Chẳng hạn như tại OCB, theo danh sách 20 cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên đã chiếm tới hơn 80% tổng vốn điều lệ tại nhà băng này. Riêng Chủ tịch hội đồng quản trị và người có liên quan sở hữu tới gần 20% vốn.
Tương tự với VPBank, nhà băng này có gồm 17 cổ đông năm hơn 64% tổng vốn điều lệ. Riêng chủ tịch hội đồng quản trị (ông Ngô Chí Dũng) và người có liên quan nắm hơn 33,6% vốn trong khi tại báo cáo quản trị cuối năm 2023, con số này chỉ dừng ở mức 13%.
Sự khác biệt lớn này do quy định mới trong Luật các tổ chức tín dụng 2024 mở rộng hơn về “người có liên quan” so với trước. Khái niệm "người có liên quan" được mở rộng đến cả ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, cô, dì, chú, bác, các cháu, tức là 5 thế hệ nhằm kiểm soát tình trạng sở hữu chéo.
Ngoài ra, 4 cổ đông tổ chức tại VPBank gồm: Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) - cổ đông chiến lược của VPBank - đang sở hữu gần 1,2 tỷ cổ phiếu, tương đương 15% vốn điều lệ; CTCP DIERA sở hữu 348,8 triệu cổ phiếu, tương ứng 4,39% vốn VPBank; và hai quỹ đầu tư là Composite Capital Master Fund và Vietnam Enterprise Investments lần lượt sở hữu 216,6 triệu cổ phiếu và 101 triệu cổ phiếu, tương ứng 2,73% và 1,28% vốn VPBank.
Ở chiều ngược lại, tại LPBank, số lượng cổ đông sở hữu vốn từ 1% trở lên tại LPBank dừng lại ở con số 2, gồm Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) với tỷ lệ sở hữu 6,54% vốn. Còn lại là ông Nguyễn Đức Thụy – Chủ tịch Hội đồng quản trị LPBank với tỷ lệ sở hữu hơn 2,765% vốn, và người có liên quan chỉ nắm vỏn vẹn 0,0002%.
Như vậy, theo danh sách do LPBank công bố, hơn 90% cổ phần của ngân hàng này là do các cổ đông “nhỏ” sở hữu dưới 1% vốn đứng tên.
Tương tự, MSB đã công bố danh sách 11 cổ đông sở hữu từ 1% vốn trở lên. Đáng chú ý, danh sách này chỉ bao gồm duy nhất 1 cá nhân và 10 cổ đông còn lại là các doanh nghiệp, quỹ đầu tư. Tổng cộng, 11 cổ đông này sở hữu khoảng 35% vốn ngân hàng.
Cá nhân duy nhất sở hữu trên 1% vốn MSB là ông Nilesh Ratilal Banglorewala, hiện nắm hơn 3%. Vị này từng giữ chức Giám đốc khối tại MSB và cũng có thời gian là Thành viên HĐQT của PGBank.
Tại HDBank, CTCP Sovico, Baillie Gifford Pacific Fund và Pyn Elite Fund (Non-Ucits) là cổ đông sở hữu trên 1% vốn cổ phần của nhà băng này.
Đáng chú ý, theo báo cáo kết quả phát hành ESOP năm 2023 được công bố vào tháng 3/2024 của HDBank, Ngân hàng còn có 4 cổ đông cá nhân sở hữu trên 1% vốn điều lệ nhưng không được nêu trong danh sách nói trên.
Đó là bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Sovico (Sovico Group) cũng là Phó Chủ tịch HĐQT của HDBank sở hữu 109 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 3,72%; ông Nguyễn Hữu Đặng, Phó chủ tịch HĐQT sở hữu 80,4 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 2,75%; ông Đào Duy Tường, Trưởng Ban kiểm soát sở hữu 79,8 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 2,73%; và ông Phạm Văn Đẩu, Giám đốc Tài chính sở hữu 126,3 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 4,31% vốn của HDBank.
Eximbank – ngân hàng vướng vào các cuộc tranh giành quyền kiểm soát những năm gần đây, bất ngờ cho thấy chỉ có năm cổ đông đang sở hữu vốn từ 1% trở lên. Trong đó, ba cổ đông tổ chức là Tập đoàn Gelex nắm 4,9%, đứng thứ hai là Công ty Chứng khoán VIX nắm 3,58%, thứ ba là CTCP Thắng Phương nắm 3,07%. Hai cổ đông cá nhân còn lại gồm bà Lương Thị Cẩm Tú – thành viên Hội đồng quản trị và bà Lê Thị Mai Loan – Phó tổng giám đốc, mỗi người sở hữu hơn 1% vốn Eximbank.
Cuối cùng là MBBank, ngân hàng không có cổ đông cá nhân nào nắm giữ từ 1% vốn trở lên và có 6 tổ chức sở hữu 47,2% vốn. Lớn nhất là Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội nắm 19%; kế tiếp là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) nắm 9,8%. Hai tổ chức sở hữu lớn kế tiếp cũng đều là doanh nghiệp nhà nước gồm Tổng công ty Trực thăng Việt Nam nắm 8,4% và Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn nắm 7,1%. Hai cổ đông tổ chức còn lại là quỹ đầu tư Pyn Elite sở hữu 1,6% và Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam sở hữu 1,2%.
Theo thống kê của Dân Việt, có tới 13 ngân hàng đang có cổ đông lớn sở hữu vượt quá 10% vốn điều lệ là: ABBank, BIDV, Vietcombank, HDBank, MBBank, OCB, PGBank, SaigonBank, Techcombank, VietABank, VietinBank, BaoVietBank, PVCombank.
Quy định giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của Luật các TCTD năm 2024 không áp dụng hồi tố đối với những trường hợp sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ 10% trước khi luật này có hiệu lực.
Theo khoản 11 Điều 210 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 về quy định chuyển tiếp đối với quy định tại Điều 63 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 như sau:
“Kể từ ngày luật này có hiệu lực thi hành, cổ đông, cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ sở hữu cổ phần quy định tại Điều 63 của luật này được tiếp tục duy trì cổ phần nhưng không được tăng thêm cổ phần cho đến khi tuân thủ quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần theo quy định của luật này, trừ trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu.
Như vậy, cổ đông đã sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ sở hữu cổ phần cho phép trước 1/7/2024 được tiếp tục duy trì cổ phần nhưng không được tăng thêm cổ phần cho đến khi tuân thủ quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng 2024, trừ trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu.
Chính quy định này lại làm gia tăng động cơ nắm giữ cổ phần hiện hữu và buộc các cổ đông lớn này phải suy tính cẩn trọng hơn khi tiến hành chuyển nhượng cổ phần. Bởi lẽ, đây là tiến trình không thể đảo ngược, một khi đã giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần thì không thể quay về trạng thái sở hữu như hiện nay được nữa.