Mới đây nhất, Tập đoàn bất động sản CapitaLand (Singapore) thông báo đã mua lại dự án căn hộ có tổng giá trị đầu tư 177 triệu USD tại Quận 4, TP.HCM. Chi phí CapitalLand bỏ ra để mua lại là 38 triệu USD. Việc mua lại đã nâng số lượng dự án nhà ở của CapitaLand tại Việt Nam lên con số 11 và là dự án thứ 9 tại TP.HCM.
Dự án này rộng 1,45 ha, gần sông Sài Gòn, được thiết kế thành hai tòa tháp 24 tầng cùng với các đơn vị bán lẻ bên dưới, nằm cách khu trung tâm quận 1 khoảng 5 phút lái xe. Trước kia đây là khu phố cảng và đã được chuyển đổi thành khu dân cư với nhiều sự lựa chọn ăn uống và lối sống phong phú.
Qua tìm hiểu được biết, ngày 10/11 CapitaLand đã hoàn tất mua lại 100% cổ phần của Công ty Cổ phần Đầu tư Kinh doanh bất động sản Việt Hưng Phú để nhận quyền sở hữu và phát triển dự án nói trên.
Trong tháng 9/2017, quỹ đầu tư bất động sản VinaLand Limited được quản lý bởi VinaCapital, đã bán cổ phần tại VinaSquare, một khu dự án phức hợp rộng 3,1 ha nằm tại vị trí đắc địa quận 5 TP.HCM.
Cổ phần này được VinaLand Limited mua từ hơn 10 năm trước và bán lại cho Công ty bất động sản Trí Đức Real Estate với giá 41,2 triệu USD. Ngoài ra, dự án Mỹ Gia 182 ha, dự án khu đô thị lớn nhất tại Nha Trang, miền Trung Việt Nam, cũng đổi chủ từ VinaLand sang một nhà phát triển trong nước với giá 11 triệu USD.
Trước đó, trong tháng 8, Công ty Anpha Holdings, một công ty phát triển bất động sản Việt Nam đã mua lại cổ phần 99,98% của Novaland tại Nova Galaxy, một công ty con của Novaland. Dự án Galaxy 9, nằm tại quận 4, TP.HCM với hơn 500 căn hộ, là một phần của vụ chuyển nhượng công ty con này.
Tại Hà Nội , Công ty đầu tư Growing Sun Investment mua lại dự án phức hợp cao cấp Diamond Rice Flower Complex rộng 4,2 ha từ Tập đoàn Kinh Bắc City Group, một công ty niêm yết danh tiếng. Tương tự, Tập đoàn FLC Group đã thắng thầu quyền sử dụng đất lô đất DM1 rộng 6,4 ha nằm tại quận Nam Từ Liêm với giá 38 triệu USD để xây biệt thự, nhà liền kề và căn hộ.
Theo đánh giá của các chuyên gia nghiên cứu của công ty CBRE Việt Nam, thị trường Việt Nam nhìn chung, thị trường BĐS nói riêng, sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư ra nước ngoài từ các quốc gia APEC trong những năm tới đây.
Ông Anshuman Magazine, Chủ tịch CBRE Đông Nam Á cho biết đối với những quốc gia phát triển như Nhật, Hàn Quốc, Singapore, khả năng sinh lợi từ phát triển dự án sẽ không được hấp dẫn như tại các thị trường mới nổi. Nhà đầu tư từ những thị trường này sẽ muốn đa dạng hóa danh mục đầu tư của họ tại các thị trường mới nổi như Việt Nam.
Song song đó, Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh thuộc hàng cao nhất khu vực trong nhiều năm gần đây, với những yếu tố kinh tế vĩ mô đã được cải thiện. Ngoài ra, thị trường nội địa với quy mô dân số đáng kể so với các quốc gia khác, dân số trẻ và năng động, tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng, tốc độ đô thị hóa chóng mặt, sẽ là động lực lớn cho nhu cầu không chỉ đối với thị trường nhà ở, mà cả thị trường bán lẻ, văn phòng, v.v...
“Các nhà đầu tư nước ngoài đầu tiên quan tâm về tính minh bạch của thị trường, về các yếu tố pháp lý. Chính phủ Việt Nam gần đây đã có nhiều bộ luật mới giúp cải thiện đáng kể vấn đề này, ví dụ như Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS năm 2015.
Tuy nhiên, để thị trường này thật sự trở thành một hấp lực cho các thương vụ M&A, vẫn còn nhiều việc cần phải làm, đặc biệt là ở các sản phẩm bất động sản mới, để tăng tính minh bạch. Tính cam đoan của hợp đồng, sự bảo vệ của luật pháp đối với các điều khoản trong hợp đồng cũng là một yếu tố quan trọng", ông Vikram Kohli, Giám đốc điều hành bộ phận Kinh doanh & Chiến lược, CBRE Đông Nam Á cho biết.