FPT Retail (FRT) vừa công bố BCTC hợp nhất quý 1/2020 với doanh thu tăng nhẹ lên 4.141,5 tỷ đồng, giá vốn tăng nhẹ khiến lợi nhuận gộp tăng gần 18% lên 563,5 tỷ đồng.
Về hoạt động tài chính, doanh thu tài chính tăng lên gấp 2,5 lần cùng kỳ với 23,4 tỷ đồng; trong đó chủ lãi tiền gửi, tiền cho vay tăng gấp 3 lên gần 19 tỷ, doanh thu tài chính khác cũng tăng đáng kể. Song song, chi phí tài chính tăng do lãi tiền vay tăng.
Cùng với đó, chi phí bán hàng và chi phí quản lý tăng mạnh lên lần lượt 391 tỷ và 102 tỷ đồng.
Khấu trừ chi phí, FPT Retail ghi nhận lãi ròng 35,6 tỷ - giảm gần phân nửa so với quý 1/2019. Theo giải trình của Công ty, lợi nhuận ròng giảm mạnh do dịch Covid-19 khiến các nhà máy sản xuất bên Trung Quốc dừng hoạt động, từ đó doanh thu quý 1/2020 giảm 163 tỷ so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, quý đầu năm là thời điểm đến hạn tăng tiền phí thuê nhà định kỳ, đồng thời FPT Retail điều chỉnh phân bổ lương hiệu quả kinh doanh theo kết quả thực tế dẫn đến chi phí quản lý và bán hàng tăng mạnh. Cùng với đó, việc đầu tư mở rộng chuỗi Long Châu tăng lên 83 cửa hàng cuối quý 1/2020 cũng tác động làm giảm lợi nhuận.
Lên kế hoạch cho năm 2020, FPT Retai tiếp tục duy trì hoạt động của FPT Shop cùng với bán chéo các sản phẩm theo hình thức shop – in - shop, đẩy mạnh nguồn lực đầu tư cho chuỗi dược phẩm FPT Long Châu, thực hiện chuyển đổi số trong phục vụ khách hàng và tối ưu quản trị nội bộ, đồng thời sẽ thử nghiệm thêm các mảng kinh doanh mới.
Trên thị trường, cổ phiếu FRT vừa có những phiên hồi đáng kể sau đà giảm sâu do ảnh hưởng dịch Covid-19. Đặc biệt từ đầu tháng 4 đến nay, FRT liên tục kịch trần, đưa cổ phiếu tăng 135% sau chưa đầy 1 tháng giao dịch, thanh khoản tăng mạnh. Đi cùng với đó, nhóm Dragon Capital đã liên tục giảm tỷ trọng tại Công ty.
Hiện, cổ phiếu FRT đang giảm sàn sau nhiều phiên tăng nóng, chốt phiên 28/4 tại mức 21.250 đồng/cp.