng loạt 12 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam giai đoạn II (2021 - 2025) ngay ngày đầu năm mới 2023, đáp ứng yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Năm 2022 cũng là lần đầu tiên trong lịch sử ngành GTVT, thời gian thực hiện thủ tục một dự án quy mô lớn, trải dài trên 721 km từ thời điểm Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư đến lúc khởi công chỉ kéo dài khoảng 11 tháng, so với thời gian 2,5 - 3 năm như nhiều dự án có quy mô tương tự trước đó. Việc sớm khởi công cao tốc Bắc Nam giai đoạn II sẽ cụ thể hóa mục tiêu đến năm 2025, cả nước ta có khoảng 3.000 km đường bộ cao tốc và cơ bản hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông từ Lạng Sơn đến Cà Mau.
Về công tác giải ngân, dù được giao kế hoạch vốn cao kỷ lục so với các năm trước đó (tổng kế hoạch vốn khoảng 55.000 tỷ đồng), song, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng các nhóm giải pháp hiệu quả, Bộ GTVT đã giải ngân được gần 96% kế hoạch được giao, tiếp tục đứng trong Top các bộ, ngành giải ngân cao so với mức trung bình chung cả nước, đóng góp quan trọng vào quá trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội sau dịch COVID-19.
Ở các lĩnh vực khác, Bộ GTVT cũng đạt được nhiều kết quả khả quan như: Hoàn thành việc lắp đặt, vận hành hệ thống thu phí điện tử không dừng tại tất cả các trạm thu phí đủ điền kiện; được Bộ Thông tin và Truyền thông xếp hạng thứ 9/18 bộ, ngành về chỉ số chuyển đổi số; hoạt động vận tải đã phục hồi trên cả 5 lĩnh vực...
Phát huy các kết quả đạt được, năm 2023, Bộ GTVT tiếp tục triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng như: Hoàn thiện thủ tục đầu tư để khởi công 23 dự án, hoàn thành 29 dự án; phấn đấu giải ngân tối thiểu 90% kế hoạch năm 2023 được Thủ tướng Chính phủ giao (dự kiến được giao khoảng 94.161 tỷ đồng); tiếp tục kéo giảm tai nạn giao thông từ 5 - 10% cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết, bị thương...
Theo Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy, từ thực tiễn triển khai nhiệm vụ năm 2022, năm 2023, Bộ GTVT sẽ tiếp tục bám sát các Kết luận, Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, tổ chức quán triệt, lan tỏa sâu rộng đến từng cán bộ, người lao động; thực hiện chỉ đạo điều hành đúng kỷ cương, linh hoạt, quyết liệt, hiệu quả; cá thể hóa trách nhiệm cá nhân trong từng dự án; thực hiện đột phá phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; đồng thời, tăng cường dự báo “từ sớm, từ xa”, đi đôi với tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát trong từng nhiệm vụ.