Bapi HAGL sắp ra mắt thương hiệu bò Lamon ở Hà Nội. Đáng chú ý, tham dự tại buổi ra mắt này không chỉ có đại diện Bapi, mà còn là sự xuất hiện của ông Đỗ Xuân Diện – dưới vai trò Chủ tịch HĐQT CTCP Giấy Đức Phú.
Được biết, việc bán thêm thịt bò cho cửa hàng Bapi đã được HAGL tiết lộ trước đó. Kế hoạch cụ thể đến năm 2023, HAGL sẽ cung ứng cho thị trường 1 triệu con heo, 10 triệu con gà và 100.000 con bò Lào đặc sản. Điều này nằm trong chủ trương của bầu Đức: nhằm đa dạng thực phẩm sạch tới người tiêu dùng, Công ty sẽ kết nối với các đối tác, đưa các đặc sản vào chuỗi cửa hàng Bapi Food.
Trong đó, heo phân phối sẽ là heo ăn chuối Bapi, gà sẽ là gà chạy bộ Marathon theo công thức dinh dưỡng độc quyền của HAGL (40% nguyên liệu là trái chuối). Với sản phẩm bò, HAGL hợp tác với một đối tác cung cấp bò đặc sản bên Lào.
Cần nhấn mạnh, bò từng là một trong những định hướng ngày xưa của bầu Đức song chưa thành. Trong chia sẻ mới nhất hồi đầu năm, bầu Đức vẫn khẳng định về giá trị của lĩnh vực chăn nuôi bò.
Nhảy vào cuộc chơi 3F (Feed-Farm-Food), sẵn có lợi thế là Feed (nguồn nguyên liệu tận dụng từ trái chuối) và diện tích nuôi trồng rộng lớn (tại Gia Lai, Lào), HAGL đang đẩy mạnh khâu cuối cùng là Food.
Chi tiết, Công ty hiện liên kết với nhà máy chế biến heo tại phía Bắc và miền Trung. Với gà Marathon, HAGL đang xúc tiến hoàn thành và đưa vào vận hành nhà máy giết mổ thịt gà tại Gia Lai, công suất khoảng 1.200-1.500 con/giờ, tương đương 14 triệu con/năm. Trong tương lai, bầu Đức hướng đến xây dựng nhà máy chế biến thịt, tham vọng trở thành một thế lực mới trên thị trường thịt thương hiệu tỷ USD.
Về kênh phân phối, bên cạnh cửa hàng tự mở là Bapi Mart (Đà Nẵng) và Bapi Food (với kế hoạch 1.000 cửa hàng vào năm 2023), HAGL cũng bắt tay với các đối tác bán lẻ khác gồm Lotte, Fresh Market, Homefarm (chuyên hàng nhập khẩu) và mới nhất là chuỗi T-Mart (hiện có 70 cửa hàng tại Hà Nội).
Riêng Bapi Food, HAGL đã mở rộng sang các tỉnh thành khác, bên cạnh 3 thành phố lớn là Tp.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng.