Tính đến 22/4, hơn một nửa mùa đại hội cổ đông ngân hàng đã đi qua. Nhiều con số lợi nhuận đã được tiết lộ từ sớm dự báo một mùa báo cáo khởi sắc chung của ngành. Báo cáo tài chính quý I cũng đang liên tục được các nhà băng công bố với kết quả kinh doanh tăng trưởng.
Nhiều ngân hàng "nhỏ nhưng có võ" duy trì mức tăng trưởng lợi nhuận đáng nể. Như TPBank, sau năm 2017 lần đầu đưa lợi nhuận vượt mốc nghìn tỷ thì lợi nhuận ngay quý I của ngân hàng này đã đạt 513 tỷ đồng, gấp 2,39 lần cùng kỳ. Động lực tăng trưởng chính đến từ mức tăng trưởng của thu nhập dịch vụ (gấp 3 lần) và thu nhập lãi thuần cao gấp rưỡi cùng kỳ góp 933 tỷ đồng vào tổng thu nhập của ngân hàng.
HDBank, ngân hàng vừa niêm yết đầu năm 2018 cũng công bố kết quả kinh doanh ấn tượng, lợi nhuận quý 1/2018đạt 1.045 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần cùng kỳ 2017. Trong đó HDBank riêng lẻ đạt 851 tỉ đồng, tăng 201,8% so với cùng kỳ năm trước và đạt 27,5% kế hoạch 2018. ROA đạt 1,5%; ROE đạt 19,2.%. Nợ xấu được kiểm soát chặt ở mức rất thấp, chỉ chiếm 1,22%.
HDBank đã phát triển thêm hơn 48.504 khách hàng cá nhân;700 khách hàng doanh nghiệp, tăng 103% so với cuối năm 2017. Riêng Công ty Tài chính tiêu dùng HD SAISON phục vụ được 3,9 triệu khách hàng, tăng 151,91% so với cùng kỳ. Mạng lưới với hơn 11.844 điểm bán hàng và giới thiệu dịch vụ tăng 147,42% so với cùng kỳ - là công ty có số lượng khách hàng và mạng lưới lớn nhất hiện nay.
Ở quy mô nhỏ hơn nhưng cũng tăng lợi nhuận bằng lần là Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) với lợi nhuận trước thuế ước tính khoảng 600 tỷ đồng, theo công bố tại ĐHĐCĐ thường niên.
Ngay ông lớn Vietcombank cũng tăng trưởng tới 59%, đưa Vietcombank tiếp tục cán mức kỷ lục mới 4.359 tỷ đồng. Tuy nhiên, động lực tăng trưởng chính của ngân hàng lại đến từ việc thu hồi các khoản nợ ngoại bảng, với phần tăng thêm so với cùng kỳ lên tới hơn 1.000 tỷ đồng.
Techcombank cũng báo lãi vượt 2.000 tỷ đồng nhờ không còn mạnh tay trích lập dự phòng như cùng kỳ kèm việc ghi nhận một khoản lãi từ thanh lý khoản đầu tư dài hạn. Trong đó nhiều khả năng khoản lãi trên đóng góp chính từ giao dịch bán TechcomFinance và không còn ghi nhận đây là công ty con của ngân hàng từ quý này.
LienVietPostBank là trường hợp khá hiếm hoi khi thu nhập lãi thuần giảm so với năm trước. Chủ yếu nhờ giảm trích lập dự phòng nên lợi nhuận nhà băng này vẫn tăng 8% so với cùng kỳ.
Tăng trưởng lợi nhuận của một số ngân hàng
Ngay từ đầu năm, nhiều ngân hàng đã mở rộng hoạt động. TPBank mặc dù có dư nợ tín dụng ở mức khá khiêm tốn nhưng lại lấy đà nhanh ngay từ đầu năm. Thêm 6.300 tỷ đồng dư nợ đã tăng thêm trong quý vừa rồi, tương đương mức tăng trưởng trên 10%.
Vietcombank cũng tăng cho vay khách hàng 6,29%, tức tăng xấp xỉ 34.180 tỷ đồng. Cùng kỳ năm trước, tín dụng Vietcombank cũng tăng 8,3%. MBB cũng tăng trưởng huy động 5,19%, cao hơn tăng trưởng huy động (3,11%).
Tăng trưởng tín dụng ở một số ngân hàng cao hơn tăng trưởng huy động. Nhưng cũng có nhiều ngân hàng việc huy động vốn lại tăng nhanh hơn như LienVietPostBank, Techcombank, VPBank. Theo công bố của BIDV trong cuộc họp cổ đông ngày hôm qua, ngân hàng này cho biết tăng trưởng huy động và tín dụng lần lượt đạt 3,3% và 1,3% đến cuối quý I. Nếu trừ đi phần xử lý nợ, tăng trưởng tín dụng là 2,3% và theo đại diện ngân hàng mức chênh lệch trên là hợp lý trong bối cảnh chung khi NHNN đã tăng lượng lớn tiền đồng sau khi mua vào ngoại tệ.
Cơ cấu tài sản của Vietcombank có biến động khá lớn trong quý vừa qua khi giảm đáng kể tiền gửi tại các tổ chức tín dụng khác và mua tín phiếu, phản ánh hoạt động hút tiền ra khỏi nền kinh tế như một biện pháp trung hòa. Đây cũng là ngân hàng tham gia trong thương vụ thoái vốn Sabeco trị giá hàng tỷ USD.
Tăng trưởng quy mô các ngân hàng xếp theo tăng trưởng tín dụng (đvị: Tỷ đồng)