Ngày 28/2, Thủy sản Hùng Vương (HVG) chính thức tổ chức ĐHĐCĐ nhằm thông qua kế hoạch kinh doanh 2019, và phương án cho Công ty sản xuất chế biến và phân phối nông nghiệp THADI (thuộc Thaco Group) nâng tỷ lệ sở hữu lên trên 25% vốn mà không phải thực hiện chào mua công khai.
Cổ đông tham dự đại hội được yêu cầu rửa tay và đeo khẩu trang
HVG phát hành riêng lẻ 20 triệu cổ phiếu cho Thaco: Mục đích tăng thêm vốn lưu động
Theo nội dung hợp tác chiến lược được ký vào ngày 9/1, THADI sẽ sở hữu 35% vốn HVG và nắm 65% vốn trong liên doanh giữa Hùng Vương và THADI nhằm phát triển mảng sản xuất heo giống. Tính đến nay, THADI đã sở hữu 24,28% vốn Hùng Vương, ứng với 53,9 triệu cổ phiếu.
Đáng chú ý, HVG còn lên kế hoạch huy động vốn thông qua việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ với khối lượng 20 triệu cổ phiếu, đối tượng là Thaco và các bên liên quan.
Giá chào bán 10.000 đồng/cp, tương ứng số tiền thu về 200 tỷ đồng, được dùng để bổ sung vốn lưu động cho kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2020.
Nói về lý do phát hành, ông Dương Ngọc Minh – Chủ tịch HVG cho hay nhằm tăng thêm dòng vốn lưu động. Năm nay, Thaco cũng sẽ đưa thêm 1 người vào ban quản trị của HVG. Dự kiến đến năm 2021, HVG sẽ cơ cấu lại HĐQT.
Năm 2020 sẽ thay đổi cuộc chơi: Giao lại mảng heo cho Thaco triển khai
Phát biểu khai mạc Đại hội, ông Minh cho biết: "Khó khăn tài chính 3 năm liền HVG vấp phải là do chậm vốn từ ngân hàng. Do đó qua việc hợp tác với THADI sẽ giúp chúng tôi thay đổi cuộc chơi. Từ chỗ HVG nắm đàn heo thì THADI lúc này sẽ nắm, vì vấn đề thiếu sót HVG nằm ở chỗ xây dựng chuồng trại.
Lộ trình HVG-THADI dự tới tháng 6 năm nay có chuồng trại cho 18.000 con bố mẹ, HVG cũng nhấn mạnh kế hoạch tăng đàn bố mẹ năm 2020 dự lên đến 30.000-45.000 con. Đáng lẽ chúng tôi đã làm được kế hoạch này 3 năm trước, nhưng do dòng vốn từ ngân hàng chậm trễ nên không thể làm, không được sự ủng hộ của ngân hàng dẫn đến cái ‘tham’ cái ‘muốn’ của tôi trở thành cái tai hại".
Trước khó khăn lớn về dòng vốn, HVG quyết định những mảng nào chuyển giao được sẽ chuyển giao để thu hồi dòng vốn, bù đắp vào những hoạt động trọng tâm. Trong đó, mảng chăn nuôi HVG sẽ bàn giao lại cho THADI 65% vốn, bởi lẽ theo ông Minh cái thiếu sót của HVG tại mảng nuôi heo là kỹ thuật xây dựng chuồng trại.
Ngoài ra, tài sản HVG giá trị còn lại rất thấp vì đã khấu hao hết, nhưng nếu bán lại sẽ bán theo giá thị trường, ông Minh cho hay việc tiếp tục thoái vốn sẽ hỗ trợ giảm được áp lực nợ vay ngân hàng.
Đặt kế hoạch cho năm 2020 (kết thúc 31/12), HVG dự kiến doanh thu 11.562 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 350 tỷ đồng. Con số này đều giảm so với kế hoạch ban đầu là 12.524 tỷ doanh thu và lãi 790 tỷ đồng.
Kế hoạch kinh doanh 2020 của Hùng Vương
Kết thúc quý đầu niên độ, HVG tiếp tục lỗ 254 tỷ đồng. Chi tiết, doanh thu trong kỳ Công ty đạt 731 tỷ đồng, giảm gần phân nửa so với quý 1/2019. Trong đó, doanh thu xuất khẩu tiếp tục giảm 33% xuống còn316 tỷ đồng, doanh thu nội địa giảm mạnh 53% về 413 tỷ đồng.
Kinh doanh dưới giá vốn khiến HVG bị lỗ gộp 42 tỷ đồng. Các chi phí khác cũng tăng, kết quả HVG báo lỗ sau thế gần 251 tỷ, trong khi cùng kỳ có lãi hơn 21,5 tỷ đồng. Tính đến 31/12/2019, tổng lỗ lũy kế HVG lên đến 1.743 tỷ đồng.
Thuỷ sản ‘đứng hình’ trước dịch Corona, năng lực sản xuất giảm đến 50%
Nói về những khó khăn dòng vốn, HVG cho biết đã đầu tư tổng cộng trên 1.800 tỷ cho mảng chăn nuôi heo nhưng phần lớn vốn được sử dụng từ nguồn ngắn hạn. Mặc dù được ngân hàng phê duyệt hạn mức khoảng 4.000 tỷ đồng cho trung và dài hạn nhưng thực tế đến nay mới chỉ giải ngân 800 tỷ. Theo HVG, việc này dẫn đến sự bế tắc vốn triển khai dự án cũng như khai thác sản xuất.
Các cổ đông tham dự đều đeo khẩu trang
Vòng quay các khoản phải thu khá chậm gây ra chi phí dự phòng cao...
Về cá tra, năm 2019 do cú sốc POR14 khiến xuất khẩu sang Mỹ - thị trường HVG định hướng là thị trường chiến lược giảm mạnh. Đồng thời, giá nguyên liệu cá tra giảm dẫn đến giá xuất giảm, HVG phải chịu hàng tốn giá cao dẫn đến giảm lợi nhuận.
Ngoài ra, liên quan đến dịch Corona, ông Minh nhấn mạnh không thể đưa ra bất kỳ nhận định nào trước diễn biến dịch. "Cá tra 30-40% xuất khẩu sang Trung Quốc, và theo đó trước diễn biến dịch COVID-19 thì 3 tháng nay các doanh nghiệp thuỷ sản ĐBSCL là ‘đứng hình". Năng lực chế biến theo đó giảm đến 50%", ông Minh nói.
Thay đổi niên độ tài chính
Một nội dung đáng quan tâm khác, HVG cũng lên kế hoạch thay đổi niên độ tài chính. Hiện tại, niên độ tài chính năm 2019 bắt đầu từ ngày 1/10/2018 đến ngày 30/0/2019.
Năm 2020, HVG dự kiến thay đổi niên độ tài chính bắt đầu từ ngày 1/1/2020 đến 31/12/2020. Theo đó, kỳ từ 1/10/2019 đến 31/12/2019 sẽ tách thành 1 kỳ kinh doanh riêng và cũng sẽ được kiểm toán trong năm 2020.
Năm 2020, do dự kiến còn lỗ luỹ kế do đó HVG dự không chia cổ tức cho cổ đông.