Lợi nhuận dự kiến vượt 30.000 tỷ
Tại đại hội, ban lãnh đạo ngân hàng trình cổ đông xem xét thông qua báo cáo của ban lãnh đạo với kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2022 tăng tối thiểu 12% (tương ứng vượt 30.675 tỷ đồng).
Tổng tài sản dự kiến tăng 8%; dư nợ tín dụng tăng 15%; huy động vốn tăng trưởng phù hợp với tốc độ tăng trưởng tín dụng, dự kiến tăng 9%; tỷ lệ nợ xấu thấp hơn 1,5%; tỷ lệ chi trả cổ tức theo phê duyệt của Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; tỷ lệ đảm bảo an toàn hoạt động theo quy định hiện hành của NHNN.
Ban lãnh đạo ngân hàng cũng đề xuất ĐHĐCĐ giao HĐQT chỉ đạo thực hiện và quyết định điều chỉnh Kế hoạch kinh doanh năm 2022 phù hợp với tình hình thực tế, đặc biệt là diễn biến dịch COVID-19 và theo phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Trong năm 2022, Vietcombank tập trung vào 3 trọng tâm trong chuyển dịch cơ cấu hoạt động kinh doanh bao gồm cơ cấu danh mục nguồn vốn theo hướng gia tăng hiệu quả, duy trì phấn đấu cải thiện tỷ trọng thu nhập phi tín dụng với trọng tâm là thu nhập từ dịch vụ, cùng tăng trưởng tín dụng gắn với chuyển dịch cơ cấu tín dụng hiệu quả.
Đồng thời, nhà băng này sẽ đẩy mạnh công tác phát triển khách hàng và sản phẩm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và chú trọng nhân lực cho chuyển đổi số, phát triển văn hóa số trong Vietcombank.
Quang cảnh đại hội cổ đông Vietcombank
Chia cổ tức 18,1% bằng cổ phiếu
Tại đại hội, ban lãnh đạo ngân hàng cũng trình cổ đông xem xét thông qua phương án tăng vốn điều lệ năm 2022 thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2019 và 2020.
Cụ thể, ngân hàng dự kiến phát hành gần 856,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức theo tỷ lệ 18,1% (cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu tại ngày chốt quyền được nhận thêm 181 cổ phiếu mới).
Đối tượng phát hành là các cổ đông có tên trong danh sách cổ đông của Vietcombank tại thời điểm chốt quyền được xác định theo thông báo về ngày chốt quyền của ngân hàng đối với đợt phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019
Tại đại hội, Vietcombank cũng dự kiến trình cổ đông xem xét thông qua việc niêm yết trái phiếu phát hành ra công chúng năm 2022, bầu bổ sung một thành viên Ban kiểm soát, báo cáo tài chính năm 2021, phương án tăng vốn điều lệ năm 2022, lựa chọn công ty kiểm toán độc lập và các nội dung khác trong thẩm quyền đại hội.
Dự kiến sau khi hoàn tất phát hành, vốn điều lệ Vietcombank sẽ tăng thêm gần 8.566 tỷ đồng, từ 47.325 tỷ đồng lên 55.891 tỷ đồng.
Vietcombank cho biết, việc tăng vốn điều lệ cũng sẽ tạo điều kiện để ngân hàng mở rộng quy mô hoạt động kinh doanh, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế và đầu tư cho các dự án chuyển đổi để nâng cao năng lực quản trị và hoạt động của ngân hàng.
Nhận chuyển giao bắt buộc 1 tổ chức tín dụng
Tại đại hội, ngân hàng cũng sẽ xin ý kiến cổ đông về việc thông qua chủ trương tham gia tái cơ cấu một tổ chức tín dụng yếu kém theo hình thức nhận chuyển giao bắt buộc (CGBB).
Vietcombank cho biết, việc tham gia tái cơ cấu này phù hợp với chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và quy định pháp luật, góp phần vào sự phát triển lành mạnh và ổn định của ngành ngân hàng, nền kinh tế; đồng thời tạo cơ hội mang lại lợi ích cho cổ đông của VCB.
Theo đó, hoạt động này sẽ cho phép Vietcombank có điều kiện mở rộng quy mô kinh doanh, cơ sở khách hàng, mạng lưới… và có thể nhận sáp nhập, hoặc tiếp tục duy trì. Cụ thể, Vietcombank sẽ được áp dụng các biện pháp hỗ trợ theo quy định tại Luật các tổ chức tín dụng, các quy định của pháp luật có liên quan được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt tại Phương án CGBB bao gồm:
VCB được ưu tiên chấp thuận cho vay vượt 15%/25% vốn tự có của VCB đối với khách hàng và nhóm khách hàng liên quan của VCB; cho vay trung dài hạn bằng ngoại tệ đối với các dự án trọng điểm; tăng thị phần phục vụ các dự án vốn tín dụng quốc tế cho VCB trong suốt thời gian TCTD chưa hết lỗ luỹ kế;
Bên cạnh đó, NHNN không giới hạn tăng trưởng tín dụng hàng năm của VCB nếu VCB đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn theo quy định; VCB được phát hành trái phiếu dài hạn cho Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam ngay sau khi nhận CGBB TCTD; VCB được trả cổ tức bằng cổ phiếu từ toàn bộ lợi nhuận còn lại sau trích lập các quỹ để tăng vốn tự có (trong các năm xử lý lỗ lũy kế của TCTD); VCB được mở thêm Chi nhánh/PGD trên các địa bàn tỉnh thành phố với số lượng tối thiểu bằng ngân hàng thương mại có vốn nhà nước có số chi nhánh/PGD thấp nhất trên địa bàn.
Ngoài ra, VCB không phải áp dụng các điều kiện hạn chế trong giao dịch với TCTD nhận CGBB với tư cách là một ngân hàng con của VCB, các giao dịch liên quan đến tài sản có với TCTD được áp dụng hệ số rủi ro 0% khi tính tỷ lệ an toàn và được phân loại vào nhóm nợ đủ tiêu chuẩn.
Các biện pháp hỗ trợ cụ thể và mức áp dụng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt tại Phương án CGBB.
Nội dung cơ bản của việc nhận CGBB một tổ chức tín dụng bao gồm: Sau khi VCB nhận CGBB, TCTD hoạt động dưới hình thức ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên do VCB sở hữu 100% vốn điều lệ, là pháp nhân độc lập và không thực hiện hợp nhất BCTC vào BCTC hợp nhất của VCB;
VCB không góp vốn vào TCTD trong thời gian TCTD còn lỗ lũy kế; VCB không chịu trách nhiệm về thanh khoản và các nghĩa vụ tài chính của TCTD trong thời gian thực hiện PA CGBB;
VCB tham gia quản trị, điều hành và triển khai các biện pháp hỗ trợ tại Phương án CGBB được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
Đồng thời, VCB và TCTD được áp dụng các biện pháp hỗ trợ theo quy định tại Luật các tổ chức tín dụng, các quy định của pháp luật có liên quan được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt tại Phương án CGBB.
Tại đại hội, Vietcombank cũng trình cổ đông xem xét thông qua việc niêm yết trái phiếu phát hành ra công chúng năm 2022, bầu bổ sung một thành viên Ban kiểm soát, báo cáo tài chính năm 2021, lựa chọn công ty kiểm toán độc lập và các nội dung khác trong thẩm quyền đại hội.
(tiếp tục cập nhật)