Hôm nay (16/4), Nhật Bản và Trung Quốc tổ chức đối thoại kinh tế cấp cao lần đầu tiên sau gần 8 năm trong bối cảnh khu vực lo ngại các mối đe dọa thương mại từ Mỹ. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Taro Kono của Nhật đang gặp mặt ở Tokyo.
Tuy không công khai liên kết với chính sách bảo hộ của Tổng thống Mỹ Donald Trump, sự kiện vừa nhắc nhở về tầm quan trọng của Washington và sự phụ thuộc lẫn nhau của Trung - Nhật.
Ngay cả trước khi được bầu, ông Trump liên tục chỉ trích chính sách kinh tế và thương mại của 2 quốc gia châu Á là không công bằng và gây tổn hại cho Mỹ. Gần đây, ông vừa đe dọa áp thuế quan vào hàng xuất khẩu và hạn chế về đầu tư của Trung Quốc và trách Nhật Bản "đánh đập chúng tôi về thương mại trong nhiều năm!".
Tokyo vào "thế khó"
Tokyo hiện đang lâm vào "thế khó" trong bối cảnh Mỹ - Trung xung đột, liên tục có những đòn trừng phạt trị giá hàng chục tỷ USD nhắm vào thương mại của nhau. Trong khi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất thì Mỹ vừa là đối tác thương mại lớn thứ 2 vừa là đồng minh quân sự và người bảo trợ an ninh của nước này.
Gần đây, Bắc Kinh đã thay thế Washington trở thành đối tác thương mại số một của hầu hết các nước trong khu vực, thậm chí cả những nước có liên minh quân sự với Mỹ như Hàn Quốc, Nhật Bản và Australia. Ngoài ra, cường quốc châu Á còn là một nguồn đầu tư và khách du lịch quan trọng, tạo nên sức ảnh hưởng ngày càng lớn.
Trung Quốc "thống trị" thương mại châu Á. (Nguồn: IMF/Bloomberg)
Tuy nhiên, Mỹ vẫn là một đối tác kinh tế quan trọng của nhiều nước. Ví dụ, mức đầu tư của Nhật Bản vào Mỹ gấp nhiều lần vào Trung Quốc. Thậm chí, nhiều công ty châu Á vẫn dựa vào thị trường Mỹ bất chấp những căng thẳng gần đây. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng sẽ gặp ông Trump cuối tuần này tại Florida (Mỹ) và dự kiến sẽ nói chuyện về quan hệ thương mại 2 bên.
Vì vậy, Nhật Bản sẽ phải tìm cách cân bằng nếu không kinh tế sẽ bị ảnh hưởng nặng nề khi căng thẳng leo thang.
10 ngành chính của Bắc Á phụ thuộc vào Mỹ. (Nguồn: Bloomberg)