Sau 1 năm kể từ thời điểm ngân hàng Việt Nam đầu tiên được chấp thuận áp dụng Thông tư 41/2016/TT-NHNN, đến nay đã có ngân hàng triển khai thành công cả 3 trụ cột của Basel 2.
Theo giới chuyên gia nhận định, Basel 2 không chỉ giúp ngân hàng giảm thiểu rủi ro, sử dụng tốt nhất nguồn vốn, mà còn giảm đáng kể các thiệt hại do các biến động của nền kinh tế gây ra. Hơn hết, càng về đích Basel 2 sớm sẽ càng tối ưu hóa hiệu quả hoạt động của ngân hàng.
Tại Việt Nam, chuẩn mực vốn Basel 2 được quy định theo Thông tư 41 và Thông tư 13 (ban hành năm 2018) của Ngân hàng Nhà nước. Trong đó, Thông tư 41 quy định về phần lớn nội dung của hai trong ba trụ cột Basel 2 là tỷ lệ an toàn vốn và công bố thông tin.
Và đến thời điểm hiện tại đã có 18 cái tên nối đuôi nhau công bố áp dụng Thông tư 41 sớm, gồm MB, Techcombank, ACB, VIB, MSB, HDBank, OCB, VPBank, TPBank, VietBank, Viet Capital Bank, SeABank, ShinhanBank, LienVietPostBank, NamABank, Standard Chartered Việt Nam, Vietcombank và BIDV.
Như vậy, khi chỉ còn hơn chục ngày nữa là tới hạn áp dụng chuẩn Basel 2 nhưng vẫn còn một số ngân hàng vẫn chưa thể đáp ứng bởi những câu chuyện riêng.
Thậm chí, xét trong nhóm 10 ngân hàng được chọn để thí điểm thực hiện sớm thì Sacombank và VietinBank đến nay vẫn chưa áp dụng Basel 2 thành công. Với trường hợp của VietinBank, ngân hàng khó đáp ứng được chuẩn do chưa thể tăng được vốn. Cổ đông Nhà nước hiện nắm giữ 64,46% vốn VietinBank, trong khi tỷ lệ sở hữu của cổ đông nước ngoài và cổ đông chiến lược đã gần mức tối đa cho phép.
Đến với trường hợp của Sacombank, ngân hàng này chưa công bố thông tin nào về việc triển khai áp dụng Basel 2. Tuy vậy, lãnh đạo Sacombank vẫn cho biết sẽ đảm bảo áp dụng tính toán tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư 41 vào đúng thời hạn đầu 2020.
Đáng chú ý, khi xét về việc áp dụng chuẩn Basel 2 tại Việt Nam, VIB đang trở nên nổi bật. Cụ thể, vừa qua VIB đã thông báo đây là ngân hàng Việt Nam đầu tiên hoàn thành ba trụ cột của Basel 2, sớm hơn 1 năm so với quy định.
Ngay từ năm 2018, ngân hàng này đã triển khai thành công trụ cột 1 và trụ cột 3 của Basel 2 theo phương pháp tiêu chuẩn, đảm bảo hệ số an toàn vốn được tính toán tự động hoá với mức CAR luôn đạt trên 9%.
Bên cạnh đó, VIB đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống chính sách quản trị rủi ro, cơ sở dữ liệu, bộ máy nhân sự và kế hoạch vốn nhằm đảm bảo ngân hàng quản trị và tính toán tỷ lệ an toàn vốn theo như quy định.
Đến năm 2019, VIB tiếp tục triển khai nội dung quan trọng của trụ cột 2 Basel 2, đánh giá nội bộ về mức độ đủ vốn (ICAAP). Để triển khai ICAAP, VIB đã phối hợp với công ty tư vấn PwC tiếp cận phương pháp tính toán ICCAP đã triển khai tại các ngân hàng có quy mô trương đương ở Đông Nam Á, từ đó xây dựng quy trình và phương pháp đánh giá nội bộ về mức độ vốn phù hợp với ngân hàng.
Tại thời điểm 30/9/2019, VIB đã hoàn thiện toàn bộ quy trình đánh giá nội bộ về mức độ đầy đủ vốn và đảm bảo điều kiện thuân thủ trụ cột 2 từ 1/1/2020.
Ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng giám đốc VIB cho biết coi việc hoàn thành 3 trụ cột Basel 2 là một trong các đầu việc quan trọng nằm trong tầm nhìn dài hạn về quản trị rủi ro. Ngân hàng dự kiến tiếp tục đầu tư phát triển Basel 2 theo phương pháp nâng cao và hướng tới áp dụng các chuẩn mực của Basel 3 vào công tác quản trị rủi ro của ngân hàng.
"Thực tế triển khai cho thấy Basel 2 thực sự đã mang đến cho ngân hàng nhiều lợi ích thiết thực, giúp VIB có những điều chỉnh phù hợp về mặt chiến lược, giúp quản trị kế hoạch vốn phù hợp với mục tiêu tăng trưởng bền vững và nâng cao chất lượng hoạt động kinh doanh một cách toàn diện. Việc VIB hoàn thành và áp dụng sớm cả 3 trụ cột của Basel 2 cũng được các tổ chức quốc tế đánh giá tích cực, góp phần nâng cao uy tín của VIB nói riêng và ngành ngân hàng Việt Nam nói chung", ông Hàn Ngọc Vũ chia sẻ.