Từ đầu tháng 10 tới nay, CVT trở thành một trong những cổ phiếu "nóng" nhất sàn chưng khoán với chuỗi phiên bứt phá ấn tượng. Thậm chí từ ngày 17/11 tới nay, CVT đã có chuỗi 5 phiên tăng trần liên tiếp và chưa biết khi nào sẽ dừng lại. Kết thúc phiên giao dịch 23/11, thị giá CVT đạt 39.350 đồng/cp, tăng gấp đôi so với đầu năm.
Đà tăng của CVT diễn ra trong bối cảnh hoạt động kinh doanh không quá thuận lợi. Trong những năm gần đây, lợi nhuận CVT gần như đi ngang, xoay quanh 160 tỷ đồng. Trong 9 tháng đầu năm, CVT chỉ đạt 84,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 22% so với cùng kỳ năm trước.
Hòa Bình Minh thâu tóm, chất xúc tác giúp CVT bứt phá
Sự bứt phá ngoạn mục của CVT thời gian gần đây có nguyên nhân chính từ câu chuyện M&A doanh nghiệp. Mới đây, CTCP Gạch ốp lát Hòa Bình Minh công bố đã sở hữu 6,3 triệu cổ phiếu CVT, tương ứng tỷ lệ 17,06% và trở thành cổ đông lớn của CVT.
Ở chiều ngược lại, hàng loạt cổ đông lớn của CVT như chứng khoán CTS, các thành viên HĐQT, bao gồm chủ tịch Dương Quốc Chính đã bán ra cổ phiếu và không còn là cổ đông lớn. Điều này đã khiến giới đầu tư tin rằng Hòa Bình Minh đã cơ bản hoàn tất thương vụ thâu tóm CVT.
Biến động cổ phiếu CVT thời gian gần đây
Thống kể từ tháng 10 tới nay cho thấy CVT xuất hiện nhiều lệnh giao dịch thỏa thuận giữa các nhà đầu tư trong nước với tổng khối lượng 7 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị 192,58 tỷ đồng (bình quân 27.550 đồng/cp). Đây có lẽ là những giao dịch mà các cổ đông CVT "trao tay" cho CVT.
Mức giá thỏa thuận bình quân kể trên thấp hơn khá nhiều thị giá CVT trên sàn chứng khoán hiện nay, điều này có thể xuất phát từ kỳ vọng của giới đầu tư về việc hoạt đông CVT sẽ có nhiều thay đổi theo chiều hướng tích cực khi đổi chủ, bởi Hòa Bình Minh cũng là doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực phân phối gạch ốp lát tại Việt Nam. Ngoài ra, cũng không loại trừ việc Hòa Bình Minh đã phải chi ra lượng tiền lớn hơn nhiều mức giá thỏa thuận nêu trên để mua cổ phiếu CVT.
Theo tìm hiểu, Gạch ốp lát Hòa Bình Minh là thành viên của Tổng Công ty Hòa Bình Minh, một tập đoàn hoạt động kinh doanh đa ngành, bao gồm vật liệu xây dựng.
Hòa Bình Minh chính thức tham gia phân phối các sản phẩm Gạch ốp lát từ năm 2015 với các thương hiệu CMC (của CVT), Viglacera, Prime, Vitto, Hoàng Gia…Đồng thời cho ra mắt bộ sưu tập Sunrise, Vision mang thương hiệu độc quyền Hòa Bình Minh. Bên cạnh đó, Hòa Bình Minh cũng là nhà phân phối thép Hòa Phát. Hòa Bình Minh cho biết sẽ hướng tới mở rộng và phát triển thành chuỗi trung tâm vật liệu xây dựng trong cả nước, phấn đấu trở thành đơn vị phân phối và dịch vụ dẫn đầu tại Việt Nam. Với mục tiêu như vậy, không bất ngờ khi CVT là "đối tượng" được Hòa Bình Minh lựa chọn để thâu tóm.
Trong lĩnh vực phân phối xe máy, Hòa Bình Minh cũng sở hữu Hệ thống gần 20 cửa hàng Bán xe & Dịch vụ do Honda Ủy nhiệm (HEAD). Ngoài ra, công ty cũng phân phối ô tô Hyundai với việc sở hữu Hyundai Việt Trì và Hyundai Hà Đông.
Chuyển đổi mục đích sử dụng nhà máy CMC 1
Bên cạnh câu chuyện M&A, một yếu tố giúp cổ phiếu CVT bứt phá có thể đến từ kế hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng nhà máy CMC 1.
Những năm gần đây, sản lượng tiêu thụ gạch ốp lát kích thước nhỏ (30x30 cm, 40x40 cm) của nhà máy CMC 1 đang có dấu hiệu chậm lại. Điều này đến từ nhu cầu xây dựng tăng trưởng chậm của ngành xây dựng cùng xu hướng sử dụng các sản phẩm cỡ lớn khiến việc tiêu thụ các dòng sản phẩm cỡ nhỏ với công nghệ cũ tại CMC1 gặp nhiều khó khăn.
Trong bối cảnh sản phẩm nhà máy CMC 1 không quá thuận lợi, tại ĐHCĐ thường niên năm 2020, CVT đã thông qua chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại CMC 1 hoặc bán chuyển nhượng. Được biết khu đất CMC 1 có diện tích hơn 7,5 ha tại phường Tiên Cát – Thành phố Việt Trì, Phú Thọ. Khu đất này CVT được giao với thời hạn 50 năm.
Một điểm đáng chú ý, hoạt động kinh doanh của cổ đông lớn Hòa Bình Minh bên cạnh vật liệu xây dựng, ô tô, xe máy còn có khách sạn, Bất động sản. Do đó, không loại trừ yếu tố lô đất CMC 1 đã khiến CVT trở nên hấp dẫn với Hòa Bình Minh, bên cạnh hoạt động sản xuất gạch ốp lát.