Trước thông báo đơn phương chấm dứt trả thu nhập cam kết của Công ty Thành Đô - chủ đầu tư dự án Cocobay, hàng nghìn chủ sở hữu đã bỏ tiền từ vài tỷ đến vài trăm tỷ để đầu tư vào dự án Cocobay Đà Nẵng đang vô cùng "sốc" và hoang mang.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, một trong những vị khách bỏ số tiền ra lớn nhất tại Cocobay là Tiến sĩ Mai Huy Tân , người được báo chí rầm rộ đưa tin vào cuối năm 2017 rằng đã bỏ hàng trăm tỷ để đầu tư các sản phẩm tại tổ hợp giải trí Cocobay Đà Nẵng...
Trả lời trên truyền thông hồi tháng 10/2017, Tiến sĩ Mai Huy Tân (70 tuổi) từng cho biết: "Tôi suy nghĩ, mình sẽ sử dụng những đồng tiền lao động sau một cuộc đời cần mẫn như thế nào cho có hiệu quả. Và lúc này, tôi đặt ra 5 tiêu chí để sử dụng hiệu quả thành quả làm việc của mình sau ngần ấy năm.
Thứ nhất, giữ được giá trị của nguồn vốn; thứ hai có được nguồn lợi nhuận hàng năm tốt hơn lãi suất mà ngân hàng mang lại; thứ Ba là không quá vất vả như khi tôi khởi nghiệp kinh doanh ở tuổi 50; thứ Tư là con cháu có thể nối nghiệp và cuối cùng là giá trị đầu tư phải được gia tăng trong tương lai".
Từ 5 tiêu chí này, bất động sản du lịch đã trở thành điểm đến đầu tư của ông và ông Tân từng cho biết: "Sau khi tìm hiểu rất kỹ và đối chiếu với những tiêu chuẩn đưa ra, tôi đã chọn tổ hợp giải trí Cocobay. Giữa thiên đường nghỉ dưỡng miền Trung với rất nhiều dự án giống nhau một theo mô típ được dựng sẵn: ăn, ngủ nghỉ và tịnh dưỡng, Cocobay đã để lại ấn tượng rất riêng cho tôi.
Tôi có thể hình dung, chỉ 2-3 năm nữa, một tổ hợp du lịch giải trí sôi động, nhộn nhịp được hình thành nên. Sẽ có rất nhiều du khách trong và ngoài nước tìm đến Cocobay như cách họ tìm đến Las Vegas (Mỹ) để được lưu trú và vui chơi. Lợi nhuận đến từ hai nguồn này mà Cocobay mang lại cho tôi sẽ là một con số lớn - một con số mà tôi tin rằng nó khiến tôi hài lòng", ông Tân nói.
Hàng trăm tỷ đồng là số tiền mà Tiến sĩ Mai Huy Tân đã chính thức bỏ ra để đầu tư các sản phẩm tại tổ hợp giải trí Cocobay Đà Nẵng, hàng loạt báo đài thông tin rầm rộ thời điểm cuối năm 2017.
Tiến sĩ Mai Huy Tân là vị khách hàng trăm tỷ của Cocobay.
Được biết, ông Mai Huy Tân từng là một cậu học trò chuyên toán xuất sắc của trường phổ thông 3A Hà Nội (nay là trường THPT Việt Đức), sau đó là sinh viên hạng ưu của khoa toán trường Đại học Tổng hợp. Năm 1986, ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại trường Đại học Tổng hợp Martin Luther - Đức. Ông Mai Huy Tân cũng là người nước ngoài đầu tiên của khoa đạt điểm xuất sắc khi bảo vệ luận án.
Tiến sĩ Tân từng làm việc tại Trung tâm thông tin khoa học kỹ thuật, với nhiệm vụ chính là dịch thuật và chọn lọc thông tin. Năm 1988, trước quyết định tinh giảm một nửa nhân lực của cơ quan, tiến sĩ Tân đã làm rất nhiều việc như dịch thuật, viết sách… để kiếm sống.. Sau đó, ông lập trung tâm giao lưu Việt - Đức. Đây là bước ngoặt để ông thành công trong nghề mới: kinh doanh.
