Thị trường hàng không quốc tế đang đón nhận nhiều tín hiệu khởi sắc. Cục Hàng không Việt Nam cho biết, tổng thị trường vận chuyển hành khách qua đường hàng không trong cao điểm Tết Nguyên đán Giáp Thìn (từ ngày 8/2/2024 đến ngày 14/2/2024, tức 29 tháng Chạp đến mùng 5 Tết) đạt hơn 1,5 triệu hành khách (tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023).
Điều đáng nói, thị trường nội địa có sụt giảm (13,2%) trong khi đó thị trường quốc tế ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ (54%).
Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Hồ Minh Tấn cho biết, lĩnh vực vận tải hàng không (đặc biệt là thị trường quốc tế) đã có sự hồi phục và đón nhận những tín hiệu tăng trưởng tích cực. Trong đó, mạng đường bay quốc tế kết nối Việt Nam và các quốc gia đang được phục hồi và mở rộng. Điều này giúp cho thị trường quốc tế đang dần hồi phục và dự báo sẽ sớm đạt được mức 2019 (thời điểm trước dịch Covid-19) trong năm 2024.
Các hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài đã khôi phục hoàn toàn các đường bay đến các thị trường truyền thống và mở rộng khai thác một số thị trường mới ở khu vực Trung Á như Kazakhstan, Uzbekistan, Turkmenistan, Mông Cổ...
Hiện nay, 63 hãng hàng không nước ngoài và 5 hãng hàng không Việt Nam khai thác thị trường quốc tế với 169 đường bay quốc tế thường lệ và thuê chuyến kết nối 28 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Triển vọng của hàng không quốc tế trong năm 2024
Dự báo của Cục Hàng không và các hãng hàng không Việt Nam, nhu cầu vận chuyển hành khách hàng không năm 2024 là từ 80 triệu khách (tăng 7,1% về hành khách so với năm 2023). Trong đó, hành khách nội địa là 38,5 triệu khách (giảm 10,5% so với năm 2023) và hành khách quốc tế là 41,8 triệu khách (tăng 30,6% so với năm 2023).
Sản lượng hàng hóa vận chuyển ước đạt 1,16 triệu tấn (tăng 4,8% so với năm 2023). Trong đó, hàng hóa nội địa là 210 nghìn tấn (tăng 10,5% so với năm 2023), hàng hóa quốc tế là 950 nghìn tấn (tăng 3,6% so với năm 2023).
Về phía các hãng hàng không , chiến lược khôi phục, mở rộng và phát triển mạng bay quốc tế đang được các đơn vị tập trung triển khai. Vietnam Airlines cho biết các thị trường trọng điểm như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đã dần phục hồi. Qua đó, hãng đã khôi phục gần 90% tần suất mạng bay quốc tế. Thời gian tới, hãng vẫn tiếp tục tập trung khai thác vào các đường bay đi Úc và châu Âu (Đức, Anh, Pháp…).
Đại diện khác là Vietjet Air cho biết, trong năm 2023 hãng đã mở mới tới 32 đường bay quốc tế, trong đó có 5 đường bay tới Australia với 58 chuyến bay mỗi tuần và 2 đường bay tới Ấn Độ (nâng tổng số đường bay quốc tế hãng đang khai thác lên 80). Đây là một trong những hãng hàng không tích cực nhất trong việc mở mới cũng như tăng tần suất khai thác quốc tế.
Theo các chuyên gia hàng không , các hãng bay đang tập trung phát triển thị phần quốc tế, ưu tiên khai thác, mở mới đường bay quốc tế hơn so với nội địa. Theo đó, khi bay quốc tế, hãng được thu thêm phụ phí xăng dầu, giá vé cũng không bị khống chế bởi khung giá trần như bay nội địa, giảm ảnh hưởng do chênh lệch tỷ giá tiền tệ… Năm nay, các đường bay quốc tế được kỳ vọng sẽ là trợ lực, điểm tựa tài chính quan trọng giúp hãng bay Việt Nam cải thiện doanh thu, chấm dứt giai đoạn khủng hoảng tài chính vì dịch bệnh.