Theo các nhà phân tích từ Bain & Company, xu hướng mua sắm trực tuyến tại Trung Quốc đã tác động nặng nề đến ngành bán lẻ giai đoạn hậu Covid-19.
Trong báo cáo "Tương lai ngành bán lẻ khu vực châu Á - Thái Bình Dương: Làm thế nào để đẩy nhanh tốc độ phát triển" của Bain, khu vực châu Á - Thái Bình Dương đóng góp khoảng 3/4 mức tăng trưởng của ngành bán lẻ toàn cầu và khoảng 2/3 mức tăng trưởng của hoạt động bán lẻ trực tuyến.
Dẫn đầu đà tăng trưởng này là 3 nhà bán lẻ Trung Quốc - Alibaba, JD.com và Pinduoduo - cùng với Seven & I của Nhật Bản, hiện nằm trong số 10 nhà bán lẻ hàng đầu thế giới.
Theo Bain, khoảng một thập kỷ trước, chỉ có một hoặc hai nhà bán lẻ ở châu Á - Thái Bình Dương lọt vào danh sách này.
Kanaiya Parekh, chuyên gia của Bain tại Hồng Kông nhận định: "Các thị trường khác trên thế giới sẽ sớm đối mặt với những dịch chuyển tương tự đang xảy ra trên thị trường Trung Quốc, với các mức độ khác nhau tuỳ thuộc vào đặc điểm của từng thị trường. Các thị trường cần xem xét tình hình thị trường của Trung Quốc, đặc biệt là tương lai ngành bán lẻ".
Nhằm hạn chế sự lây lan của đại dịch Covid-19, chính quyền các địa phương đã công bố lệnh giãn cách xã hội và giới hạn các hoạt động tụ tập đông người. Điều này đã làm tăng áp lực đối với các trung tâm mua sắm và cửa hàng bán lẻ truyền thống vốn đang gặp khó khăn.
Thậm chí cả ở Trung Quốc, mặc dù số lượng ca nhiễm Covid-19 trong quý I đã thuyên giảm, doanh số bán lẻ nói chung trong tháng 7/2020 vẫn giảm 1,1% so với một năm trước đó.
Tuy nhiên, theo dữ liệu chính thức từ cơ sở dữ liệu Wind Information, thị phần hàng tiêu dùng thực tế được bán trực tuyến tại Trung Quốc đã tăng từ khoảng 19% năm 2019 lên 25%, tương đương 1/4 doanh số bán lẻ trong năm nay.
Một trong những xu hướng bán hàng trực tuyến phổ biến mạnh ở Trung Quốc trong thời gian gần đây là truyền phát trực tiếp.
"Người dẫn dắt dư luận chủ chốt" hay còn gọi là "người có ảnh hưởng" (KOLs), thông qua tương tác trên các nền tảng như Taobao Live của Alibaba, Kuaishou và Douyin của ByteDance, có thể bán các sản phẩm trị giá hàng nghìn nhân dân tệ chỉ trong vòng vài phút.
Ông Parekh ước tính, doanh số bán hàng thông qua hoạt động truyền phát trực tiếp chiếm khoảng 7% doanh số bán hàng trực tuyến của Trung Quốc trước đại dịch Covid-19 và có thể tăng hơn gấp đôi trong năm nay.
Một cuộc khảo sát của Bain với 4.700 người tiêu dùng tại Trung Quốc cho thấy số lượng người dùng mua hàng qua các buổi phát trực tiếp tăng nhiều hơn so với giai đoạn trước khi bùng phát đại dịch.
Tuy nhiên, một số chuyên gia hiện đang đặt câu hỏi liệu xu hướng này sẽ trở thành công cụ tiếp thị thương hiệu hay chỉ nhằm thúc đẩy hành vi mua sắm ngẫu hứng của người tiêu dùng.
Xu hướng phát trực tiếp chỉ là một ví dụ nhỏ trong hệ sinh thái mua sắm kỹ thuật số hiện đang phát triển mạnh tại Trung Quốc. Các yếu tố như mạng lưới hậu cần rộng, công nghệ back-end nhằm cắt giảm thời gian và chi phí giao hàng đã đáp ứng nhu cầu về giao hàng nhanh đối với các sản phẩm tươi sống của người tiêu dùng Trung Quốc.
Theo một số chuyên gia, các doanh nghiệp bán lẻ toàn cầu cần xem xét đặc điểm riêng về cơ sở hạ tầng và hành vi tiêu dùng trong địa phương nhằm tìm cơ hội tăng trưởng.
Báo cáo của Bain chỉ ra rằng, ngay trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, có tới 48 quốc gia, bao gồm các thị trường phát triển như Nhật Bản và các thị trường đang phát triển nhanh như Ấn Độ và Indonesia, có thể theo sát đà phát triển của ngành bán lẻ Trung Quốc.
Đại dịch Covid-19 đã giúp các nhà bán lẻ nhận ra tầm quan trọng trong việc nắm bắt thông tin về chuỗi cung ứng cũng như những thay đổi trong nhu cầu của người tiêu dùng. Kanaiya Parekh kết luận: "Trong tương lai, các tổ chức bán lẻ có thể sẽ cần nhiều kỹ sư và chuyên gia phân tích dữ liệu hơn là người mua hàng".