Doanh nghiệp tư nhân trong nước đang khẳng định vị trí ngày càng quan trọng trong nền kinh tế. Theo Báo cáo, năm 2019, Việt Nam đang có 668,5 ngàn doanh nghiệp (DN) trong đó DN tư nhân trong nước là 647,6 ngàn DN, chiếm 96,88% tổng số, đóng góp 15,12 triệu tỷ VND (57%) tổng doanh thu thuần, thu hút 9.075 ngàn lao động, chiếm 59,9% tổng lao động trong khu vực DN ở Việt Nam.
Trên cơ sở tổng quan các phương pháp xếp hạng đã được sử dụng rộng rãi hiện nay, Báo cáo xác định danh sách VPE500 dựa trên ba tiêu chí: quy mô lao động, tổng tài sản và doanh thu thuần. Chỉ số sử dụng cho xếp hạng là trung bình cộng của thứ hạng theo ba tiêu chí trên.
Số liệu điều tra DN năm 2019 của Tổng cục Thống kê (điều tra năm 2020) được sử dụng để lập danh mục VPE500. Nhóm nghiên cứu không sử dụng số liệu của năm 2020 (điều tra năm 2021) do DN bị ảnh hưởng bởi COVID-19 ở các mức độ và địa bàn khác nhau sẽ làm méo bức tranh ổn định của DN trong một thời gian dài trước đó.
Tổng quan một số chính sách hiện hành cho thấy từ định hướng, chủ trương đến các cơ chế, chính sách, Việt Nam không có sự phân biệt đối xử, hoặc chính sách riêng đặc thù cho DN lớn, thậm chí có nhiều chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa (DNNVV). Tuy nhiên, DN lớn vẫn có lợi thế trong việc tiếp cận các nguồn lực như đất đai, cơ hội về đầu tư, thị trường, tài chính, và cơ hội cung ứng hàng hoá, dịch vụ... thông qua các ưu đãi thu hút đầu tư, hoặc quy định về điều kiện tham gia đấu thầu, cũng như tiềm lực với các khách hàng xuất khẩu.
Mặc dù xuất hiện ở 57/63 tỉnh thành phố, VPE500 tập trung ở hai trung tâm kinh tế lớn là TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội (chiếm gần 50% tổng số) và một số địa phương có nhiều khu công nghiệp như Bình Dương, Đồng Nai, Hưng Yên và Ninh Bình. Nhìn chung, VPE500 đang được hình thành dựa trên các lợi thế hạ tầng, nguồn lực và thị trường của các địa phương.
VPE500 phân bố ở hầu hết các ngành kinh tế (18/21 ngành cấp 1). Trong đó, tập trung nhiều nhất ở ngành công nghiệp chế biến chế tạo (CBCT), thương mại (bán buôn và bán lẻ) và xây dựng.
Nhóm VPE500 hoạt động vượt trội so với DN tư nhân trong nước nói chung trên khía cạnh quy mô và kết quả kinh doanh bình quân cũng như tham gia vào hoạt động xuất nhập khẩu và liên kết DN. Trung bình giai đoạn 2016-2019, quy mô lao động và tổng tài sản bình quân của một DN thuộc VPE500 cao gấp hơn 83 lần và hơn 132 lần DN tư nhân trong nước nói chung, doanh thu thuần gấp khoảng 123 lần. Tỷ lệ DN có xuất khẩu lên tới 58,0% so với 7,73% của các DN tư nhân còn lại.
Báo cáo đưa ra danh sách 500 DN tư nhân lớn nhất cả nước năm 2019. 3 doanh nghiệp đứng đầu đều thuộc lĩnh vực hoạt động thương mại.
Theo đó, doanh nghiệp giữ vị trí quán quân là CTCP Thế Giới Di Động thuộc lĩnh vực thương mại với số điểm trung bình 3 điểm. Về chỉ tiêu doanh thu, DN này xếp thứ nhất trên cả nước, chỉ tiêu lao động và tài sản lần lượt xếp thứ 2 và thứ 7.
Vị trí tiếp theo thuộc về CTCP DV-TM Tổng hợp Vincommerce với số điểm trung bình 7 điểm. DN này xếp thứ nhất về chỉ tiêu lao động, chỉ tiêu tài sản xếp thứ 6 và đứng thứ 10 về doanh thu.
CTCP Ô Tô Trường Hải giữ vị trí thứ 3 với 13 điểm. Tài sản và doanh thu của DN nằm trong top 4, tuy nhiên, về lao động, DN này đứng ở vị trí 26.
Nguồn: Báo cáo VPE500
CTCP Vinapearl là DN duy nhất thuộc lĩnh vực khách sạn, nhà hàng nằm trong top 10 của VPE500 với 20 điểm và giữ vị trí thứ 5. CTCPXD Và Kinh Doanh Địa ốc Hoà Bình cũng là DN duy nhất thuộc lĩnh vực xây dựng lọt top 10 với 22 điểm.
Bên cạnh đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo chiếm 50% top 10 của danh sách VPE500. Cụ thể, CTCP Sữa Việt Nam ở vị trí thứ 4, CTCP Thép Hoà Phát giữ vị trí thứ 7, Công ty TNHH Nước Giải Khát Suntory Pepsico Việt Nam ở vị trí thứ 8, CTCP Đầu Tư Thái Bình giữ vị trí thứ 9 và CTCP Thép Hòa Phát Dung Quất ở vị trí thứ 10.