100 km vận chuyển mất 3 ngày
Đại diện một DN kinh doanh thực phẩm tại quận Hoàng Mai cho biết, DN hiện có 3 cơ sở: Trụ sở chính, kho hàng tại quận Hoàng Mai; Kho sơ chế ở huyện Thanh Oai; Nhà máy nguyên liệu ở huyện Kinh Môn (tỉnh Hải Dương). Mặc dù xe tải luồng xanh, tài xế test PCR đầy đủ thế nhưng một chuyến hàng nguyên liệu đi từ huyện Kinh Môn xuất phát từ 3 giờ sáng, đến 22h cùng ngày mới về đến trụ sở tại quận Hoàng Mai.
Bên cạnh đó, các chốt kiểm soát thôn, xã không cho xe luồng xanh của DN này vào kho sơ chế tại huyện Thanh Oai bởi huyện Thanh Oai đang là vùng xanh nên lực lượng chức năng không cho xe từ vùng đỏ đi vào. Đại diện DN thông tin: “Hiện DN đang xem xét có nên nhận thêm đơn hàng nữa hay không, vì nếu nhận rất khó đảm bảo được sản xuất với tình hình hiện tại”.
Một DN vận tải tại huyện Thanh Trì cho biết thêm, các chốt kiểm soát khá nguyên tắc nên nhiều trường hợp lái xe của DN sai 1 số ở dòng ghi năm sinh, hay giấy xét nghiệm chỉ quá hạn nửa tiếng cũng phải quay đầu. Trong khi đó, giấy test PCR chỉ có hạn trong vòng 48 tiếng, thời gian xét nghiệm nhanh nhất nếu nộp hồ sơ trước 9h sáng may ra 20h tối cùng ngày được trả kết quả. Do đó không ít chuyến hàng từ Hà Nội đi Hải Phòng hơn 100km nhưng mất đến 3 ngày để hoàn thành.
Tại các cơ sở sản xuất thực phẩm, hiện tượng thông “luồng xanh” cho hàng xuất đi nhưng “tắc” đầu vào nguyên liệu đang khá phổ biến. Một DN sản xuất miến dong tại huyện Hoài Đức cho biết, hiện các xe tải “luồng xanh” giao hàng cho các siêu thị, đại lý đều hoạt động tốt nhưng các xe nguyên liệu (chủ yếu gom nguyên liệu trong huyện) lại không được cấp phép hoạt động. “Đây là các xe không được coi là xe chở mặt hàng thiết yếu, vậy chúng tôi lấy đâu ra nguyên liệu sản xuất. Nếu mở cửa như vậy cũng không thể tiếp tục sản xuất”, đại diện DN nói.
Cấp giấy đi đường nhiều bất cập
Việc xin giấy đi đường mẫu mới cũng gặp nhiều khúc mắc, khiến các DN loay hoay không tìm được câu trả lời. Ông Long (chủ DN sản xuất tại huyện Thanh Oai) cho biết, cơ sở sản xuất của ông thuộc vùng xanh nên đã được sản xuất trở lại. Hiện DN đang xây dựng phương án lao động “3 tại chỗ” một phần và lo các thủ tục đi lại cho công nhân. Tuy nhiên, ở xã mọi thủ tục vẫn thực hiện bằng văn bản giấy. DN đã đi vài lần bổ sung giấy tờ nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ yêu cầu.
Đối với việc cấp giấy đi đường mẫu mới, đại diện một cơ sở sản xuất đồ thiết yếu trên địa bàn quận Hoàng Mai cho biết thêm, đã 48 giờ sau khi nộp đầy đủ hồ sơ cho Công an phường và Sở Công Thương nhưng DN vẫn chưa được phản hồi từ bất cứ cơ quan nào.
Các chuyên gia cho rằng, thủ tục đăng ký, phê duyệt và cấp giấy đi đường mới vẫn còn nhiêu khê, phức tạp. Quy trình gồm nhiều khâu, nhiều cấp phê duyệt, xử lý dẫn đến số lượng hồ sơ đăng ký khổng lồ. Khiến cơ quan chức năng quá tải và thực tế đã xảy ra tình trạng “treo” hộp thư ở một số cơ quan công an phường, xã.
Trong khi đó, mô hình cấp giấy đi đường bằng mã QR đã được thành phố Đà Nẵng và tỉnh Cà Mau thực hiện thành công nhưng Hà Nội chưa học tập.
Theo ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam, tình trạng ứng dụng công nghệ thông tin Hà Nội là “cái gì cũng có” nhưng rời rạc, không liên kết với nhau. Ứng dụng QR theo trào lưu hơn là tính đến hiệu quả thực tiễn. Việc cấp giấy đi đường tại Hà Nội dù có mã QR Code nhưng vẫn là “thủ công nối thủ công” từ khâu nộp hồ sơ đến kiểm tra trên đường.
Đáng nói, những năm qua Hà Nội đã đầu tư mạnh mẽ vào chuyển đổi số gắn với mô hình chính quyền đô thị như: Các dịch vụ công trực tuyến và phần mềm "một cửa điện tử" dùng chung trên phạm vi 3 cấp chính quyền, với 1.671 thủ tục hành chính, được công bố là “đạt tỷ lệ 100%”; hoàn thành tích hợp, kết nối 249/249 dịch vụ công trực tuyến lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Tuy nhiên, với hàm lượng công nghệ chưa cao trong thủ tục đăng ký, phê duyệt và cấp giấy đi đường ở Thủ đô như hiện nay, những mục tiêu chuyển đổi số sẽ không dễ dàng để thành hiện thực.