Khoảng năm 1999, Công ty Thực phẩm Đức Việt ra đời. Ban đầu, Công ty liên doanh Đức Việt với một nhà máy chế biến xúc xích ở tỉnh Hưng Yên. Đến năm 2008, chuyển thành Công ty Cổ phần Thực phẩm Đức Việt chuyên sản xuất và cung cấp thực phẩm sạch vang tiếng thị trường. Năm 2016, Công ty Cổ phần thực phẩm Đức Việt đã hoàn thành một thương vụ chuyển nhượng thành công với giá trị lên đến 30 triệu USD (tương đương 700 tỷ đồng). Sau đó, ông dùng "những đồng tiền lao động sau một cuộc đời cần mẫn" đầu tư vào dự án Cocobay.
Được biết, ngoài ông Tân hiện có hàng nghìn khách hàng bỏ từ vài trăm đến hàng chục tỷ đồng vào Cocobay. Hầu hết những khách hàng này đang thực sự hoang mang trước thông báo không thể trả lợi nhuận như đã cam kết cho khách hàng.
Ông Nguyễn Hải Long, người đã bỏ hàng chục tỷ đồng để đầu tư vào Cocobay Đà Nẵng, hiện đang là đại diện cho gần 700 chủ sở hữu cũng rất "sốc" khi thông tin trên Infonet. Ông Long cho biết, ông mua căn nhà liền kề tại dự án Cocobay Đà Nẵng, Ngân hàng SHB vừa là đơn vị cấp vốn cho chủ đầu tư, vừa là ngân hàng độc quyền cấp vốn cho các chủ sở hữu mua nhà tại dự án, đồng thời cũng là ngân hàng bảo lãnh cho dự án về mặt tiến độ.
Ông Long đã vay vốn SHB để mua căn nhà liền kề tại dự án và được ngân hàng giải ngân vốn vay từ tháng 3/2017. "Niềm tin đặt vào chủ đầu tư và ngân hàng bảo lãnh, cho vay vốn, tôi nghĩ Ngân hàng SHB là ngân hàng chuyên nghiệp từ khi thẩm định dự án, quản lý dòng tiền của dự án, các giao dịch phải qua ngân hàng thì họ sẽ kiểm soát tốt dự án chi tiêu, hoạt động kinh doanh...", ông Long nói.
Thế nhưng, câu chuyện không suôn sẻ như cam kết khi từ kỳ trả lợi nhuận cam kết đầu tiên của năm 2018 bắt đầu xảy ra trục trặc, ông Long cho biết, chủ đầu tư chậm trả lợi nhuận cam kết khoảng 2 tháng. Lợi nhuận cam kết được trả theo kỳ 6 tháng/lần, theo đó lợi nhuận cam kết được trả vào tháng 6 và tháng 12 hàng năm. Cho đến nay nhiều chủ sở hữu vẫn chưa nhận được tiền trả lợi nhuận cam kết của kỳ đầu năm 2019 từ chủ đầu tư...
"Ngày 16/11, chủ đầu tư họp khách hàng, tuyên bố chấm dứt việc trả lợi nhuận cam kết, đơn phương chấm dứt cam kết của họ tại Hợp đồng mua bán và đến ngày 23/11, chủ đầu tư gửi văn bản chính thức tới những người mua nhà. Đối với những người mua nhà tại dự án, đặc biệt là đối với những người vay vốn ngân hàng như tôi cảm thấy vô cùng "sốc", bởi lẽ nhiều người nghĩ rằng tiền thu từ cam kết của chủ đầu tư chủ yếu là trả lãi ngân hàng, nếu bây giờ chủ đầu tư không trả khoản này nữa thì không biết lấy tiền đâu để trả lãi ngân hàng", ông Long nói.